Đổi thay ở vùng đất tái định cư

GD&TĐ - Đã hơn 10 năm kể từ ngày xã tái định cư ở Ngọc Lâm, Thanh Chương (Nghệ An) được thành lập. Khoảng thời gian của những câu chuyện dang dở, của những trăn trở giữa đi và ở của bà con dân bản đã nhường nơi “cha sinh mẹ đẻ” cho dòng điện Bản Vẽ.

Nhiều người dân Ngọc Lâm đã ổn định cuộc sống, khá lên từ đồi chè
Nhiều người dân Ngọc Lâm đã ổn định cuộc sống, khá lên từ đồi chè

Cú sốc văn hóa

Cách đây hơn 10 năm, khi rời Tương Dương xuôi hơn 150 km về tái định cư tại Ngọc Lâm (Thanh Chương), bà con người Thái, Khơ Mú bỡ ngỡ nhìn đất mới, nhà mới, và cả những thửa ruộng mới. Nếu như trước kia, họ canh tác làm rẫy trên mấy quả đồi, thì về đây mỗi hộ được chia đất, chia ruộng với một diện tích đất nhỏ chỉ bằng một phần ba, phần tư. Ở rẫy cũ, họ chỉ việc chọc lỗ, tra hạt, chờ khi lúa chín lên rẫy gặt hái, thì ở đây họ phải chăm bón từng ngày. Và cuộc sống cách đó không lâu, đói ăn lên rừng hái măng, đào củ, xuống suối bắt cá, thì về nơi ở mới họ không tìm được cái gì có sẵn, tất cả phải tự mình sản xuất ra.

Thời gian đầu còn có tiền, gạo hỗ trợ, nhưng sau mấy năm thì hết. Lạ đất, lạ người, lạ phương thức sản xuất, Ngọc Lâm chứng kiến hàng trăm người bỏ vùng tái định cư kéo nhau quay về quê cũ. Làng bản đã chìm sâu dưới nước, họ dựng lán tạm bợ trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Có người đến giờ vẫn bám trụ ở lại lòng hồ, cư trú bất hợp pháp ngay trên vùng đất quen thuộc bao đời.

Thời điểm đó, ông Lương Văn Phượng (bản Muộng) cũng gặp muôn vàn khó khăn và không phải không nghĩ đến việc đưa vợ con hồi cư. Nhưng ông quyết tâm trụ lại, vì hiểu rằng mảnh đất mới này là nơi “thường trú” của gia đình. “Ở đây thời tiết, khí hậu khác, vốn đất hạn chế, khó canh tác. Vợ chồng tôi cùng các con phải học từ đầu. Cuốc đất, khai hoang, đào ao dẫn nước về. Ban đầu là trồng lúa, trồng rau củ, chăn nuôi để có lương thực cho cả nhà, rồi lấy ngắn nuôi dài, nghĩ đến làm kinh tế sau”.

Ông Vi Văn Phong (SN 1965, bản Tà Xiêng) cũng từng thấp thỏm không yên khi thấy bà con láng giềng rủ quay về Tương Dương. Nhưng rồi được sự động viên, khuyến khích của nhiều người nên gia đình quyết định ở lại, “thử” cố gắng làm ăn xem thế nào. Rồi 2 vợ chồng dẫn nước từ Khe Vang về canh tác 3 sào ruộng. Năm 2012, vợ chồng ông đầu tư 11 triệu đồng thuê máy móc, cải tạo, đắp bờ gần nửa tháng để trồng lúa. Lúc ấy, gia đình mới có gạo ăn, thoát đói và yên tâm ở vùng đất tái định cư.

Em Kha Thị Nhật Linh (học sinh Trường THCS Hương Tiến) giới thiệu dự án “Balo chống đuối nước” dự thi KHKT cấp quốc gia 2018
  • Em Kha Thị Nhật Linh (học sinh Trường THCS Hương Tiến) giới thiệu dự án “Balo chống đuối nước” dự thi KHKT cấp quốc gia 2018

Sức người thay đổi vùng tái định cư

Ngọc Lâm bây giờ còn có nhiều những người trẻ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và các trường nghề nay quay về xây dựng quê hương. Tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân, chị Vi Thị Nhàn (sinh năm 1987) là niềm tự hào của bà con bản Kim Liên. Sau khi ra trường, thay vì ở lại Thủ đô, chị về bản nghĩ cách làm kinh tế. Chẳng ngại khó, chị vận động trước tiên là gia đình mình khai hoang để trồng chè với diện tích 3 sào đất. Cây keo, cây chè… những loại cây hàng hóa vốn dĩ rất xa lạ trong tập quán canh tác bà con người Thái, Khơ Mú.

Những ngày tháng kiên trì nhẫn nại trên đồi, trồng gốc cây đầu tiên, đưa nước về tưới cho cây ra lá… chị thuyết phục, kêu gọi bà con cùng làm, bám đất để làm giàu. Đến nay, đã có 70/77 hộ dân bản Kim Liên trồng chè. Chị đã biến bản làng mình trở thành một vùng nguyên liệu nhỏ, tìm kiếm nơi tiêu thụ ổn định để bà con có thu nhập, đưa sản xuất tự túc thành sản xuất hàng hóa.

Tất cả những tâm huyết của giáo viên là mong muốn, đợi chờ và kỳ vọng những đứa trẻ Ngọc Lâm được đi học đầy đủ. Khi lớn lên, các em có ước mơ, khát vọng, kiến thức sẽ cùng với gia đình mình, ngay trên quê hương mình “an cư, lạc nghiệp”. 

Dần dần, mảnh đất khó này có thêm nhiều gia đình thoát nghèo, có giá đình khá, để hiểu được “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Trong câu chuyện của những người Ngọc Lâm hôm nay vẫn còn nỗi nhớ về quê cũ. Họ nhớ rừng, nhớ suối, nhớ tập quán sinh hoạt cũ, nhớ những bữa cơm gạo rẫy mới, những nếp nhà sàn bình yên bên dòng Nậm Nơn. Đó là điều không thể tránh khỏi khi bao nhiêu đời, bao nhiêu thế hệ của họ đã ở đó. Nơi tổ tiên sau những lần di canh, di cư đã chọn dừng chân tại mảnh đất Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Dương rồi sinh con đẻ cái làm nên bản làng. Ông Lô Hoài Dung Phó Chủ tịch HĐND (nguyên là Chủ tịch UBND) xã Ngọc Lâm nói: Bà con người Thái, Khơ Mú, Ơ Đu đã nhường lại “nơi chôn nhau cắt rốn” làm mặt bằng xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ và di dời, tái định cư tại huyện Thanh Chương. Năm 2009, xã Ngọc Lâm được thành lập trong hoàn cảnh tỷ lệ hộ nghèo là 100%. Nhưng mỗi năm qua đi, cả chính quyền và người dân cùng cố gắng hơn, chăm chỉ hơn, tin tưởng hơn để làm nên một lịch sử mới, một lần định canh định cư mới và dài lâu.

Một ngôi nhà tái định cư xã Ngọc Lâm, Thanh Chương
  • Một ngôi nhà tái định cư xã Ngọc Lâm, Thanh Chương

Cho những đứa trẻ tự tin hơn

Xã Ngọc Lâm có tất cả 14 bản, và hiện có hơn 1.000 học sinh ở cấp học mầm non, tiểu học, THCS với tất cả 23 điểm trường. Những ngày đầu, nhiều giáo viên được điều về đây dạy học đã vô cùng vất vả để vận động học sinh đến lớp. Tâm lý các em ít nhiều bị xáo trộn sau cuộc chuyển nhà lớn. Bản thân bố mẹ đang lo cuộc mưu sinh cũng ít quan tâm đến sự học của con cái. Nhưng với sự kiên trì của nhà trường, dần dần sỹ số đã duy trì đầy đủ. Qua từng năm, chất lượng dạy học tiến bộ hơn. Các nhà trường còn quyên góp sách vở, và hầu như lo đủ sách giáo khoa cho toàn thể học sinh. Chính quyền địa phương, ngành Giáo dục huyện Thanh Chương cũng vận động xây dựng quỹ khuyến học, tặng học bổng để khuyến khích học sinh vượt khó học giỏi.

Những năm gần đây, năm nào Ngọc Lâm cũng có học sinh giỏi cấp huyện. Đặc biệt, Trường THCS Hương Tiến liên tiếp có dự án thi KHKT cấp tỉnh. Trong đó, năm 2018 sản phẩm “Balo chống đuối nước” của hai nữ sinh Lô Thị May Sao và Kha Thị Nhật Linh giành giải Nhất tỉnh và lọt vào vòng thi KHKT quốc gia. Đây là thành tích đáng nể của hai nữ sinh người dân tộc Thái đến từ vùng tái định cư Ngọc Lâm còn rất nhiều khó khăn. Thầy Hoàng Kim Cương – Hiệu trưởng Trường THCS Hương Tiến cho biết: “Chúng tôi luôn chú ý tìm kiếm, phát hiện ra những em học sinh có tố chất để phát triển, bồi dưỡng. Thành tích đạt được là vinh dự cho nhà trường. Nhưng điều quan trọng hơn là để các em học sinh tự tin hơn, phấn khởi hơn, không có mặc cảm thua kém các bạn ở trường khác”.

Một tín hiệu mừng nữa là gần đây, việc phân luồng học sinh sau THCS của trường rất tốt. Năm học trước, có hơn 50% học sinh không thi vào THPT. Tỷ lệ này hoàn toàn tự nguyện, và phần lớn các em sau đó đều đăng ký đi học nghề. “Chúng tôi chú trọng việc hướng nghiệp cho cho học sinh, nhằm hướng các em vào học ở 1 cơ sở đào tạo nghề nếu như không đủ điều kiện hoặc không muốn học lên THPT. Nhà trường cũng tuyên truyền cho học sinh nắm rõ Thông tư 53 hỗ trợ con em đồng bào dân tộc thiểu số học nghề mỗi tháng số tiền bằng 1 tháng lương cơ bản. Vì vậy, số lượng học sinh đăng ký học nghề của trường cao. Ở độ tuổi này, việc học một nghề nghiệp nhất định trước khi đi làm là lựa chọn đúng đắn và rất cần thiết” - thầy Hoàng Kim Cương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ