Những "cầu nối" cho chất lượng
Cho dù có đại công trình thuỷ điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á cùng gần 20 công trình thuỷ điện phụ trợ lớn nhỏ khác trên địa bàn (do đó mà có người gọi Mường La là “miền đất ánh sáng”) nhưng thực tế Mường La vẫn là một trong 61 huyện nghèo nhất nước (Sơn La có 5 huyện nằm trong “danh sách” này). Cái khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội bao giờ cũng tác động lớn đến chất lượng GD. Đó là một thực tế. Nhưng lại có một thực tế khác là từ khi những công trình thuỷ điện, đặc biệt là đại công trình thuỷ điện Sơn La, được triển khai thì không chỉ kinh tế - xã hội địa phương có cơ hội và điều kiện để đổi thay mà ngay bản thân GD&ĐT Mường La cũng đã được trao cơ hội và tạo điều kiện để chuyển mình.
Hãy khoan nói đến chất lượng. Trước hết, hãy nói đến những “cầu nối” giúp Mường La nâng cao chất lượng, mà theo như ông Đăng Trung Dũng - Phó Trưởng phòng GD - thì “nếu không có những cầu nối này, GD Mường La khó mà được như ngày hôm nay”.
Không chỉ có đại công trình thuỷ điện Sơn La, có thể nói tất cả các dự án thuỷ điện khác trên địa bàn đều có chương trình đầu tư cho GD, chẳng hạn công trình nhà máy thuỷ điện Mường Chiến, công trình nhà máy thuỷ điện Nậm Phia... đã đầu tư xây dựng hẳn một ngôi trường mới trên địa bàn xã mà công trình xây dựng, với những trang thiết bị đồng bộ kèm theo, để không chỉ phục vụ cho con em người dân địa phương mà còn có thể đón con em các công nhân về xây dựng thuỷ điện. Ngoài ra, để phục vụ cho con em của 10.000 công nhân về xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La có điều kiện học tập, dự án của đại công trình này đã đầu tư thêm ở thị trấn Ít Ong hai cơ sở GD là trường Tiểu học Sông Đà và Trường Mầm non Sông Đà với quy mô lớn, do giáo viên của Phòng GD huyện đảm nhận và có nhận thêm cả con em người dân địa phương; bên cạnh đó lại đầu tư tu sửa và trang bị toàn diện cho trường THPT của huyện. Không chỉ có vậy, hiện các điểm trường lẻ ở Mường La đã được Dự án GD trẻ vùng khó đầu tư CSVC (riêng năm học 2008 - 2009 Dự án đã đầu tư xây dựng cho Mường La 15 phòng học), qua đó về cơ bản đã giúp Mường La có một hệ thống trường lớp đồng bộ, bước đầu đáp ứng nhu cầu dạy và học. Hiện ngành GD Mường La đang triển khai Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho GV giai đoạn 2008 - 2010. Tính đến hết năm học 2008 - 2009 đã triển khai xây dựng được 120 phòng học và 103 phòng công vụ cho GV. Theo ông Đăng Trung Dũng, năm 2009 Mường La có 46 phòng học và 15 phòng công vụ cho CBGV được xây dựng theo chương trình kiên cố hoá; chưa kể các trường đã tham mưu, huy động hàng nghìn ngày công để tu sửa, làm mới 303 phòng học tạm, đảm bảo an toàn cho HS, làm mới 25 phòng học bán trú cho HS.
Bên cạnh việc được đầu tư về CSVC, không thể không nói đến những tác động tích cực trong chính sách dành cho các CBGV trên địa bàn, đặc biệt là những CBGV công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Từ năm 2006, UBND huyện Mường La đã ban hành quy chế luân chuyển GV ở vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn) với nữ 45 tuổi, nam 50 tuổi vẫn thực hiện luân chuyển (nam 5 năm, nữ 3 năm). Ngoài ra lại có quy định riêng các điểm trường lẻ nếu cách xa trường chính trên 20 km thì sẽ do các thầy giáo đảm nhiệm. Tất cả những quy định đó, kết hợp với các chính sách ưu đãi của Nhà nước cho GV vùng khó ngày càng nhiều hơn, đảm bảo hơn, đã giúp Mường La có được sự ổn định cơ bản trong đội ngũ cán bộ GV, đặc biệt là trong việc điều động GV lên vùng 3, một công tác vốn gặp rất nhiều khó khăn trước đây. Đó cũng là một “cầu nối” hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng GD ở địa phương.
Một “cầu nối” hữu hiệu khác ông Đăng Trung Dũng chỉ ra cho chúng tôi: Đó là chương trình nhân viên hỗ trợ GD của Dự án GD trẻ vùng khó. Những trở ngại thường thấy do khác biệt ngôn ngữ giữa GV và HS người DTTS (nhất là những HS vào lớp 1 mà chưa được qua lớp mẫu giáo 5 tuổi) đã được đội ngũ nhân viên hỗ trợ này giải quyết triệt để; đồng thời họ cũng là những nhân tố tích cực và hiệu quả trong việc tham gia vận động đưa trẻ tới trường, hạn chế đáng kể tình trạng bỏ học, trốn học.
Các em HS lớp 5 Trường TH Sông Đà trong giờ học (ảnh Internet) |
Sự minh chứng từ những con số
Những kết quả khả quan về chất lượng GD Mường La hôm nay không phải dễ dàng có được trong ngày một ngày hai mà xuất phát từ một cái gốc bền vững đã được ghi nhận trong suốt cả một quá trình. Nếu bây giờ chúng tôi nói GD Mường La có thể xếp vào nhóm đứng đầu của ngành GD Sơn La, hẳn nhiều người sẽ ý kiến: Thì đầu tư nhiều như thế, chẳng nhẽ không tốt. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Nên biết Mường La là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Sơn La được công nhận PC GD Tiểu học - xóa mù chữ (từ năm 1998) và vừa mới đây đã được kiểm tra công nhận hoàn thành công tác PCGD THCS và đạt chuẩn quốc gia PCGD Tiểu học đúng độ tuổi. Nói đó là thành tích cũng không sai chút nào, bởi lẽ toàn huyện hiện 21.113 HS (với 966 nhóm lớp, từ Mầm non đến THCS) thì có đến 95% là con em đồng bào dân tộc thiểu số (Thái, Mông, Dao, La Ha...), có đời sống rất khó khăn, đặc biệt là đồng bào ở các xã vùng sâu, vùng xa. Cô Hoàng Thị Thuỷ - Phó Trưởng phòng GD - cho biết trong năm học 2008 - 2009, đối với cấp học Mầm non Mường La đã huy động được 83,1% ra lớp mẫu giáo, riêng trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,6%. Đánh giá cuối năm theo tiêu chí đạt và không đạt ở nhóm trẻ 5 tuổi cho thấy tỷ lệ đạt chiếm 98,87% (1936/1958). Đối với cấp Tiểu học, 100% GV thực hiện giảng dạy theo đúng phân phối chương trình và SGK theo quy định của Bộ GD&ĐT; các tiết dạy đều đảm bảo mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ cho từng bài học theo hướng lấy HS làm trung tâm. Kết quả cuối năm cho thấy tỷ lệ HS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98,1%; tỷ lệ HS lên lớp thẳng là 97,7%. Đối với cấp THCS, trong năm học vừa qua ngành GD Mường La đặc biệt nhấn mạnh kiểm tra đánh giá cần giảm nhẹ yêu cầu kiểm tra tái hiện kiến thức; tăng cường yêu cầu HS vận dụng kiến thức theo hướng ra đề “mở” để HS tự liên hệ, phân tích, bình luận biểu đạt kiến thức và định hướng hành vi của mình; yêu cầu xác lập được các quan hệ đánh giá. Hiệu quả của cách làm đó được thể hiện qua kết quả xét tốt nghiệp THCS cuối năm học: 99,84% HS tốt nghiệp.
Chuyện làm “Hai không” ở Mường La cũng có nhiều điều để nói. Ngay từ đầu năm học, Phòng GD đã xây dựng kế hoạch, đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Hai không”, tiến hành ký cam kết với Ban giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn các trường và một số tổ chức trong Hội nghị GD đầu năm học với nhiều công tác đã được triển khai, trong đó đẩy mạnh tổ chức dạy đền, dạy bù cho HS lớp 6 ngồi sai lớp ngay từ đầu năm học, tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho CBGD... Kết quả đến cuối năm học, toàn huyện chỉ còn 11,18% HS yếu ở cả bậc Tiểu học và THCS.
Mường La có một cách hay để vừa chống được tình trạng “ngồi nhầm lớp” của HS lại vừa đảm bảo được sĩ số, chất lượng học tập, đó là xét lên lớp làm 3 lần: thời điểm kết thúc năm học, trong tháng 7 và trước khi bước vào năm học mới. Qua đó gắn chặt trách nhiệm với GV, buộc các thầy cô phải tổ chức dạy, học thêm cho các cháu học lực yếu. “Việc GV phải bỏ tiền lương mua sách vở, bút, thậm chí cả kẹo để... “nịnh” học trò đi học không phải là hiếm. Còn việc phải trèo đèo lội suối đi vận động học trò đến lớp đối với GV vùng cao của chúng tôi thì... như cơm bữa. Được cái việc làm này nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và gia đình các cháu nên rất thuận lợi” - ông Đăng Trung Dũng cho biết - “Từ khi thực hiện 2 không, số HS ngồi nhầm lớp đã giảm hẳn và cuối cùng để có được kết quả như các anh đã biết. Chất lượng GD cũng được nâng lên một bước mới. Khó khăn với chúng tôi bây giờ không phải là chuyện HS ngồi nhầm lớp nữa, mà là làm thế nào để tiếp tục nâng cao chất lượng GD toàn diện ở tất cả các cấp học; ổn định tình hình GD ở những điểm di dân tái định cơ trên địa bàn để phục vụ các công trình thuỷ điện. Đó mới là vấn đề mà chúng tôi quan tâm nhất trong thời điểm hiện nay”.
Cái nhìn cận cảnh về GD Mường La hôm nay, mang lại cho tôi nhiều lạc quan và niềm tin về một tương lai đẹp trên “miền đất ánh sáng”...
Nhất Nguyên