Thêm gần 1.500 phòng học mới
Để chuẩn bị năm học mới, TPHCM tiến hành rà soát, cấp kinh phí cho các cơ sở GD cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trong hè 2019 với tổng kinh phí khoảng 533 tỷ đồng. Dự kiến đến ngày 5/9, thành phố sẽ đưa vào hoạt động thêm gần 1.500 phòng học mới, gồm xây thay thế 237 phòng học, tăng thêm hơn 1.200 phòng học.
Sở GD&ĐT cũng đã và đang tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền các quận, huyện rà soát quy hoạch giáo dục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp nhằm thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học để tăng tỷ lệ học sinh (HS) được học 2 buổi/ngày, hoạt động cả ngày trong nhà trường.
Cụ thể, tại quận Bình Tân, năm học mới này, quận đưa vào sử dụng 2 trường mầm non và sửa chữa, nâng tầng, xây mới thêm khoảng 112 phòng học. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, cho biết, năm nay toàn quận có hơn 12.000 HS vào lớp 1, trong khi đó số HS lớp 5 ra trường là 9.316 em. Vì vậy, để bảo đảm đủ chỗ học cho HS lớp 1 (học 1 buổi), quận đã đầu tư xây mới 53 phòng học mới.
Tương tự, toàn quận có 9.200 em vào lớp 6, trong khi số lớp 9 ra trường là 5.419 (tăng gần 4.000 em), để đảm bảo đủ chỗ học, quận đã xây mới thêm 59 phòng ở THCS.
“Địa bàn quận Bình Tân có dân số tăng nhanh bậc nhất TP, do số lượng người nhập cư đông nên số HS hằng năm đều tăng cao. Để bảo đảm cho 100% con em người dân trên địa bàn có chỗ học, quận đã đầu tư xây mới 2 trường mầm non và hơn 112 phòng học mới ở tiểu học, THCS. Tuy nhiên, việc xây mới phòng học chỉ bảo đảm việc học 1 buổi/ngày, còn về sĩ số vẫn rất áp lực. Đặc biệt tỷ lệ học 2 buổi/ngày dự báo giảm”, ông Ngô Văn Tuyên nói.
Ngoài quận Bình Tân, để bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh, các quận huyện cũng đưa vào sử dụng thêm nhiều trường học mới. Tại huyện Bình Chánh, theo ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó phòng GD&ĐT huyện, năm học 2019 - 2020, toàn huyện có hơn 11.000 trẻ 6 tuổi vào lớp 1, có 7.878 học sinh vào lớp 6. Huyện dự kiến đưa vào sử dụng một trường tiểu học mới với quy mô 30 phòng học; đến nay công trình đã hoàn thiện. Ngoài ra, huyện có một số trường được cải tạo, sửa chữa và xây mới trên nền cũ, tăng thêm quy mô tiếp nhận học sinh.
Tương tự, năm học mới, dự kiến quận Thủ Đức có 8.800 trẻ vào lớp 1, có 7.284 học sinh vào lớp 6. Quận sẽ đưa vào sử dụng trường được xây mới là Trường Tiểu học Linh Chiểu. Tại quận 12, năm học mới này, quận có 3 trường mới xây dựng được đưa vào sử dụng gồm: Mầm non Mai Vàng, Tiểu học Trần Văn Ơn và THCS Trần Phú. Tại quận Tân Bình, Trường Tiểu học Phan Huy Ích được xây dựng.
Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
Ngoài công tác bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học mới, ngành GD-ĐT TP chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý, giáo viên.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, năm học 2019 - 2020, được coi là năm học bản lề để thực hiện chương trình GDPT tổng thể, nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GD-ĐT. Thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và sự sẵn sàng của các cơ sở GD thông qua việc chỉ đạo các trường học chủ động trong việc thực hiện công tác bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch giáo dục, phát triển các chương trình GD nhà trường, tổ chức dạy học tích hợp, trải nghiệm, áp dụng giáo dục STEM trong dạy học. Việc này sẽ giúp ích rất lớn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình PT tổng thể.
Để chuẩn bị về đội ngũ cho chương trình mới, Sở GD&ĐT đã xây dựng lực lượng cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán, nhất là ở cấp tiểu học để tham gia các chương trình, các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức. Từ đó, sẽ xây dựng đội ngũ báo cáo viên, các chuyên đề nhằm thực hiện việc bồi dưỡng, tập huấn về Chương trình giáo dục phổ thông mới cho toàn ngành.
Ngoài ra, sở đã chủ động phối hợp với các trường ĐH, các cơ sở bồi dưỡng giáo viên xây dựng những chuyên đề về chương trình GDPT tổng thể để triển khai cho các đơn vị cơ sở. Ngay trong hè 2019, đã xây dựng, đưa vào chương trình bồi dưỡng hè nhiều chuyên đề, nội dung để trang bị sẵn sàng cho cán bộ, giáo viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm bảo đảm việc triển khai chương trình GD phổ thông tổng thể đúng tiến độ và đạt chất lượng theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Ngoài chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên, sở cũng xác định việc tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý là một trong những nội dung quan trọng và cần thiết. Thành phố đang xây dựng cơ sở dữ liệu ngành GD, xúc tiến xây dựng trung tâm điều hành thông minh, sử dụng các công cụ trực tuyến để quản lý, báo cáo, thống kê trong ngành Giáo dục.