(GD&TĐ) - Cần phải có sự liên kết đa ngành ngay từ đầu trong việc triển khai thực hiện dự án đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam. Bộ LĐ-TB&XH sớm hoàn thiện Dự án tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam để trình Chính phủ vào tháng 6/2013.
|
Hộ gia đình nghèo có trẻ em từ 0-15 tuổi hoặc trên 15 tuổi nhưng vẫn còn đi học phổ thông thuộc đối tượng của Dự án |
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị định hướng đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 28/5. Hội nghị nhằm lấy ý kiến hoàn thiện Dự án tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam. Mục tiêu của dự án là xây dựng một hệ thống quản lý và triển khai các chương trình trợ giúp xã hội hiện đại, nhằm góp phần giảm nghèo hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban chấp hành T.Ư về “một số vấn đề chính sách xã hội”.
Cụ thể, đối tượng của dự án tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam là hộ gia đình nghèo có trẻ em từ 0-15 tuổi hoặc trên 15 tuổi nhưng vẫn còn đi học phổ thông. Địa bàn dự kiến thực hiện thí điểm là 4 tỉnh: Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng, Trà Vinh. Dự kiến, dự án được thực hiện trong ba năm từ 2013 - 2015 và có tổng kinh phí khoảng 100 triệu USD.
Hoạt động chính của Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” là thí điểm tích hợp chính sách. Cụ thể, hai chính sách về hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo theo Quyết định 268/QĐ-TTg và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 49/2010/NĐ-Chính phủ sẽ được gộp lại chi trả một lần cho đối tượng.
Dự án cũng tiến hành đổi mới công tác chi trả tiền trợ cấp. Theo đó, tách chức năng quản lý đối tượng khỏi chức năng chi trả mà sử dụng cơ quan chuyên nghiệp để chi trả tiền cho đối tượng, tránh trường hợp chi trả chậm trễ gây những ảnh hưởng tiêu cực.
Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng khác của dự án là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ nghèo và đối tượng trợ giúp xã hội. Bộ cơ sở dữ liệu này sẽ được dùng chung cho các chính sách xã hội. Các cấp từ huyện, tỉnh và Trung ương sẽ sử dụng một phần mềm quản lý thống nhất.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Việt Nam có khoảng 17 chính sách trợ giúp xã hội bằng tiền mặt nhưng lại rải rác ở nhiều bộ, ngành thực hiện quản lý và chi trả.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thì dự án tích hợp các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện thí điểm tại các tỉnh nếu có hiệu quả thì sẽ mở rộng ra thực hiện tại các địa phương khác. Đồng thời, nếu mở rộng thì có thể sẽ tích hợp nhiều chính sách hơn nữa chứ không dừng ở hai chính sách như thí điểm.
T.Bách