Đổi mới tuyển sinh đầu cấp: Bước đột phá của giáo dục Thủ đô

GD&TĐ - Tuyển sinh đầu cấp tại các thành phố lớn luôn là vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Năm nay, ngoài việc giữ vững phương thức tuyển sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có những bổ sung mới trong công tác tuyển sinh vào lớp 6. 

Đổi mới tuyển sinh đầu cấp: Bước đột phá của giáo dục Thủ đô

Đặc biệt việc công bố sớm phương án tuyển lớp sinh lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 sẽ là bước chuẩn bị dài hơi cho công tác tuyển sinh trong các năm tới của giáo dục Thủ đô.

Mở cơ chế riêng cho trường “đặc thù”

Ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Quản lý và Kiểm định Chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2018 - 2019 của thành phố Hà Nội tiếp tục giữ ổn định về phương thức tuyển sinh. Việc thực hiện phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định.

Có hai hình thức tuyển sinh được Sở GD&ĐT triển khai trong những năm gần đây và tiếp tục thực hiện trong năm 2018 này: Trực tuyến và trực tiếp. Theo đó, tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào trường mầm non từ ngày 4 - 6/7; vào lớp 1 diễn ra từ ngày 1 - 3/7; vào lớp 6 từ ngày 7 - 9/7. Đối với hình thức trực tuyến, sẽ diễn ra từ ngày 13 - 18/7.

Đối với 3 cấp học nói trên, có thể nói tuyển sinh vào lớp 6 là có nhiều điểm mới được bổ sung nhất. Ông Phạm Quốc Toản phân tích: Năm học 2018 - 2019, các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo Đề án “Thí điểm đào tạo Chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge được tiến hành tại 7 trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phương thức tuyển sinh sẽ thực hiện theo phương thức kiểm tra, đánh giá năng lực. HS phải thực hiện 2 bài kiểm tra, đánh giá năng lực. Trong đó, bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn Tiếng Anh sẽ gồm 2 phần: Phần viết thời gian làm bài là 45 phút; phần nghe thời gian làm bài là 30 phút. Đối với bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn Toán bằng tiếng Anh theo chuẩn IGCSE, có thời gian làm bài là 60 phút. Theo kế hoạch đã công bố, kiểm tra, đánh giá năng lực sẽ thực hiện vào ngày 20/6; còn công tác tuyển sinh sẽ triển khai từ ngày 28 - 30/6.

Các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số HS đăng ký vượt quá chỉ tiêu (trường chất lượng cao, trường ngoài công lập) sẽ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Các nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch tuyển sinh (trong đó nêu rõ phương thức tuyển sinh) và báo cáo với Phòng GD&ĐT để trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt.

HS phải thực hiện 2 bài kiểm tra (bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Toán; bài tổ hợp Khoa học xã hội, Tiếng Việt và Tiếng Anh). Nội dung kiểm tra thuộc chương trình GD tiểu học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5 hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận, trong đó đảm bảo yêu cầu bốn cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Thời gian làm bài 60 phút/bài kiểm tra. Thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực chia là 2 đợt; đợt 1 vào ngày 29/6, đợt 2 vào ngày 30/6. Công tác tuyển sinh triển khai từ từ ngày 10 - 12/7.

“Đầu vào” lớp 10 vẫn “nóng”

Cũng như đối với các cấp học khác, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm học 2018 – 2019 cơ bản vẫn giữ ổn định so với năm học trước: Kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Tuy nhiên, cũng có điểm mới: Bổ sung thêm trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tuyển sinh 2 lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (Chứng chỉ A-level). Như vậy theo kế hoạch năm học 2018 - 2019, thành phố có 2 trường THPT công lập tuyển sinh lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài là Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Có thể nói, tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm lớn của các bậc phụ huynh, có lẽ “độ nóng” chỉ thua Kỳ thi THPT quốc gia hàng năm. Năm 2019 - 2020, phương thức tuyển sinh chính vẫn là thi tuyển. Theo đó, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức thi 3 bài, gồm: Hai bài thi độc lập (Toán và Ngữ văn); một bài thi tổ hợp. Dự kiến vào cuối tháng 3, Sở GD&ĐT sẽ công bố cụ thể bài thi tổ hợp với sự lựa chọn Tổ hợp 1 (Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học).

Về hình thức thi, đại diện Phòng Quản lý và Kiểm định Chất lượng cho biết đối với các bài thi Toán, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Sẽ có nhiều mã đề thi trong một phòng thi, thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN).

Kết quả bài thi của thí sinh trên Phiếu TLTN được chấm bằng phần mềm máy tính. Đề thi gồm các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao.

Nói thêm về công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT của thành phố, ông Phạm Quốc Toản nhấn mạnh: Tuyển những thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường, lấy theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu. Chỉ xét tuyển đối với HS có đủ bài thi theo quy định, không vi phạm Quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi, không có bài thi bị điểm 0 (không).

Bày tỏ quan điềm về sự đổi mới trong tuyển sinh đầu cấp của ngành GD Thủ đô, TS Trần Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng (Hà Nội) cho rằng: Đây là cách thức thi rất khoa học, cho thấy sự đột phá của ngành GD. Ở các tổ hợp, có hai môn chủ lực là Toán và Văn còn hai môn kia vẫn nhẹ nhàng để các em không học tủ, học lệch. Cách đánh giá bằng cách thức trắc nghiệm khách quan của các môn thi còn lại trong tổ hợp hoàn toàn không gây nặng nề cho các em khi làm bài thi. Nếu Sở GD&ĐT Hà Nội công bố được đề thi minh họa sẽ giải tỏa được sức ép tâm lý cho học sinh, phụ huynh.

Giải đáp về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT, TS Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - nhấn mạnh: Thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT nhằm khắc phục những hạn chế trong quá trình dạy và học và cũng xuất phát từ mong muốn HS Hà Nội có sự cập nhật kiến thức trong kiểm tra đánh giá; điều đó cũng đòi hỏi các em phải học đều, nắm chắc tất cả các môn.

Lý do chọn đan xen các môn tự nhiên và xã hội ở hai tổ hợp là bởi việc thi tuyển vào lớp 10 THPT không có các trường theo phân ban, đồng thời HS học THCS vẫn đang học theo yêu cầu toàn diện. Do đó cần có sự đan xen giữa các môn trong tổ hợp để giúp các em có sự khách quan trong quá trình thi.

Chúng tôi đảm bảo kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay của Hà Nội sẽ không có sự đánh đố thí sinh. Hai môn Toán và Văn vẫn có vai trò chủ đạo như trước. Tuy nhiên, sẽ có định hướng thêm trong cách chống dạy thêm, học thêm là áp dụng ma trận đề và yêu cầu mức độ đề thi phù hợp hơn để đánh giá đúng năng lực HS. TS Chử Xuân Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ