(GD&TĐ) - Trong nhiều mục tiêu quan trọng để góp phần “Đổi mới căn bản và toàn diện GD”, việc lựa chọn mục tiêu hàng đầu để đột phá vẫn đang còn nhiều ý kiến. Đối với một số địa phương khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thì câu chuyện trên cần được nhìn nhận như thế nào? Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với thạc sĩ Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai về vấn đề này.
Toàn ngành GD&ĐT nước ta đang tích cực “Đổi mới căn bản và toàn diện GD” trong nhiều vấn đề nóng cần đổi mới – theo ông đâu là lĩnh vực cần quan tâm nhất?
Ông Phạm Ngọc Thạch |
- Chất lượng GD – ĐT luôn là mục tiêu hàng đầu, là yêu cầu xuyên suốt đối với quá trình phát triển và đổi mới GD. Điều đó càng đòi hỏi công cuộc đổi mới lần này phải tập trung cho những vấn đề trọng tâm sau:
Đổi mới tư duy GD, cần phải đặt lên hàng đầu đổi mới tư duy - nhận thức - triết lý GD, đổi mới quan điểm và mục tiêu GD, vì đây là những vấn đề có tính “mở đường”, “định hướng” cho quá trình đổi mới GD.
Đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học theo định hướng "coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học của HS” ở tất cả các cấp học.
Đổi mới QL GD cả về cán bộ QL và cơ chế QL. Cần tổ chức lại hệ thống cơ quan QL nhà nước về GD và ĐT; đổi mới căn bản về tư duy, về cơ chế và phương thức QL GD theo hướng phân cấp một cách hợp lý, nhằm giải phóng và phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, tính chủ động, tinh thần tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp và mỗi cơ sở GD, giải quyết một cách có hiệu quả những bất cập của toàn hệ thống trong quá trình phát triển.
Kết quả xếp loại học lực mấy năm học gần đây ở bậc học THCS và THPT của tỉnh có tăng lên không đáng kể, tuy nhiên tỉ lệ học lực yếu kém vẫn còn khá cao, trung bình toàn tỉnh là trên 20% (thậm chí như trường THPT công lập Phan Chu Trinh học lực yếu – kém hơn 40%). Nguyên nhân và các biện pháp tháo gỡ tình trạng hết sức đáng lo trên như thế nào – thưa ông?
- Kết quả học lực của HS THCS và THPT cả tỉnh có tiến bộ hằng năm, giảm dần số HS yếu kém (THCS: năm học 2010-2011 có 14,2 % HS yếu kém, năm học 2011-2012 còn 13,4 % HS yếu kém; THPT: năm học 2010-2011 có 24,2 % HS yếu kém, năm học 2011-2012 còn 22,4 % HS yếu kém). Riêng Trường THPT Phan Chu Trinh, huyện Ia Pa có 99,74 % HS người DTTS; năm học 2010-2011 có 60,9 % HS yếu kém, năm học 2011-2012 còn 44,7 % HS yếu kém. Kết quả trên đã phản ánh đúng thực chất dạy, học, kiểm tra đánh giá chất lượng HS ở một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn.
Một số nguyên nhân chủ yếu của việc HS yếu kém còn cao là do điều kiện kinh tế xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, các điều kiện đáp ứng cho việc dạy và học còn hạn chế; đội ngũ GV còn trẻ, chưa đủ kinh nghiệm thực tiễn; HS một buổi đi học còn một buổi phải đi làm rẫy.
Các giải pháp để nâng cao chất lượng là: tăng cường công tác chỉ đạo; từng bước đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; phát huy nhiệt huyết của GV và tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học. Tổ chức các trường vùng thuận lợi kết nghĩa với các trường vùng khó khăn và có các hình thức giúp đỡ phù hợp; tăng thời lượng cho việc phụ đạo HS yếu kém và ôn tập thi tốt nghiệp THPT (tuy nhiên, việc tăng thời lượng dạy học gặp phải khó khăn về kinh phí thực hiện). Tỉ lệ HS thi đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh tăng dần hằng năm, riêng tỉ lệ HS Trường THPT Phan Chu Trinh, năm học 2011-2012 có 82,03 % HS lớp 12 thi đỗ tốt nghiệp.
Giờ học ngoại khóa của HS Gia Lai |
Gia Lai là địa phương có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm tốt trong việc GD tiếng DT thiểu số, xin ông cho biết cụ thể hơn?
- Công tác dạy học tiếng DTTS ở cấp tiểu học như một môn học tự chọn tiếp tục được các đơn vị chú trọng. Năm học 2012-2013, toàn tỉnh đã có 106 trường tiểu học (tăng 01 trường) tổ chức dạy học tiếng DTTS với 444 lớp học. Tổng số đã có 10.988 HS (DT Jrai: 9.888 em và Bahnar: 1.188 em) theo học, tăng 129 HS so với năm học trước. Toàn tỉnh hiện có 286 GV là người DT thiểu số tham gia dạy tiếng nói, chữ viết DT Jrai và Bahnar (GV người Jrai: 254 và người Bahnar: 32).
Thực hiện nhiều giải pháp dạy học tăng cường tiếng Việt cho HS DT thiểu số, tiếp tục duy trì việc dạy học tiếng DT thiểu số cho HS vùng DT thiểu số, nhờ vậy HS tiếp thu tốt kiến thức, không chán học và số HS bỏ học giảm dần so với năm học trước.
Đề án chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho GV của tỉnh, hiện đang gặp không ít khó khăn. Vì sao vậy, thưa ông đâu là lối thoát?
- Đề án kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2008-2011:
Vốn bố trí cho Đề án trong 4 năm 2008-2011 là 251.098 triệu đồng (vốn TPCP: 193.899 triệu đồng, vốn đối ứng địa phương: 57.199 triệu đồng), cụ thể:
Năm 2008, bố trí 51.000 triệu đồng, trong đó TPCP: 51.000 triệu đồng, tỉnh đã xây dựng 955 phòng học và 774 nhà công vụ GV ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, tổng giá trị khối lượng hoàn thành 258.933 triệu đồng (trong đó TPCP: 202.217 triệu đồng).
Vốn đã được giải ngân lũy kế từ năm 2008 đến 31/01/2012 là 244.805 triệu đồng, đạt 97,5% kế hoạch. Trong đó: TPCP giải ngân là 190.447 triệu đồng, đạt 98,2%; Vốn đối ứng (NSĐP+XSKT) giải ngân là 54.358 triệu đồng, đạt 95%. Vốn TPCP không được tiếp tục thanh toán do quá thời hạn thanh toán là 3.452 triệu đồng, trong đó năm 2011 là 1.853 triệu đồng do thực hiện theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục Đề án cố hóa trường lớp học giai đoạn 2011-2012, để cho các tỉnh thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho các vùng khó khăn của tỉnh.
- Mấu chốt để nâng cao chất lượng GD vẫn là tài năng và tâm huyết của đội ngũ GV như thế nào? Xung quanh vấn đề này ngành GD tỉnh Gia Lai xử lý ra sao?
- GV đóng vai trò quyết định đối với thành bại của sự nghiệp GD&ĐT ở mọi thời đại. Vì vậy, cần nhanh chóng khắc phục các yếu kém trong bố trí, sắp xếp và sử dụng đội ngũ, để sớm xây dựng được lực lượng nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và bảo đảm các yêu cầu về phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu đổi mới GD.
Rõ ràng, để giải quyết tận gốc vấn đề GV không có gì khác là phải phải sớm bắt đầu cải cách công tác ĐT, bồi dưỡng nhà giáo và phải nhanh chóng thay đổi chính sách đãi ngộ, để nhà giáo sống được bằng lương và các khoản phụ cấp nghề nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Đinh Lê Yên (Thực hiện)