Tạo môi trường khoa học để học sinh được cọ xát

GD&TĐ - Đối với học sinh bậc trung học, nghiên cứu khoa học là hoạt động mới mẻ, đòi hỏi tư duy sáng tạo, thúc đẩy quá trình phát triển toàn diện của học sinh. 

HS phát triển toàn diện qua hoạt động NCKH
HS phát triển toàn diện qua hoạt động NCKH

Tuy nhiên đây cũng là nhiệm vụ học tập khiến học sinh thấy bỡ ngỡ và gặp khó khăn. Chính vì vậy, sự định hướng, động viên khuyến khích hoạt động này trong mỗi nhà trường, từ thầy cô là vô cùng cần thiết để kiến thức sớm được vận dụng vào thực tiễn.

Phát triển năng lực phẩm chất người học

Theo cô giáo Nguyễn Dạ Ngân – Trường THPT Đồng Dậu (Vĩnh Phúc): Các cuộc thi học sinh (HS) giỏi quốc gia các môn văn hóa là học sinh làm theo ý tưởng của người khác, nặng về lý thuyết, thiếu sự tương tác. Còn trong cuộc thi khoa học kĩ thuật, ý tưởng là của HS, vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cũng do HS chủ động. HS được tương tác, được thực hiện trọn vẹn cả quá trình sáng tạo. Thầy cô giáo, các nhà khoa học chỉ đóng vai trò hướng dẫn, cố vấn. Khi làm được như vậy, mối quan hệ giữa lý thuyết và thực hành sẽ được giải quyết một cách tích cực nhất…

Rõ ràng, nghiên cứu khoa học (NCKH) dành cho HS tại trường trung học là hoạt động góp phần tích cực vào đổi mới giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của HS. Hoạt động này chính là môi trường để HS nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, khơi dậy sự nhiệt tình, tính chủ động say mê nghiên cứu khoa học; giúp HS phát huy được tính sáng tạo, phát triển năng lực nghiên cứu, phong cách làm việc khoa học, sự tìm tòi, ý thức mong muốn cải tiến và đổi mới trong chính mỗi sản phẩm nghiên cứu của mình.

Mặt khác, đây cũng là cơ hội để HS thể hiện các kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng tổ chức, kĩ năng thuyết trình… Lúc này, HS thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động giáo dục. Các em được giáo dục toàn diện, biết ứng dụng lý thuyết vào thực hành, có khả năng chủ động trong cuộc sống, tăng kĩ năng hợp tác, đánh giá và thúc đẩy quá trình tự hoàn thiện của mỗi cá nhân.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Cách làm hay từ một ngôi trường

Xuất phát từ yêu cầu đổi mới giáo dục, 4 năm học gần đây, với sự tích cực tổ chức hoạt động NCKH thường niên cho HS toàn trường của BGH, giáo viên Trường THPT Đồng Dậu (Vĩnh Phúc) nên đã thu được những thành quả đáng tự hào. Đã có 9 đề tài NCKH của HS Trường THPT Đồng Dậu thành công và được ghi nhận bằng những giải thưởng cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Các đề tài được HS đề cập khá phong phú và thiết thực như: “Hệ thống tưới nước tự động trong nhà lưới, nhà kính trong trồng trọt” đoạt giải Ba quốc gia; “Hiện tượng không dám nói của HS THPT – Thực trạng và giải pháp” – đoạt giải Ba quốc gia; Đề tài “Căn bệnh lãng phí của HS THPT- Thực trạng và giải pháp” đoạt giải Khuyến khích quốc gia. Cùng đó là hàng loạt giải cấp tỉnh: Xây dựng hệ thống điện gió để đun nóng nước vào mùa đông; Xử lý chất thải hữu cơ bằng vi sinh vật; Xử lí nước thải bằng mùn cưa, đất sét và đá ong; Một số liệu pháp tâm lý hành vi hỗ trợ trẻ em mắc hội chứng TIC…

Để nhân rộng hoạt động NCKH và có được những thành tích đáng tự hào này, cô giáo Nguyễn Dạ Ngân – Trường THPT Đồng Dậu (Vĩnh Phúc) cho biết nhà trường đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp. Bắt đầu từ việc lập kế hoạch khả thi triển khai hoạt động NCKH; tiếp đó, nâng cao nhận thức và hiểu biết về NCKH tới giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Mặt khác, nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu ý tưởng và tổ chức các cuộc thi cấp trường; Tăng cường công tác phối hợp 3 trụ cột: Gia đình – Nhà trường – Chuyên gia; Đặc biệt làm tốt công tác thi đua khen thưởng; Giải quyết vấn đề kinh phí và cơ sở vật chất đầu tư cho hoạt động NCKH.

Trong đó giải pháp “Nâng cao nhận thức và hiểu biết” ghi nhận sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của BGH, GV nhà trường trong việc thúc đẩy HS NCKH.

Cụ thể, nhà trường đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa của công tác NCKH của HS THPT và các quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về cuộc thi KHKT đến cán bộ, giáo viên, HS, cha mẹ HS; giúp GV nhận thức đúng hơn về nhiệm vụ NCKH và hướng dẫn NCKH của HS trong mỗi năm học để không ngừng nâng cao số lượng và chất lượng các đề tài nghiên cứu. Nhà trường cũng chú trọng phát triển ý tưởng của HS, có ý tưởng dù “ngô nghê” nhưng vẫn được khuyến khích động viên và định hướng cho các em tiếp cận với khoa học kĩ thuật. Đó chính là tiền đề để các em biết vận động tri thức của mình giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

Mặt khác, các buổi xét duyệt và bảo vệ đề tài trong cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp trường đều có sự tham gia quan sát, trải nghiệm của HS. Trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ NCKH, HS được tự do trình bày ý tưởng, dự định mà mình sẽ làm. Sau đó ý tưởng sẽ nhận được sự đóng góp của thầy cô và các bạn HS trong toàn trường.

Nhà trường cũng đặc biệt quan tâm tổ chức cho HS tham gia trải nghiệm tham quan hoạt động cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh, giúp HS có thêm những hiểu biết về yêu cầu của cuộc thi. Trường cũng tổ chức họp phụ huynh, học sinh có tham gia đề tài theo kế hoạch. Trong quá trình triển khai NCKH cho HS có nhiều vấn đề vướng mắc (kinh phí, thời gian để HS tập trung thực nghiệm…) phụ trách nhà trường bàn bạc với tổ quản lý NCKH để tháo gỡ và tạo điều kiện cho HS an tâm hoàn thành.

Việc thành công hay thất bại khi thực hiện dự án NCKH đều mang lại giá trị nhất định cho chính HS. Do đó, làm rõ mục đích của NCKH tại nhà trường là hoạt động ươm mầm cho tương lai, hình thành và phát triển cho HS tố chất và năng lực của người làm công tác nghiên cứu sau này và những lợi ích mà chỉ trải qua thực hiện dự án khoa học thì các em mới có cơ hội được tiếp cận, được rèn luyện trong thực tiễn. Đây là môi trường để HS cọ xát, trưởng thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ