Hội thảo do Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương và Nhà xuất bản ESN (Ấn Độ) phối hợp tổ chức. Đây là diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận đánh giá thực trạng phát triển lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật.
Hội thảo nhận được hơn 100 bài viết của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước, đề xuất một số giải pháp về thay đổi mô hình đào tạo, hoàn thiện chương trình đào tạo, vận dụng kinh nghiệm quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa, nghệ thuật.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng đề cập đến việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong môi trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật.
Ông Lê Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VH,TT&DL cho rằng, nhiệm vụ đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có đào tạo văn hóa nghệ thuật đóng vai trò quan trọng.
Để phù hợp với xu thế và bối cảnh mới, đòi hỏi sự nghiệp đào tạo văn hóa nghệ thuật, trong đó chủ thể là các cơ sở đào tạo cần phải có những giải pháp mới sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể; với chủ trương chính sách quốc gia về phát triển văn hoá; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong thời đại 4.0, trong đó chú trọng kết hợp những giá trị truyền thống với giá trị thời đại trong giáo dục và đào tạo văn hoá, nghệ thuật.
PGS. TS Đào Đăng Phượng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương cho rằng, bối cảnh hội nhập quốc tế và phục hồi sau đại dịch Covid-19 vừa tạo ra thời cơ và thách thức cho công tác giáo dục, đào tạo văn hóa nghệ thuật; đòi hỏi phải có những giải pháp mới, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng đơn vị, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ và chú trọng kết hợp những giá trị truyền thống với giá trị thời đại.