Cái duyên đến với nghề
Sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là bộ đội phục viên nhưng ngay từ nhỏ, cô Hoàng Thị Tuyến đã yêu thích nghề dạy học. Năm 1998 tốt nghiệp ĐH Sư phạm khoa Giáo dục chính trị, cô xin về dạy hợp đồng tại Trường THPT Hoài Đức A (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Những bước chân đầu tiên đứng trên bục giảng tuy bỡ ngỡ nhưng đã thắp sáng dần ngọn lửa ước mơ hôm nào của cô giáo trẻ. Một năm sau cô thi đỗ công chức được phân công về Mỹ Đức C (Mỹ Đức, Hà Nội).
Năm 2001, để được gần gia đình, cô xin về lại Trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội). Mỗi ngôi trường mà cô công tác dù thời gian nhiều hay ít nhưng đến nay vẫn là những ký ức thiêng liêng nhất trong cuộc đời cô. Ở đó không chỉ có trang giáo án mà còn có bạn bè, đồng nghiệp và nhất là những gương mặt thân quen của nhiều thế hệ học trò.
Cô Tuyến tâm sự, trước đây, môn Giáo dục công dân (GDCD) trong nhà trường chỉ được học sinh, phụ huynh, thậm chí cả giáo viên coi là môn phụ. Đến tiết, học sinh rất uể oải và chỉ tìm cách học chống đối, thậm chí tự ý nghỉ tiết.
Bắt đầu từ năm học 2016 - 2017, môn GDCD được đưa vào bài thi tổ hợp trong Kỳ thi THPT quốc gia góp phần to lớn trong việc thay đổi và nâng tầm vị thế môn học trong hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời vị thế thầy cô giảng dạy bộ môn GDCD cũng được xã hội nhìn nhận một cách tích cực hơn.
Theo cô Hoàng Thị Tuyến, việc giáo dục đạo đức, nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục ý thức tuân thủ và thượng tôn pháp luật, các kiến thức về kinh tế, chính trị xã hội của đất nước, của địa phương cho học sinh cần có một thước đo để làm động lực cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn GDCD tiếp tục phấn đấu.
Tuy nhiên, để học sinh học tốt môn GDCD, giáo viên phải làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, làm cho học sinh hiểu rõ việc học tập với bản thân là một nhu cầu tự thân, học để hiểu biết, học để chung sống và học để phát triển chứ không đơn thuần là học để thi cử. Nhất là trong điều kiện môn GDCD lần đầu tiên tham gia thi tốt nghiệp THPT.
Sáng tạo trong từng bài giảng
Cô Tuyến cho biết, thực tế, bài giảng GDCD hiện nay đang đơn thuần đưa ra những khái niệm và rao giảng đạo đức bằng lý thuyết suông. Nếu giáo viên dạy rập khuôn theo SGK thì môn GDCD rất khô cứng, giáo điều. Chính vì thế, trong những bài giảng GDCD của mình, cô không đơn thuần đưa ra những khái niệm và rao giảng đạo đức bằng lý thuyết suông mà thay vào đó là những giờ thảo luận thực tế.
“Ví dụ trong một tiết học pháp luật tôi đặt câu hỏi liệu pháp luật có làm mất tự do con người. Phần lớn các em nhận ra không phải vậy. Nó đem lại tự do trong khuôn khổ cho mỗi người. Nhưng có em lại trêu cô, cho rằng mình thấy mất tự do quyền con người.
Tôi lại nhẹ nhàng trao đổi. Vậy khi em tham gia giao thông, thấy tự do khi nào? Đó là khi em gặp CSGT mình có đủ điều kiện, giấy tờ và không vi phạm luật. Cũng như em sẽ tự do làm kiểm tra khi thực sự hiểu bài” - cô Tuyến cho biết.
Để HS hứng thú với môn học này, mỗi giờ giảng cô luôn tìm tòi rất nhiều tư liệu, những câu chuyện có thật trong cuộc sống rồi mới đúc rút thành những khái niệm, vì thế những giờ học GDCD của cô bao giờ cũng cuốn hút các em. Chẳng hạn những bài học pháp luật lớp 12 không thể tách rời việc liên hệ thực tiễn cuộc sống như: Sử dụng các câu chuyện pháp luật, tình huống pháp luật phù hợp với nội dung bài học.
Việc sử dụng các câu chuyện pháp luật sẽ giúp các em có được cái nhìn thiết thực hơn về cuộc sống của bản thân, tạo ra cho không khí giờ học sôi nổi, học sinh rèn luyện cho mình được tinh thần hỗ trợ, tương trợ, hợp tác lẫn nhau để giải quyết nội dung của bài học. Đồng thời, giúp giáo viên giảm bớt được thuyết trình, giảng giải; đồng thời trau dồi trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm...
Trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay, việc khai thác các tình huống pháp luật, các video hay các phiên tòa xử án trên mạng Internet đã trở thành một công cụ để đội ngũ giáo viên dạy GDCD có thể vận dụng vào dạy học. Tuy nhiên, để cuốn hút học sinh học tập môn GDCD, theo cô Tuyến điều quan trọng liên quan đến là cả nội dung và phương pháp dạy học.
“Nội dung môn học trong SGK phải thiết thực, gần gũi với học sinh. Phương pháp dạy học phải hấp dẫn, cuốn hút. Giáo viên cần phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học, hướng học sinh đến năng lực chủ động tích cực trong việc tiếp nhận kiến thức. Giáo viên cần đưa ra phương pháp dạy học phù hợp với từng nội dung bài học, từng đối tượng học sinh, phát huy việc rèn luyện học sinh chủ động, tích cực nắm bắt kiến thức” - cô Tuyến chia sẻ.