Đổi mới ra đề và đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn THCS

GD&TĐ - Để phát huy tính tích cực, chủ động, độc lập suy nghĩ của học sinh thì việc làm cấp bách hiện nay là phải đổi mới khâu ra đề, kiểm tra đánh giá năng lực học của học sinh.

Đổi mới ra đề và đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn THCS

Thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, ngày 6/3/2014 Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch số 103/KH-BGDĐT về việc tổ chức hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn trong trường phổ thông”.

Hội thảo nhằm nghiên cứu cơ sở lý luận và xây dựng kế hoạch triển khai việc đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực người học với cách thức xây dựng đề thi/kiểm tra và đáp án theo hướng mở; tích hợp kiến thức liên môn; giải quyết vấn đề thực tiễn.

Để chuẩn bị cho Hội thảo (dự kiến được tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 4/2014), báo Giáo dục và Thời đại giới thiệu một số bài thảo luận về vấn đề nêu trên.

Xin mời các ý kiến trao đổi, góp ý cho bài viết này gửi về các địa chỉ sau: nthoan@moet.edu.vn;

ttkdung@moet.edu.vn;

pthien@moet.edu.vn  

Trân trọng cảm ơn! 

Năng lực Ngữ văn của học sinh THCS

Gồm: năng lực chung - năng lực giao tiếp (chia làm các kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết, quan sát, trình bày…) và các năng lực chuyên biệt như: cảm thụ văn học, sáng tác văn học.

Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn cần hướng tới các năng lực đặc thù do môn học đảm nhận đó là:

- Năng lực tiếp nhận văn bản: gồm các kĩ năng nghe đọc.

- Năng lực tạo lập văn bản: gồm các kĩ năng nói viết.       

Đổi mới đánh giá năng lực môn Ngữ văn:

Hiện trạng:

Lâu nay việc Kiểm tra đánh giá đối với học sinh THCS còn nhiều bất cập. Hầu hết các trường THCS vẫn chủ yếu dựa vào kết quả của các bài kiểm tra 1 tiết, học kì, thi tuyển sinh vào 10… vẫn phụ thuộc nhiều vào cách đánh giá chủ quan và cảm tính của giáo viên…

Nội dung kiểm tra vẫn thiên về học thuộc lòng văn bản, ghi nhớ máy móc một nội dung nào đó của văn bản, kiểm tra trí nhớ là chính. Việc kiểm tra đánh giá đó theo hướng cung cấp nội dung nên kết quả là học sinh tập trung học thuộc lòng hoặc sưu tầm chép những bài văn mẫu.

Để khắc phục tình trạng trên, tránh sự khuôn mẫu và để phát huy tính tích cực, chủ động, độc lập suy nghĩ của học sinh thì việc làm cấp bách hiện nay là phải đổi mới khâu ra đề, kiểm tra đánh giá năng lực học của học sinh.

Đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực cần xác định được khả năng vận dụng tổng hợp những gì đã học của học sinh vào việc giải quyết những tình huống mới.

Phương thức đánh giá không chú trọng yêu cầu học thuộc, nhớ máy móc, nói đúng và đầy đủ những điều thầy, cô đã dạy… mà coi trọng ý kiến và cách giải quyết vấn đề của mỗi cá nhân người học; động viên những suy nghĩ sáng tạo, mới mẻ, giàu ý nghĩa; tôn trọng sự phản biện trái chiều, khuyến khích những lập luận giàu sức thuyết phục…

Muốn thế đề thi và đáp án cần theo hướng mở; với những yêu cầu và mức độ phù hợp với năng lực của học sinh, phù hợp với nội dung, chương trình giáo dục Trung học.

Đề xuất đề kiểm tra để đánh giá năng lực Ngữ văn của HS bậc THCS

Hình thức đánh giá và các loại bài kiểm tra/thi:

- Hình thức đánh giá: kiểm tra miệng, kiểm tra viết.

- Các loại đánh giá:

+ Đánh giá thường xuyên: kiểm tra miệng; kiểm tra dưới 1 tiết.

+ Đánh giá định kì: kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên; kiểm tra học kì.

 Đề xuất đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn bậc THCS theo hướng đánh giá năng lực cho năm 2014

b.1. Đánh giá thường xuyên:

- Kiểm tra miệng (về các bài đọc hiểu VB là chính): Hiện nay không có quy định cụ thể về cách kiểm tra miệng, song không nên kiểm tra học thuộc lòng VB, ghi nhớ máy móc một nội dung nào đó của VB mà nên yêu cầu HS hiểu và lí giải một khía cạnh nào đó của VB dưới hình thức nói/trình bày miệng.

- Kiểm tra dưới 1 tiết (thường là kiểm tra 15 phút): Cũng như kiểm tra miệng, hiện nay không có quy định cụ thể về cách kiểm tra dưới 1 tiết, song không nên kiểm tra học thuộc lòng VB, ghi nhớ máy móc một nội dung nào đó của VB mà nên yêu cầu HS hiểu và lí giải một khía cạnh nào đó của VB dưới hình thức viết; yêu cầu HS tạo lập các VB ngắn hoặc đoạn văn; lập dàn ý cho một đề văn...  

- Kiểm tra từ 1 tiết trở lên (45 phút – 90 phút): dưới dạng Trắc nghiệm kết hợp với Tự luận hoặc Tự luận, ở các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng; yêu cầu HS tạo lập VB (tự sự, thuyết minh, nghị luận…) về một vấn đề văn học hoặc đời sống; phạm vi kiến thức và kĩ năng kiểm tra hẹp (sau một cụm bài, một chương); nên chia thành các câu nhỏ với độ khó và biểu điểm khác nhau; khuyến khích ra đề mở.

b.2. Thi tuyển sinh vào 10:

Do hạn chế của CT, SGK và cách thi tuyển sinh vào lớp 10 hiện hành, nếu chuyển hẳn sang đánh giá năng lực Ngữ văn sẽ gây nên những phản ứng tiêu cực. Vì thế, đối với năm 2014, cần cải tiến đề thi của những năm trước theo hướng không yêu cầu HS ghi nhớ máy móc, học thuộc lòng, chuyển sang yêu cầu HS hiểu và vận dụng những kiến thức và kĩ năng đã học để làm bài.

- Năng lực đọc hiểu:

+ Kiểm tra kiến thức về tiếng Việt: phát hiện những sai sót về chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic... chẳng hạn cho một đoạn văn có nhiều sai sót và yêu cầu HS phát hiện những sai sót trong đoạn văn đó.

+ Yêu cầu tóm tắt ý chính của một đoạn văn bản cho trước. Các văn bản/ngữ liệu dùng để đọc hiểu có thể là những văn bản quen thuộc, đã được học cũng có thể là những văn bản mới (có tính chất tương đương về kiểu loại, phù hợp, thiết thực với người đọc…)

+  Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một đoạn thơ/ văn cho sẵn

- Năng lực viết

+ Viết nghị luận xã hội:  yêu cầu tích hợp các kiến thức lịch sử, địa lý, đạo đức, văn hóa… ra theo dạng đề mở và đáp án mở.      

+ Viết nghị luận văn học: yêu cầu phân hóa cao hướng tới thi tuyển sinh vào lớp 10. Đề yêu cầu vận dụng sáng tạo những hiểu biết về kiến thức và kĩ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, bác bỏ một vấn đề văn học, một văn bản, trích đoạn chưa được học trong SGK hiện hành.

 Lưu ý: Do đặc thù môn học, nên đối với môn Ngữ văn một trong những nội dung rất quan trọng mà việc đánh giá cần hướng tới là năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh trong tư duy và giao tiếp. Năng lực này chỉ có thể được bộc lộ qua việc trình bày bằng ngôn ngữ (nói và viết). Vì thế, việc yêu cầu học sinh thực hiện những câu hỏi tự luận vẫn là một cách ra đề hiệu quả và phổ biến hiện nay.

+ Theo xu thế đánh giá mới hiện nay trong môn học Ngữ văn, với câu hỏi tự luận không nên yêu cầu học sinh viết dài mà viết có giới hạn về dung lượng.

+ Cần chú ý tới kiểu câu hỏi vừa khai thác được những kiến thức ở các phân môn khác nhau vừa kiểm tra được năng lực cảm thụ văn bản và các kĩ năng khi làm văn để thực hiện tốt yêu cầu tích hợp của chương trình.

+ Cần đa dạng hoá cách ra đề tự luận như: trả lời ngắn, viết đoạn văn, xây dựng một cuộc thoại, chữa lỗi câu, phân tích tác dụng của biện pháp tu từ bên cạnh yêu cầu viết một bài văn hoàn chỉnh.

b.3. Xây dựng hướng dẫn chấm: Đây là một khâu vô cùng quan trọng trong quy trình xây dựng đề kiểm tra, đề tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn.

Khác với môn Toán, việc xây dựng hướng dẫn chấm của môn Ngữ văn phức tạp, khó khăn hơn rất nhiều. Nó vừa đòi hỏi sự chi tiết, cụ thể để chính xác hóa mức độ đạt được trong phần trả lời của học sinh vừa đòi hỏi độ mở cần thiết để đánh giá được những sáng tạo bất ngờ của học sinh trong việc thực hiện các yêu cầu của đề chứ không nên bó buộc cứng nhắc vào một cách làm bài nhất định (vì đặc trưng của môn Văn còn mang tính nghệ thuật). 

Có như vậy mới khuyến khích được những suy nghĩ , những tìm tòi riêng, hạn chế được kiểu làm bài học vẹt hay sao chép theo khuôn mẫu sáo mòn.

+ Năng lực đọc- hiểu: Vận dụng cách đánh giá của PISA để thiết kế câu hỏi đánh giá năng lực Đọc hiểu của học sinh trong dạy học. Có 2 dạng câu hỏi: Trắc nghiệm khách quan (TNKQ) và Trắc nghiệm tự luận (TNTL). TNKQ sử dụng loại câu hỏi có nhiều lựa chọn và chỉ một phương án đúng. TNTL sử dụng loại câu hỏi mở, phải viết câu hỏi ngắn theo suy luận của học sinh.

+ Năng lực viết: Trong chương trình đánh giá quốc gia ở Việt Nam những năm gần đây, việc xây dựng hướng dẫn chấm đã có những đổi mới đáng kể. 

Hướng dẫn chấm bài luận thường được chia thành các phương diện cụ thể để đánh giá như: Hình thức trình bày, cách lập luận, tính sáng tạo, phần nội dung được chia ra các ý nhỏ, mỗi ý lại được mã hóa theo các mức độ khác nhau (tối đa và chưa tối đa). 

Nên xây dựng Rubric để chấm bài kiểm tra, thi tuyển sinh vào 10 đối với việc kiểm tra năng lực viết của học sinh.

~ Rubric là một tập hợp các quy tắc nhằm giúp đưa ra những đánh giá về học sinh thông qua những minh chứng có được từ kết quả học tập của học sinh thể hiện ở các bài kiểm tra, thi hoặc ở phần đánh giá chung.

~ Mỗi một bài thi phải có rubric để có thể có cơ sở đưa ra những quyết định hợp lý và tin cậy về kết quả học tập của học sinh. Rubric còn được sử dụng khi cần giải thích rõ cho học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và những người khác về chuẩn quy định cho các mức điểm khác nhau.

~ Giáo viên có thể sử dụng Rubric như là một công cụ để thiết lập mối liên hệ giữa việc đánh giá, phản hồi và quá trình dạy học.

Rubric cũng mang lại những thông tin đầy đủ nhất để chuyển đến học sinh, phụ huynh học sinh và giáo viên về kết quả học tập của học sinh và giúp giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học của mình theo hướng hiệu quả hơn.

~ Với Rubric, giáo viên có thể đánh giá được những kiến thức mà học sinh nắm được đối với bộ môn và những năng lực/phẩm chất cụ thể.

~ Rubric có nhiều cách thể hiện, song cách rõ ràng, dễ vận dụng và hiệu quả là trình bày dưới dạng bảng (ma trận 2 chiều). Bảng mẫu thiết kế Rubric sẽ tương tự như bảng dưới đây.

Câu hỏi

Mức độ kết quả bài thi

Mức đầy đủ

Mức chưa đầy đủ

Không đạt

Câu hỏi 1

Tiêu chí ………

Điểm…

Tiêu chí ………

Điểm…

Tiêu chí ………

Điểm…

Câu hỏi 2

Tiêu chí ………

Điểm…

Tiêu chí ………

Điểm…

Tiêu chí ………

Điểm…

…………

……

……

……

……

……

……

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tết sum họp cũng là lúc mọi người đoàn viên, quây quần bên nhau, cùng nhau trao lời chúc yêu thương trọn vẹn nhất. Ảnh minh họa: INT.

Dạy con chúc Tết

GD&TĐ - Tết là dịp gia đình sum họp, trao cho nhau những lời chúc để bày tỏ lòng hiếu thảo, tình yêu thương.