Đổi mới phương pháp dạy học thế nào trong năm học 2022-2023?

GD&TĐ - Đổi mới phương pháp dạy học được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định thành công khi triển khai Chương trình GDPT 2018.

Thầy trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) trong giờ học.
Thầy trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) trong giờ học.

Xây dựng kế hoạch bài dạy dần đi vào thực chất

Năm học 2022-2023, các sở GD&ĐT đã chủ động ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở sở giáo dục triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường đảm bảo thống nhất giữa kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT 2018 và kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT 2006.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học vừa qua, việc xây dựng kế hoạch bài dạy đang dần đi vào thực chất, cơ bản khắc phục được những tồn tại(kế hoạch bài dạy dài, không rõ mục tiêu, nội dung, sản phẩm của các hoạt động học).

Kế hoạch bài dạy cơ bản bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình tổ chức dạy học.

Các hoạt động học đã được thiết kế nhằm vận dụng các phương pháp dạy học tích cực: dạy học thông qua tổ chức hoạt động của học sinh. Trong quá trình dạy học, giáo viên là người tổ chức, định hướng, kiểm tra; học sinh là chủ thể thực hiện nhiệm vụ học tập thông qua khai thác nội dung sách giáo khoa, sử dụng thiết bị dạy học, học liệu để chiếm lĩnh kiến thức, rèn luyện kĩ năng, qua đó phát triển năng lực, phẩm chất theo yêu cầu của chương trình.

Các sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học để bồi dưỡng giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh đáp ứng triển khai Chương trình GDPT 2018.

Tiết dạy học Ngữ văn của cô trò Hệ thống giáo dục Marie Curie. Ảnh: Website nhà trường.
Tiết dạy học Ngữ văn của cô trò Hệ thống giáo dục Marie Curie. Ảnh: Website nhà trường.

Nhiều hình thức khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học

Việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh đã và đang được các cơ sở giáo dục, giáo viên tích cực triển khai, thực hiện.

Các sở GD&ĐT đã chủ động tổ chức nhiều hình thức nhằm khuyến khích giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học, như: Cuộc thi thiết kế thiết bị dạy học số; tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng dạy và học; tổ chức tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên về hoạt động giáo dục STEM, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; triển khai các tiết dạy sáng tạo, sinh hoạt chuyên môn liên trường…

Các cơ sở giáo dục đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục tổ chuyên môn, các kế hoạch hoạt động giáo dục,… một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đảm bảo theo quy định nhằm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông. Đặc biệt đối với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp các nhà trường đã tổ chức trao đổi chuyên môn, giảng dạy thử để mọi người cùng tham gia ý kiến, lựa chọn nội dung và phương pháp để thực hiện các chủ đề dạy học, xây dựng kế hoạch bài dạy đảm bảo mục tiêu của chương trình.

Công tác đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn theo Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ GD&ĐT dần đi vào ổn định. Việc tổ chức các hoạt động hướng dẫn học sinh khám phá nội dung bài học được thay bằng hình thức giảng văn và đọc chép. 100% các sở GD&ĐT đã triển khai đến từng cơ sở giáo dục việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để đánh giá năng lực đọc hiểu và tạo lập văn bản, hạn chế hiện tượng văn mẫu.

Đối với môn Lịch sử, kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, tổ chức có hiệu quả các hoạt động học tập của học sinh, tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực; đồng thời gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh trong dạy học Lịch sử.

Chú trọng việc xây dựng và thực hiện các chủ đề/bài học STEM đối với một số môn học phù hợp nhằm phát huy tối đa tính tích cực, chủ động của học sinh trong quá trình tổ chức dạy học và nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, một số địa phương triển khai nổi bật như An Giang, Phú Thọ…

Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động trong giờ học đôi khi vẫn còn có biểu hiện hình thức, thiếu hiệu quả, chưa đúng bản chất nên còn dài dòng, gây mất thời gian, công sức của giáo viên. Nguyên nhân là do việc đổi mới phương pháp dạy học đã được triển khai qua rất nhiều năm nhưng vẫn còn tồn tại về nhận thức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế; dẫn tới việc triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT còn chưa đúng với tinh thần đổi mới, gây khó khăn, kém hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ