Đổi mới phương pháp dạy học: Cần bắt nguồn từ người thầy

Đổi mới phương pháp dạy học: Cần bắt nguồn từ người thầy

(GD&TĐ) - Làm thế nào để đổi mới phương pháp dạy học thực sự góp phần vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông là một câu hỏi không dễ tìm lời giải đáp. Trao đổi với Giáo dục & Thời đại, thầy Nguyễn Thiết Sơn – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, muốn làm được điều này, trước tiên, người thầy cần thay đổi nhận thức của chính bản thân mình.

Theo thầy Nguyễn Thiết Sơn, để đổi mới phương pháp dạy học thành công, người thầy từ chỗ là người truyền đạt kiến thức một chiều theo lối áp đặt, còn trò là người tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, phải thay đổi thành giáo viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho học sinh cách thu nhận kiến thức một cách chủ động, tích cực, hỗ trợ học sinh giải đáp những thắc mắc khi cần thiết. 

Đổi mới phương pháp dạy học: Cần bắt nguồn từ người thầy ảnh 1
Thầy Nguyễn Thiết Sơn – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) nhận hoa chúc mừng từ Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh 

Thưa ông, nhiều người quan niệm đổi mới phương pháp dạy học nghĩa là từ bỏ hoàn toàn phương pháp cũ. Theo ông, quan niệm này có đúng không?

- Tất cả các phương pháp dạy học chỉ là những kỹ năng, công cụ, cách thức truyền đạt kiến thức để giáo viên lựa chọn cho phù hợp với đặc thù của bộ môn và thực tế bài giảng. Thực ra, phương pháp dạy học cũ không phải không có những ưu điểm, chẳng hạn như phát huy trí nhớ của học sinh. Chính vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn phương pháp cũ, mà cần kế thừa những điểm ưu việt của phương pháp cũ. Điều quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học là giáo viên phải định hướng được rằng: người thầy không còn là người truyền đạt kiến thức một chiều nữa mà trở thành người hướng dẫn học sinh thu nhận kiến thức. Nếu định hướng được điều này thì tự khắc, phương pháp dạy học của thầy sẽ thay đổi.

Vậy, khi người thầy trở thành người hướng dẫn thì cần phải có những phẩm chất gì, thưa ông?

- Nếu người thầy trở thành “người hướng dẫn” thì kiến thức của người thầy phải rất chắc chắn, sâu sắc, bởi khi đó, học sinh có thể đưa ra những giải pháp khác nhau để giải quyết một vấn đề, chứ không chỉ có một đáp án đúng do thầy đưa ra như trước đây. Theo lối dạy học cũ, giáo viên chỉ giống như một cái máy, hay nói một cách ví von hình ảnh là như con tằm rút ruột nhả tơ khi truyền đạt kiến thức cho học sinh. Thầy biết bao nhiêu thì truyền đạt kiến thức cho trò bấy nhiêu. 

Nhưng nếu dạy và học theo phương pháp mới, người thầy phải đóng vai trò “trọng tài” phân định xem giải pháp nào học sinh đưa ra là đúng; phân tích vì sao giải pháp đó lại đúng/sai... và quan trọng là giúp học sinh nắm được phương pháp giải quyết vấn đề. Vai trò của thầy là giúp trò tìm ra phương pháp thu nhận kiến thức tối ưu nhất, chứ không phải chỉ truyền đạt một cách dàn trải như trước đây. Nói người thầy phải biết 10 dạy 1 là vậy.  

Như vậy, khi trở thành “người hướng dẫn”, bản thân giáo viên cũng phải học hỏi, cập nhật những kiến thức mới liên tục, thay đổi lối mòn tư duy. Điểm mấu chốt nhất để đổi mới phương pháp dạy học chính là người thầy phải tự mình thay đổi quan niệm, suy nghĩ của chính mình về phương pháp dạy học, về bản chất của việc dạy và việc học.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh là một trong những yếu tố khiến giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học (Ảnh: Hoàng Đan)
Hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh là một trong những yếu tố khiến giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học (Ảnh: Hoàng Đan)

Có một xu hướng khá phổ biến hiện nay là đổi mới phương pháp dạy học đi kèm với việc ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đánh giá của ông, công nghệ thông tin có vai trò như thế nào trong việc đổi mới phương pháp dạy học?

- Trong việc đổi mới phương pháp dạy học, cần xác định rằng công nghệ thông tin chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không có nghĩa là nó có thể thay thế tất cả các yếu tố khác. Nếu quan niệm việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học nghĩa là thay vì viết bảng trước đây thì nay chuyển sang trình chiếu sẽ là một quan niệm rất sai lầm, dễ dẫn tới khuynh hướng chuyển từ đọc – chép sang nhìn – chép. 

Cần phải hiểu rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học có mục đích cao nhất là giúp cho bài giảng sinh động, hấp dẫn hơn, giúp cho học sinh tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. Vai trò của người giáo viên là phải tận dụng tất cả những trang thiết bị để cung cấp kiến thức nhiều nhất, đầy đủ nhất, dễ hiểu nhất cho học sinh. Giáo viên có thể tìm kiếm những thông tin, hình ảnh, những đoạn phim ngắn... trên mạng Internet để minh họa cho bài giảng của mình. Hoặc nếu trường nào thiếu phòng thí nghiệm, thực hành bộ môn thì giáo viên có thể đưa những thí nghiệm ảo vào giờ dạy để giúp học sinh hiểu bài dễ dàng hơn... Đó mới là những ứng dụng công nghệ thông tin hữu ích. 

Hiện nay, nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông đang là vấn đề rất được quan tâm. Theo ông, nghiên cứu khoa học có tác dụng như thế nào đối với việc đổi mới phương pháp dạy học?

- Hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh khiến các giáo viên, trước hết là những giáo viên trực tiếp hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, phải đào sâu nghiên cứu, mở rộng kiến thức của mình, để không trở nên tụt hậu so với học sinh. Đây cũng là một “cú hích” quan trọng để giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học của mình, không còn là người áp đặt kiến thức mà trở thành người khơi gợi kiến thức, hướng dẫn, định hướng học sinh phương pháp tìm tòi tri thức mới, hỗ trợ học sinh giải đáp thắc mắc và quan trọng là giúp học sinh phát huy tối đa khả năng chủ động, sáng tạo của mình trong việc thu nhận kiến thức. 

Ngược lại, khi học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học sẽ học được phương pháp làm việc khoa học, phương pháp tự học, tự tìm kiếm tri thức thông qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau... Khi đó, các em sẽ bước vào học tập với một tinh thần mới, một ý thức học tập mới. Và khi có phương pháp làm việc khoa học, các em cũng sẽ học tập dễ dàng, chủ động hơn...

Đổi mới phương pháp dạy học liệu có phải là một sức ép tâm lý đối với giáo viên? Để việc đổi mới có hiệu quả, giáo viên cần được hỗ trợ những gì, thưa ông?

Đổi mới phương pháp dạy học quan trọng nhất là phải bắt nguồn từ phía giáo viên, từ sự thay đổi nhận thức của giáo viên. Thế nên, nếu giáo viên nào ngại thay đổi, ngại làm mới mình thì yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học sẽ là sức ép tâm lý đối với giáo viên đó.

- Như đã nói ở trên, đổi mới phương pháp dạy học quan trọng nhất là phải bắt nguồn từ phía giáo viên, từ sự thay đổi nhận thức của giáo viên. Thế nên, nếu giáo viên nào ngại thay đổi, ngại làm mới mình thì yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học sẽ là sức ép tâm lý đối với giáo viên đó. Mặt khác, đối với những trường chất lượng cao, bản thân giáo viên cũng sẽ tự thấy sức ép phải đổi mới để không tụt hậu so với đồng nghiệp, với chính học trò. 

Để việc đổi mới phương pháp dạy học đạt hiệu quả cao, vai trò tự thân của mỗi giáo viên là rất quan trọng. Bên cạnh đó, đổi mới phương pháp phải bắt đầu ngay từ các trường sư phạm. Các trường sư phạm phải đi trước một bước trong vấn đề này. Trong quá trình học tập, các sinh viên sư phạm phải liên tục được cập nhật những đổi mới của chương trình, sách giáo khoa, của phương pháp dạy học tại các trường phổ thông để khi ra trường có thể bắt nhịp với thực tế ngay.

Mặt khác, các trường phổ thông cũng cần tạo điều kiện cho các giáo viên được thể hiện hết khả năng, sự chủ động, sáng tạo của mình; có những biện pháp khích lệ để giáo viên ham thích công việc, mạnh dạn thể nghiệm những phương pháp mới đem lại hiệu quả cao. Những hoạt động trao đổi chuyên môn, phương pháp, kinh nghiệm dạy học giữa các giáo viên cũng rất quan trọng, giúp giáo viên học hỏi lẫn nhau. 

Xin cảm ơn ông!

Ninh Kiều (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.