Do đó, yêu cầu nâng cao năng lực ra đề cho đội ngũ giáo viên vẫn rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục.
Tránh chủ quan trong biên soạn
Mới đây, đề kiểm tra học kỳ II năm học 2021 - 2022 môn Hóa học lớp 9 tại Trường THCS Long Bình Tân (Biên Hòa, Đồng Nai) đã bị phòng GD&ĐT “tuýt còi”, yêu cầu rà soát, rút kinh nghiệm vì có nội dung như quảng cáo về rượu Làng Vân. Những câu chuyện đề kiểm tra có vấn đề hoặc sai sót tại các nhà trường đôi khi vẫn xảy ra.
Là giáo viên dạy Hóa học, cô Nguyễn Thị Thanh Huệ, Trường THPT Minh Châu (Yên Mỹ, Hưng Yên) được tham gia tập huấn do Sở GD&ĐT tổ chức về cách tính trọng số, ra ma trận đề kiểm tra… Tuy nhiên, khi xây dựng đề, giáo viên vẫn gặp khó khăn, bởi để biên soạn được một đề kiểm tra cần nhiều thời gian, công sức. Giáo viên phải dùng từ, lời dẫn sao ngắn gọn, học sinh dễ hiểu, nhưng bảo đảm tính khoa học. Cô Huệ cho rằng: Đề kiểm tra cần theo quy trình, bảo đảm yêu cầu về nội dung (học sinh đã được học, phù hợp với mục tiêu của bài, chương) và các mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao). Khi đưa thông tin liên quan đến thực tế vào đề kiểm tra cần chính xác, câu từ dễ hiểu, mang tính khoa học, phù hợp với bộ môn giảng dạy.
“Đôi khi đề ra mang tính chủ quan. Do vậy, để tránh sai sót có thể nhờ các thầy cô trong tổ đọc lại đề và làm để mang tính khách quan. Sau đó, giáo viên một lần nữa kiểm tra nội dung đề trước khi cho học trò làm bài. Tôi mong rằng sẽ có hướng dẫn chi tiết và tiếp tục được tập huấn kỹ hơn về xây dựng đề kiểm tra” - cô Nguyễn Thị Thanh Huệ bày tỏ.
Là giáo viên giỏi, cô Trần Thị Hội (Trường Olympia, Hà Nội) cũng thừa nhận ra được đề kiểm tra không hề dễ. Thầy cô phải đáp ứng yêu cầu về các mức độ nhận thức, nội dung kiến thức, đồng thời phù hợp với đối tượng học sinh. “Thông thường với môn Lịch sử, khoảng 50% câu hỏi ở mức độ nhận biết, 30% câu hỏi mức thông hiểu và 20% ở mức vận dụng. Giáo viên phải chọn lọc được nội dung trọng tâm trong khối kiến thức lớn (trong học kỳ, hoặc cả năm học) để đưa vào đề kiểm tra.
Rồi cùng một nội dung kiến thức, nhưng cách ra câu hỏi có thể khác nhau để phù hợp với nhóm học sinh… Khó khăn của giáo viên chính là phải hài hòa được tất cả yêu cầu đó để ra đề bảo đảm chất lượng. Nếu ra đề mà kết quả học sinh thực hiện có quá nhiều điểm dưới trung bình, hay quá nhiều điểm giỏi cũng chưa đạt”. Chia sẻ điều này, cô Hội cũng mong muốn được tập huấn theo đơn vị trường về ra đề kiểm tra để giáo viên đều được thụ hưởng như nhau.
Từ kinh nghiệm thực tế, thầy Trang Minh Thiên, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (TP Cần Thơ) cho rằng: Giáo viên ra đề kiểm tra phải là người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn vững. Khi ra đề, thầy cô cần bám sát những chỉ báo kiến thức trong bảng đặc tả ma trận đề kiểm tra của chương trình môn học, kỹ thuật biên soạn câu hỏi (trắc nghiệm khách quan, tự luận). Bên cạnh đó, cần phải có giáo viên phản biện đề để tránh chủ quan trong quá trình biên soạn câu hỏi và nội dung kiến thức của giáo viên thực hiện nhiệm vụ ra đề.
Tăng cường năng lực ra đề
Theo ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, quy định mới về kiểm tra, đánh giá có đánh giá thường xuyên, định kỳ, đánh giá định tính, định lượng (theo quan điểm đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh), đánh giá bằng sản phẩm học tập… Đó là những vấn đề mới, đồng thời cũng là những khó khăn của giáo viên khi xây dựng đề kiểm tra đáp ứng được yêu cầu. Trước khó khăn này, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã chỉ đạo các trường đẩy mạnh đổi mới đồng bộ dạy học, giáo dục và kiểm tra, đánh giá; nâng cao năng lực xây dựng, biên soạn đề kiểm tra qua bồi dưỡng, tập huấn… Xây dựng ngân hàng đề kiểm tra; quán triệt các Thông tư mới về kiểm tra, đánh giá… Căn cứ vào kế hoạch dạy học, các nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với điều kiện thực tế.
Liên quan đến công tác ra đề thi, Trường THPT Nam Đàn 1 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi để hỗ trợ học sinh ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Cô Hiệu trưởng Trịnh Thị Diệu Thúy chia sẻ: Các tổ nhóm của trường nghiên cứu đề thi tham khảo và đề chính thức thi tốt nghiệp THPT những năm trước để thống nhất ma trận đề thi. Tổ nhóm phân công giáo viên ra đề thi theo nhóm chủ đề, bám ma trận mỗi cặp (ra và phản biện đề thi). Hiện, mỗi ngân hàng đề của nhà trường có từ 400 - 500 câu của các môn thi trắc nghiệm. Ban Giám hiệu đưa câu hỏi vào phần mềm McMIX (phần mềm trộn đề thi trắc nghiệm), sau đó trích xuất đề thi ngẫu nhiên. Nhóm giáo viên được phân công khảo lại đúng theo ma trận và cho HS thi thử.
“Trường THPT Nam Đàn 1 đã tổ chức cho học sinh thi thử tốt nghiệp THPT năm 2022 được 2 lần, chuẩn bị thi lần 3” - cô Trịnh Thị Diệu Thúy cho hay.
Cô Hoàng Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Thế (Yên Thế, Bắc Giang) cho biết: Nhà trường đã tổ chức các buổi tập huấn về kỹ năng ra đề tự luận, trắc nghiệm, kỹ năng thẩm định đề cho các tổ nhóm chuyên môn. Từng tổ, nhóm chuyên môn ra ngân hàng câu hỏi theo các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Ngân hàng câu hỏi được tổ nhóm chuyên môn thẩm định, trao đổi, phân tích rà soát, kiểm duyệt cẩn thận để bảo đảm chính xác về nội dung kến thức và phù hợp với thực tiễn. Các đề trước khi phát hành được kiểm duyệt cẩn thận nhưng phải bảo đảm tính bảo mật.