- Thưa ông, Sở GD&ĐT Đồng Nai đã có những hướng dẫn, tổ chức các hoạt động... như thế nào để giúp giáo viên cập nhật, bổ sung kiến thức khi giảng dạy nội dung giáo dục quốc phòng - an ninh?
Năm 2007 Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Chương trình GDQP-AN cấp THPT theo Quyết định số79/2007/QĐ-BGDĐT, với mục tiêu về kiến thức, kỹ năng và thái độ cần đạt được rất cụ thể, phù hợp với giai đoạn đó.
Tuy nhiên cũng còn nhiều nội dung trùng lặp với các bộ môn khác như Lịch sử, Giáo dục Công dân…; phần lý thuyết chưa tinh gọn, chưa tập trung chủ yếu vào kiến thức thuộc về QP-AN; phần thực hành chưa đa dạng….
Theo tôi, sự khởi đầu nào cũng có những hạn chế nhất định của nó. Quan trọng là chúng ta phải nhìn ra những hạn chế đó và có sự thay đổi phù hợp với yêu cầu giai đoạn hiện nay.
Hơn nữa, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về nhiệm vụ GDQP-AN hàng năm đều chỉ rõ: “Tích cực đổi mới phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy môn học GDQP-AN hiệu quả; khai thác tốt trang thông tin điện tử quocphonganninh.edu.vn phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy”. Như vậy ít nhiều về nội dung, tính thời sự…của bộ môn cũng được thầy cô giáo cập nhật, bổ sung.
Ví dụ như đối với học sinh THPT mà cụ thể là trong chương trình lớp 11 có bài “Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia”, thời lượng 5 tiết lý thuyết. Trong nội dung tập huấn cho giáo viên năm 2014, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo, đồng thời các Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo rất cụ thể: Tài liệu tập huấn “Biển, đại dương và chủ quyền biển, đảo Việt Nam”, yêu cầu các trường thường xuyên cập nhật kiến thức biển, đảo trong tài liệu vào bài giảng “Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia” thuộc lớp 11.
Mở rộng GD chính khóa và tuyên truyền ngoại khóa cho học sinh về tiềm năng biển, đảo và nhiệm vụ của các thế hệ công dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc”.
Sở GD&ĐT Đồng Nai đã có hướng dẫn các trường tăng cường GD chủ đề: "Giáo viên Đồng Nai hướng về biển đảo thân yêu", thông qua tập huấn chuyên đề “Công tác tuyên truyền chủ quyền biển đảo Việt Nam cho học sinh sinh viên trong tình hình hiện nay”. Tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ giữa cán bộ, chiến sĩ Hải quân Lữ đoàn Trường Sa - Hải quân Vùng 4 với chủ đề “Hát với người lính đảo thân yêu”; tặng quà cho giáo viên học sinh Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa; thăm nhà truyền thống Vùng 4 Hải quân, thăm nhà truyền thống huyện đảo Trường Sa, tham quan tàu Đinh Tiên Hoàng – Lý Thái Tổ…
Năm 2014, Đồng Nai đã triển khai và quyên góp ủng hộ quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” được trên 800 triệu đồng, đã tham gia thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Đoàn đã trao tặng tiền mặt và quà số tiền 500 triệu đồng cho quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK 1; tặng 150 triệu đồng cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; tặng 150 triệu đồng cho Cục Kiểm ngư và 70 triệu đồng cho Quỹ “Vì tấm lưới nghĩa tình”. Tổng số tiền chi tặng cho nghĩa tình biển đảo là 870 triệu đồng.
Năm 2015, ngành GD tỉnh cũng phối hợp với báo cáo viên của Phòng Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức 06 lớp truyền thông về biển đảo cho giáo viên và học sinh THPT tại 06 điểm trường cho 4.200 học sinh của các trường THPT trong tỉnh.
Hiện Sở GD&ĐT đang tham mưu cho UBND tỉnh Đề án xây dựng phòng học bộ môn học GDQP-AN cho các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh với kinh phí dự trù 29 tỷ đồng. Các phòng này sẽ có sa bàn về “Chủ quyền lãnh thổ quốc gia” để học sinh được học trực quan, đây là công nghệ hiện đại, đổi mới phương pháp dạy và học mới lần đầu tiên ở các trường THPT nước ta.
- Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của ngành giáo dục Đồng Nai trong việc hun đúc ngọn lửa yêu nước trong thế hệ trẻ không chỉ trong các tiết dạy học trên lớp mà còn là giữ lửa tinh thần nhiệt huyết mọi lúc, mọi nơi?
Theo tôi về chiến lược hun đúc “ngọn lửa” này mọi lúc mọi nơi, không chỉ là trách nhiệm của ngành GD mà phải là trách nhiệm cộng đồng, của cả hệ thống chính trị với thế hệ trẻ hiện nay và mai sau.
Thực tế những năm qua bằng các cuộc thi tìm hiểu lịch sử như: Năm 2014, UBND tỉnh phát động cuộc thi “70 năm sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”, và năm 2015 vừa qua Quân khu 7 có cuộc thi “ 70 năm lịch sử vẻ vang QK7”, Bộ CHQS tỉnh, Tỉnh Đoàn, Sở GD&ĐT, Ban Tuyên giáo và Hội Cựu chiến binh tỉnh Đồng Nai đã phối hợp tổ chức, qua 2 cuộc thi toàn ngành GD đã có trên 120.000 lượt cán bộ, giáo viên và học sinh hưởng ứng. Đây là con số hết sức ấn tượng, là một trong những cách GD truyền thống tốt nhất với thế hệ trẻ ngày nay.
Song song với những cuộc thi đó, hè năm nào các đơn vị bộ đội, tổ chức Đoàn các cấp đều phối hợp với các cơ sở GD tổ chức các nhiều “Học kỳ quân đội” cho học sinh trên địa bàn, tạo môi trường rất tốt để rèn luyện con người mới Việt Nam.
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo việc dạy và học môn học GDQP-AN, về lý thuyết học rải trong năm, nhưng phần thực hành có thể tổ chức học tập trung. Điều kiện này thuận lợi cho nhà trường đa dạng các hình thực học thực hành, từ đó học sinh có thể tiếp cận với các đơn vị quân đội, công an trên địa bàn…, học sinh trân trọng hơn tình quân dân. Khi đó, “ngọn lửa” yêu nước càng cháy bỏng hơn.
- Hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh của tỉnh Đồng Nai tiến hành như thế nào? Tỉnh có gặp khó khăn gì trong việc này?
Những năm trước 2010, thực hiện Chỉ thị số 08 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (về việc đào tạo ngắn hạn giáo viên GDQP-AN cho các trường THPT và TCCN), Công văn số 1242 của Bộ Quốc phòng (về liên kết đào tạo giáo viên GDQP-AN), Sở GD&ĐT đã phối hợp cùng Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Đồng Nai, các sở - ngành liên quan thực hiện nghiêm qui trình tuyển chọn và liên kết đào tạo được 2 khóa với 146 giáo viên GDQP-AN theo đúng chương trình qui định.
Từ năm 2010 đến nay thực hiện Quyết định số 472/QĐ-TTg ngày 12/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 607/QĐ-TTg ngày 24/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên GDQP-AN cho các trường THPT, TCCN, TCN, CĐN và các cơ sở GDĐH đến năm 2020”, Sở GD&ĐT Đồng Nai đã tuyển chọn và đưa đi đào tạo tại trường ĐHSP TP.HCM, trường ĐH Nguyễn Huệ được 22 giáo viên trình độ Cử nhân môn học GDQP-AN hiện có 18 giáo viên đang học văn bằng 2 tại trường ĐH Trần Đại Nghĩa.
Như vậy đến năm 2016, toàn ngành GD Đồng Nai đạt trên 35% số giáo viên GDQP-AN có trình độ Cử nhân. Đồng thời để đến năm 2020 đảm bảo đạt chuẩn giáo viên theo quy dịnh. Sở đã chỉ đạo các trường xây dựng Quy hoạch đội ngũ giáo viên GDQP-AN để đưa đi đào tạo văn bằng 2, để đảm bảo trên 90% số giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học GDQP-AN đạt chuẩn.
Nhằm không ngừng nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giảng dạy. Hàng năm Sở GDĐT đều phối hợp với Bộ CHQS tỉnh và Công an tỉnh mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nội dung, hình thức và phương pháp giảng dạy môn học GDQP-AN cho giáo viên các trường theo đúng kế hoạch. Tổ chức cho giáo viên tham quan các đơn vị Quân đội trên địa bàn, tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp để học hỏi kinh nghiệm, bổ sung vào nội dung, phương pháp dạy học đạt kết quả cao.
Thiết nghĩ, trước mắt khi số đông đội ngũ giáo viên chưa đủ điều kiện để tham gia đào tạo chuẩn, thì việc bồi dưỡng ngắn hạn là cần thiết. Nghi ngại và nhận xét như “cưỡi ngựa xem hoa” cũng là điều dễ hiểu. Tuy vậy, với trách nhiệm của người thầy và đặc thù bộ môn, người giáo viên phải tìm tòi, tham khảo, học hỏi, tự thực hành, tự điều chỉnh kỹ năng, thái độ… chuẩn mực như một chiến sĩ…để đảm bảo giảng dạy bộ môn. Vì thế, tôi cho rằng số “cưỡi ngựa xem hoa” là không đáng kể.
- Hầu hết các trường THPT khá nghiêm túc trong việc giảng dạy môn học GDQPAN. Tuy nhiên ở các trung tâm GD thường xuyên, các trường THCS, thì việc dạy học môn học GDQP-AN dường như đang bị bỏ trống…?
Về vấn đề này chúng tôi cũng đã nhìn nhận còn có khoảng trống khi các trung tâm GDTX không đưa môn GDQP-AN vào chương trình dạy văn hóa cấp THPT cho các đối tượng, mà chỉ phối hợp các trung tâm GDQP-AN để dạy cho một số lớp liên kết, chương trình TCCN.
Thực hiện Công văn số 3673/BGDĐT- GDQP ngày 22/7/2015 của Bộ GD&ĐT về việc sơ kết 8 năm thực hiện Chỉ thị 12- CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP-AN trong tình hình mới. Sở GD&ĐT đã tiến hành sơ kết, trong nội dung kiến nghị với Bộ GD&ĐT:
“Đề nghị Vụ GDQP, phối hợp Vụ GDTX, Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo các trung tâm GDTX của các địa phương: đưa nội dung môn học GDQP-AN vào chương trình dạy văn hóa”.
Bộ GD&ĐT đã có Văn số 446/KH-BGDĐT về tập huấn thiết kế giáo án, phương pháp giảng bài lồng ghép GDQP-AN trong trường tiểu học, THCS từ năm 2014. Như vậy, GDQP-AN sẽ được đưa vào giảng dạy xuyên suốt cấp phổ thông. Theo đó, chương trình, nội dung các môn học cũng phải được biên soạn lại phù hợp với giai đoạn mới, và những hạn chế trước đây như trùng lặp, chồng chéo nội dung giữa các bộ môn cần phải được quan tâm điều chỉnh.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2013, Sở GD&ĐT Đồng Nai đăng cai tổ chức Hội thao GDQP-AN học sinh cấp THPT toàn quốc lần thứ I.
Hội thao qui tụ 37 đoàn với 224 học sinh tham gia với các nội dung thi điều lệnh, kỹ chiến thuật cá nhân (lớp 10, 11), bắn súng tiểu liên AK (lớp 12), võ thuật, kiến thức cơ bản về QP-AN.... Nhiều đoàn đạt giải cao như: Đồng Nai, Hải Dương, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đăk Lăk, TP HCM, Sơn La..., trong đó Đồng Nai vinh dự nhận danh hiệu là đơn vị dẫn đầu toàn đoàn.
Đây là dịp để thầy cô giảng dạy bộ môn GDQP-AN có cơ hội giao lưu học hỏi nâng cao trình độ; góp phần giúp học sinh, sinh viên yêu quí hơn bộ môn học này. Qua đó, khơi dậy sự chuyển biến phát triển bộ môn: đổi mới tư duy, phương pháp dạy học khoa học, sáng tạo hơn; đào sâu lý thuyết và tăng cường kỹ năng thực hành quân sự…
Hội thao cho thấy năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, từ nhận thức trách nhiệm đến tính quyết đoán chuyên môn của từng lĩnh vực được đảm nhiệm.
Hội thao diễn ra trên địa bàn đã góp phần nâng cao ý thức QP-AN trong tòan dân nói chung và thế hệ trẻ Đồng Nai nói riêng; tạo nên một phong trào học tập môn học GDQP-AN ở các trường THPT trong tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng GDQP-AN trong tình hình mới.