Đổi mới giáo dục: Lựa chọn khâu đột phá và tạo hiệu ứng dây chuyền

Đổi mới giáo dục: Lựa chọn khâu đột phá và tạo hiệu ứng dây chuyền

Vào những ngày cuối năm Kỷ Sửu, trong thời khắc đất trời chuyển giao sang năm mới Canh Dần, Báo Giáo dục & Thời đại đã hân hạnh được trò chuyện cùng Phó Thủ tướng (PTTg), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân - người đã xông pha không biết mệt mỏi trên mặt trận GD-ĐT - về những vấn đề đã khiến ông trăn trở suốt hơn 3 năm qua với sự nghiệp “trồng người” vinh quang và gian khó này.

* Phóng viên (PV): Kính thưa PTTg, Bộ trưởng, trong không khí rạo rực chờ đón mùa xuân mới, chắc PTTg, Bộ trưởng đã có những giây phút trải lòng suy ngẫm, xâu chuỗi lại toàn bộ những tư tưởng và hệ thống giải pháp chỉ đạo mà ông đã tiến hành trong cương vị đứng đầu ngành giáo dục. PTTg, Bộ trưởng có thể chia sẻ một chút cảm giác của mình khi nhận “chiếc ghế nóng” là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân

* PTTg, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Để chuẩn bị cho tổng kết những đổi mới của Ngành Giáo dục giai đoạn 2006 – 2010, chuẩn bị cho Chiến lược giáo dục 2011- 2020, trong tháng 12/ 2009 và đầu tháng 01/ 2010, Ban Cán sự Đảng và cán bộ chủ chốt của Bộ đã có nhiều buổi làm việc sâu sắc và dân chủ về những đổi mới của Ngành trong giai đoạn 2006 – 2009. Ban Cán sự Đảng Bộ sẽ làm việc với từng vụ, cục trong quý I/ 2010 để lắng nghe, đánh giá về sáng kiến của các đơn vị, hình thành báo cáo tổng kết đổi mới Ngành trong cả giai đoạn 2001 – 2010 và định hướng đổi mới giai đoạn 2011 – 2020.

Cách đây 3 năm rưỡi, khi được Đảng và Quốc hội giao trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi có hai cảm giác rất rõ: Rất lo và tự tin.

Lo vì mặc dù tôi đã dạy đại học từ 1983, nhưng trong số 23 triệu học sinh, sinh viên cả nước, chỉ có khoảng 1,5 triệu sinh viên đại học, cao đẳng, còn 21,5 triệu là học sinh mầm non, phổ thông, học nghề và trung cấp chuyên nghiệp, chiếm 93%, là lĩnh vực tôi không có thực tiễn và ít hiểu biết về lý luận.

Tự tin vì tôi làm nhà giáo công tác đã được 23 năm, được nhà nước công nhận là giáo sư từ năm 2002, đã tham gia quản lý từ Phó Chủ nhiệm bộ môn, Trưởng khoa và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, và nhất là đã có 9 năm tham gia quản lý ở thành phố Hồ Chí Minh (3 năm là Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, 6 năm là Phó Chủ tịch UBND thành phố). Những bài học, kinh nghiệm quản lý các hệ thống xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh đem lại cho tôi sự tự tin là nếu biết lắng nghe, bám sát thực tiễn và phát huy sáng tạo của tất cả các cán bộ quản lý ngành ở Bộ và ở các địa phương, tôi sẽ cùng tập thể lãnh đạo Bộ hoàn thành được nhiệm vụ.

* PV: Chỉ một thời gian ngắn sau khi về Bộ, PTTg, Bộ trưởng đã đề nghị tiến hành cuộc vận động “Hai không” (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục). Lúc bấy giờ, một số ý kiến cho là Bộ trưởng phải nêu các vấn đề to lớn, chiến lược, còn cuộc vận động “Hai không” là những việc quá cụ thể, không xứng tầm của Bộ trưởng. Qua hơn 3 năm thực hiện “Hai không”, PTTg, Bộ trưởng nghĩ thế nào về ý kiến này?

* PTTg, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Đúng là lúc đầu, tôi có đề xuất với lãnh đạo Bộ là cần tiến hành cuộc vận động “Hai không” trong khối giáo dục phổ thông, nhưng chỉ sau khi Ban Cán sự Đảng Bộ đã bàn bạc kĩ, và báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì Bộ mới phê duyệt kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Hai không” vào 28/ 7/ 2006. Đây là một lựa chọn có tính chiến lược của lãnh đạo Bộ, vì sự phát triển lâu dài của Ngành, phù hợp với các quy luật, nguyên tắc xây dựng của hệ thống giáo dục. Nội dung “Hai không” rất giản đơn, dễ hiểu, song lại có ý nghĩa rất to lớn với Ngành. Trong hàng chục vấn đề khó khăn của giáo dục phổ thông, chọn ra hai vấn đề tưởng chừng đơn giản, nhưng lại có ý nghĩa to lớn với Ngành, và việc giải quyết đúng là khả thi trong khoảng 4 năm, thì nó chính là sự vận dụng khoa học quản lý: Trong một mớ bòng bong các khó khăn, biết chọn ra khâu đột phá, từ đó làm cho cả hệ thống chuyển động bởi hiệu ứng dây chuyền sau đột phá.

* PV: PTTg, Bộ trưởng có thể nói kỹ hơn về việc này không?

* PTTg, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Để một hệ thống, ví dụ như hệ thống giáo dục phát triển được, chúng ta phải tác động vào hệ thống phù hợp với các quy luật chi phối sự hoạt động của hệ thống giáo dục. Để khắc phục các yếu kém của một hệ thống tại một giai đoạn nhất định thì phải trả lời câu hỏi: Các quy luật, quy tắc hoạt động nào của hệ thống này đang bị vi phạm, từ đó xác định cần phải sửa đổi việc gì trong quản lý hệ thống giáo dục. Tức là câu hỏi đầu tiên cần trả lời là: Chúng ta đang làm trái quy luật ở chỗ nào. Câu hỏi tiếp theo là: Chúng ta phải sửa chữa các sai lầm đó như thế nào? Để trả lời được câu hỏi này thì phải nắm chắc các đặc điểm, đặc thù của hệ thống giáo dục nói chung và trạng thái cụ thể của hệ thống giáo dục ở thời điểm đang xem xét.

Hệ thống giáo dục chịu sự chi phối của 5 loại quy luật: Quy luật đặc thù của Ngành là quy luật và các nguyên tắc sư phạm, 4 loại quy luật chung khác là: các quy luật và quy tắc quản lý hệ thống; quy luật hài hòa lợi ích đối với hành vi cá thể; Các quy luật và quy tắc quản lý hệ thống kinh tế; các quy luật của hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ.

Rất nhiều yếu kém kéo dài trong ngành Giáo dục hiện nay bắt nguồn từ việc các giải pháp quản lý của ngành không chỉ chưa phù hợp với các quy luật sư phạm mà còn cả với 4 loại quy luật khác. Nếu việc quản lý ngành vi phạm các loại quy luật không sư phạm mà ngành không khắc phục kịp thời thì chỉ bằng các giải pháp sư phạm sẽ không thể khắc phục các yếu kém của Ngành.

Hệ thống giáo dục có 5 đặc điểm, đặc thù là:

1. Hoạt động giáo dục phải được tiến hành liên tục hàng năm, không thể dừng lại được, cường độ làm việc của giáo viên cao. Do đó việc đưa các nội dung đổi mới vào hoạt động giáo dục phải chọn lọc, cân nhắc kỹ, vừa sức, vừa quỹ thời gian và điều kiện thực tế, không gây quá tải cho các thầy cô và nhà trường.

2. Hoạt động giáo dục có tính kế thừa và ổn định tương đối cao ở cơ sở. Các yếu tố tích cực có thể được truyền từ thế hệ giáo viên, học sinh, sinh viên này sang thế hệ giáo viên, học sinh, sinh viên khác trong một thời gian nhất định mà không cần sự can thiệp của cơ quan cấp trên.

Mặt khác, các hạn chế, yếu kém cũng có thể được truyền từ năm này sang năm khác, nếu không có biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả, thì sự tích lũy các yếu kém nhỏ sau một số năm có thể thành yếu kém lớn không thể khắc phục được bằng các biện pháp quen thuộc. Tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục trong nhiều năm qua chính là những sự yếu kém như vậy. Nó âm thầm gia tăng mỗi năm một ít, và đến năm 2006, nó đã trở thành nguy cơ đe dọa chất lượng giáo dục của cả một thế hệ thanh niên học sinh.

3. Là một bộ phận không tách rời của xã hội, hệ thống giáo dục phản ánh đầy đủ các mặt tích cực và tiêu cực của xã hội. Thế nhưng, hoạt động giáo dục lại đòi hỏi các thầy cô giáo phải là tấm gương về đạo đức, tiên tiến về tri thức. Vì vậy, một mặt chúng ta đòi hỏi: đã chọn nghề giáo thì phải “mô phạm”, học tập suốt đời, quanh năm, nhưng mặt khác phải quan tâm đến nhu cầu cuộc sống đời thường của nhà giáo, phải biết ảnh hưởng tiêu cực của xã hội hàng ngày, hàng giờ tác động lên các nhà giáo. Cần có chế độ và chính sách để các thầy cô yên tâm cống hiến thời gian và sức khoẻ cho nghề giáo của mình.

4. Nội dung giáo dục phải vừa có tính dân tộc sâu sắc, vừa có tính quốc tế, để đào tạo ra các công dân Việt Nam, biết tự hào và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, đồng thời làm chủ được sự hội nhập quốc tế của đất nước, gia đình và bản thân.

5. Hệ thống giáo dục chịu sự chi phối đồng thời của 5 loại quy luật đã nêu ở trên.

Trong các quy luật và quy tắc của hoạt động sư phạm có một đòi hỏi có tính nguyên tắc là: quan hệ giữa con người với con người, đặc biệt là thầy và trò, phải đảm bảo một số yêu cầu nhất định, tạo nên môi trường sư phạm mà chỉ có trên cơ sở đó việc dạy và học mới có tác dụng, có hiệu quả. Môi trường sư phạm này có 6 thuộc tính sau: 1. Trật tự kỷ cương; 2. Tình thương; 3. Trung thực; 4. Khách quan; 5. Công bằng; 6. Khuyến khích sáng tạo, hiệu quả.

Việc tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục kéo dài nhiều năm đã xói mòn nghiêm trọng môi trường sư phạm này ở nhiều trường học, ở nhiều địa phương, làm cho việc dạy và học không hiệu quả, chất lượng thật của học sinh có nguy cơ giảm sút mà không kiểm soát được. Nếu không cương quyết khắc phục tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích thì ngày càng đông học sinh sẽ mất động lực học tập, giáo viên sẽ mất động lực đổi mới và sáng tạo, việc giáo dục đạo đức sẽ ngày càng kém hiệu quả.

Chính vì vậy, Ban cán sự Đảng Bộ đã xác định: Khắc phục tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục là những nhiệm vụ rất cấp bách của Ngành. Thế nhưng một nhiệm vụ cấp bách có trở thành khâu đột phá hay không còn phải xem xét trên các đòi hỏi khác:

Phong trào thi đua
Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" có sức lan tỏa trên khắp các mái trường

1. Việc giải quyết nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tương đối ngắn có khả thi hay không? Nếu việc chống tiêu cực trong thi cử và khắc phục bệnh thành tích không thể thực hiện thắng lợi cơ bản trong khoảng 3 – 4 năm thì nó sẽ không đem lại tác dụng thiết thực gì cho nâng cao chất lượng giáo dục và sẽ không được các thầy cô giáo và học sinh, không được xã hội quan tâm nữa. Ban cán sự Đảng Bộ đã đánh giá việc này là khả thi vì:

- Trước năm 2006 đã có một số điểm tự tổ chức thi nghiêm túc vì cho rằng đó là rất cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục.

- Triển khai cuộc vận động “Hai không” thực chất là làm công tác tư tưởng để làm thay đổi nhận thức của giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội: thấy rõ tác hại của tiêu cực thi cử và bệnh thành tích, tự giác nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Không phải đầu tư nhiều tiền để triển khai trong khi đấy là cái rất thiếu cho ngành Giáo dục.

- Nếu ngành không đòi hỏi trong thời gian trước mắt là làm quá nhiều việc một lúc (vừa thực hiện “Hai không” vừa đổi mới phương pháp dạy học với quy mô lớn, vừa tăng cường văn nghệ thể thao, vừa đổi mới chung cơ sở vật chất ...) thì trong khi vẫn tiến hành tất cả các hoạt động khác của Ngành một cách bình thường, có thể tập trung thời gian, sinh lực, sự quan tâm của toàn ngành tại mỗi tỉnh, mỗi trường vào việc thực hiện cuộc vận động “Hai không”.

- Có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ gửi các địa phương, các ngành thực hiện cuộc vận động “Hai không”, tạo cơ chế chính trị để ngành Giáo dục thực hiện thắng lợi cuộc vận động này.

- Bộ chính thức ký kết thi đua hàng năm giữa lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các sở Giáo dục – Đào tạo, tổ chức giao ban vùng hàng quý để khẳng định quyết tâm của toàn ngành và kịp thời chỉ đạo sát với thực tiễn ở cơ sở.

2. Nếu giải quyết được khâu cấp bách có tạo tiền đề mới để các khó khăn khác được giải quyết dễ dàng hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, tức là có tạo ra hiệu ứng dây chuyền để giải quyết các khó khăn và tạo động lực mới cho phát triển hay không?

Ban Cán sự Đảng Bộ cho rằng, cuộc vận động “Hai không” sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền vì:

- Khi học sinh và phụ huynh nhận thức được: Năng lực thật của học sinh mới là quan trọng để vào đời chứ không phải là điểm số, bằng cấp... do gian dối mà có được thì học sinh sẽ tự giác học tập, cha mẹ sẽ quan tâm thực sự chăm lo cho việc học của con.

- Khi tiêu cực thi cử và bệnh thành tích bị xoá bỏ, giáo viên sẽ có vị trí mới, lành mạnh hơn trong mắt học sinh và xã hội, công tác giáo dục và dạy học sẽ có hiệu quả hơn. Việc khen thưởng giáo viên sẽ công bằng hơn, động viên được các thầy cô sáng tạo, đổi mới.

- Nếu thi trung thực, không có bệnh thành tích trong báo cáo, kết quả thật có thể xấu hơn so với trước, song sẽ được nhiều nhà trường, phụ huynh, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đánh giá, phân tích tìm nguyên nhân yếu kém, đề xuất các biện pháp khắc phục. Ngành Giáo dục sẽ có thêm nguồn lực để phát triển, xã hội hóa giáo dục sẽ được đẩy mạnh.

- Từ thực tiễn kết quả thực hiện cuộc vận động “Hai không” sẽ chỉ cho ngành Giáo dục thấy rõ hơn các khâu yếu kém tiếp theo cần chủ động giải quyết sẽ đem lại hiệu quả cao là gì.

- Từ các kết quả trên, việc dạy và học sẽ hiệu quả hơn, chất lượng giáo dục sẽ tăng, học sinh bỏ học sẽ giảm. Từ 2 không sẽ thành 3 có: Có chất lượng học phổ thông cao hơn, có tỉ lệ học sinh đi học cao hơn, có sự quan tâm của toàn xã hội nhiều hơn cho sự phát triển giáo dục.

Từ các phân tích nói trên, lãnh đạo Bộ đã xác định: Cuộc vận động “Hai không” chính là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và tạo sự phát triển toàn diện của giáo dục phổ thông.

Sau 3 năm triển khai cuộc vận động
Sau 3 năm triển khai cuộc vận động "Hai không" các kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đi vào nề nếp và thực sự nghiêm túc

* PV:Vậy thì thưa PTTg, Bộ trưởng, sau hơn 3 năm triển khai, cuộc vận động “Hai không” đã đạt được kết quả và tạo ra các “hiệu ứng” dây chuyền như thế nào?           

* PTTg, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Thực tế qua hơn 3 năm triển khai cuộc vận động “Hai không”, đã thu được các kết quả và tạo ra các “hiệu ứng” dây chuyền sau:

- Việc thi tốt nghiệp THPT đã thực sự nghiêm túc hơn hẳn năm 2007. Năm 2007 có 2.612 em vi phạm quy chế thi phải đình chỉ thi, năm 2009 chỉ còn 299 em. Số giám thị vi phạm quy chế thi năm 2007 là 32, năm 2009 chỉ còn 3.

- Kết quả học tập được nâng cao một cách thực chất, thể hiện rõ nhất là ở tỉ lệ tốt nghiệp THPT: năm 2006: tốt nghiệp 93% (còn nhiều tiêu cực trong thi); 2007: tốt nghiệp: 66,7% (thi lần 1); 2008: tốt nghiệp 76% (thi lần 1); 2009: 83,8% (thi 1 lần).

- Số học sinh bỏ học giảm: Năm 2007 – 2008 có 215.163 em bỏ học (chiếm 1,37%), năm học 2008 – 2009 còn 168.047 em (chiếm 1,09%), giảm 47.116 em (giảm 22%).

- Ngành đã triển khai cuộc vận động thứ 2 từ năm 2007: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, lần đầu tiên xác lập yêu cầu phẩm chất thống nhất cho các nhà giáo trong giai đoạn hiện nay.

- Ngành đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” từ năm 2008, với sự phối hợp dài hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Khuyến học, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tạo ra một cơ chế chính trị xã hội để giáo dục toàn diện học sinh, đặc biệt là giáo dục đạo đức lối sống. Qua một năm rưỡi triển khai đã đạt kết quả rất đáng khích lệ: 37.011 trường phổ thông, tiểu học và mầm non đăng ký tham gia phong trào (chiếm 95%); 36.985 nhà vệ sinh được xây mới hoặc sửa chữa (đạt tỉ lệ 91%); 3.912 di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh và 5.824 nghĩa trang liệt sĩ được các trường chăm sóc và phát huy giá trị; 2.846 bà mẹ Việt Nam anh hùng được các trường nhận chăm sóc. Các trò chơi dân gian, các bài hát, điệu múa phổ thông được đưa vào sinh hoạt nhà trường.

Đối với giáo dục đại học, tháng 01/ 2010 Ban Cán sự Đảng Bộ đã có Nghị quyết, xác định đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình hoạt động về đổi mới quản lý giáo dục đại học 2010 – 2012.

Ở giáo dục phổ thông, cuộc vận động “Hai không” là khâu đột phá năm 2006 – 2010 nhằm khắc phục sự vi phạm quy luật và quy tắc sư phạm. Còn ở giáo dục đại học, chọn khâu đột phá là đổi mới quản lý là nhằm khắc phục sự vi phạm các quy luật, quy tắc quản lý hệ thống và vận dụng quy luật cạnh tranh của hoạt động kinh tế.

Đối với sự phát triển chung của toàn hệ thống giáo dục quốc dân, khâu cản trở lớn kéo dài trong nhiều năm qua chính là cơ chế tài chính giáo dục. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết tâm cao, nỗ lực trong 2 năm 2008 – 2009 xây dựng đề án để trình Chính phủ và Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương, định hướng Đổi mới cơ chế tài chính ngành Giáo dục - Đào tạo 2010 – 2015.

* PV: Nhìn lại toàn bộ quá trình này, có điều gì làm PTTg, Bộ trưởng cảm thấy hài lòng nhất và còn có gì băn khoăn, day dứt?

* PTTg, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sự quản lý của các Bộ ngành và chính quyền các cấp, với những đổi mới của toàn hệ thống giáo dục - đào tạo và sự lao động hết mình của hơn 1 triệu thầy giáo, cô giáo, sự ủng hộ nhiệt thành của nhân dân và cố gắng của tất cả học sinh, sinh viên, ngành Giáo dục – Đào tạo đã có nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thời gian qua. Hầu hết các khó khăn, thách thức đặt ra với ngành vào năm 2006 đến nay đã có giải pháp xử lý và trên nhiều lĩnh vực đã có kết quả tiến bộ cụ thể. Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai một số chương trình, giải pháp dài hạn đã được đề ra trong 3 năm qua: Đề án đổi mới cơ chế tài chính của ngành (2010-2015); Đề án phát triển các trường phổ thông chuyên (2010-2020); Đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi (2010-2015); Đề án dạy ngoại ngữ (trọng tâm là tiếng Anh) trong hệ thống giáo dục quốc dân tới năm 2020; Chương trình tiên tiến ở giáo dục đại học; Các đề án thành lập các trường đại học xuất sắc có hợp tác với nước ngoài; Đề án đào tạo 2 vạn tiến sĩ tới năm 2020, trong đó 1 vạn đào tạo ở nước ngoài; Chương trình kiên cố hoá trường lớp học, nhà công vụ và ký túc xá cho học sinh, sinh viên; Chương trình đổi mới quản lý giáo dục đại học 2010-2012; Chương trình bồi dưỡng 28.000 hiệu trưởng phổ thông và tất cả hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng...

Các chương trình, đề án dài hạn này có tác dụng rất quan trọng, tạo đầu vào mới cho toàn bộ hệ thống giáo dục trong 5-10 năm tới, tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho đổi mới giáo dục.

Các thầy cô giáo đang gieo mùa xuân cho đất nước
Các thầy cô giáo đang gieo mùa xuân cho đất nước

* PV: Theo PTTg, Bộ trưởng, trong thời gian tới Bộ cần tập trung chỉ đạo những lĩnh vực nào?

* PTTg, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Do hạn chế về thời gian và năng lực chỉ đạo triển khai của Bộ, hơn 3 năm qua còn một số lĩnh vực chưa được đầu tư nghiên cứu đổi mới thoả đáng hoặc triển khai còn ít, cần được tập trung chỉ đạo trong giai đoạn tới, đó là: Mô hình và vai trò các trường trung cấp chuyên nghiệp, hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân sau phổ thông; Đánh giá hiệu quả mô hình đại học hai cấp và chính sách cần thiết cho nó (2 đại học quốc gia và 3 đại học Thái Nguyên, Đà Nẵng, Huế); Đổi mới phương pháp dạy học ở giáo dục phổ thông và đại học; Xây dựng hệ thống thư viện điện tử liên kết trong toàn hệ thống giáo dục đại học; Quản lý các trường do nước ngoài đầu tư ở các cấp học; Nâng cao hiệu quả bồi dưỡng thường xuyên giáo viên phổ thông và mầm non; Chuẩn bị chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn sau năm 2015 và chuẩn bị giáo viên cho chương trình này; Quy hoạch hiệu trưởng các cấp học và giám đốc sở GD-ĐT; Thực hiện chế độ tuyển dụng giáo viên theo phương thức hợp đồng lao động trong toàn hệ thống giáo dục; Làm rõ hơn mô hình phát triển giáo dục thường xuyên trong bối cảnh đã phổ cập xong THCS, gắn với đào tạo nghề; Làm rõ hơn yêu cầu và các giải pháp đặc thù, hiệu quả cao trong giáo dục ở những vùng đồng bào dân tộc.

Đổi mới quản lý giáo dục ĐH là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện giáo dục ĐH
Đổi mới quản lý giáo dục ĐH là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện giáo dục ĐH

* PV: Nhân năm mới đến, nếu nói một điều ước cho GD Việt Nam, PTTg, Bộ trưởng sẽ ước mong điều gì? Phải chăng là ước cho đội ngũ nhà giáo có thể hoàn toàn sống có chất lượng bằng đồng lương của mình để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp trồng người cao quý?

* PTTg, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Trong thời gian qua, thu nhập giáo viên còn hạn chế trong điều kiện của khối hành chính sự nghiệp như ngành Y tế, Giáo dục, cán bộ công chức nhà nước. Năm vừa qua, nhà nước đã liên tục tăng lương của khối này qua tăng mức lương cơ bản, từ 350.000 đồng/ tháng năm 2006 lên dự kiến 730.000 đồng/ tháng năm 2010 (năm 2009 là 650.000 đồng/ tháng). Như vậy lương danh nghĩa đã tăng 2,08 lần, lạm phát năm 2009 so với 2006 khoảng 44,6%. Như vậy lương thực tế năm 2010 đã tăng 1,44 lần so với 2006. Ngành Giáo dục còn có hệ số ưu đãi đứng lớp theo đó thu nhập của giảng viên đại học tăng khoảng 25%, thu nhập giáo viên các trường sư phạm tăng 40%, giáo viên mầm non, tiểu học ở vùng núi, hải đảo tăng 50%. Bình quân toàn ngành, hệ số ưu đãi đứng lớp là 35%. Như vậy một giáo viên có trình độ đại học mới ra trường năm 2010 sẽ có lương bình quân là: 730.000 đồng x 2,34 (bậc đại học) x 1,35 (ưu đãi đứng lớp) = 2,306 triệu đồng. Ngoài hệ số ưu đãi đứng lớp, theo Luật Giáo dục mới được sửa đổi, nhà nước sẽ thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên. Trong năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sẽ trình Chính phủ để Chính phủ quyết định chủ trương về tăng phụ cấp thâm niên, khi đó thu nhập thực tế của đại đa số các nhà giáo sẽ được tiếp tục nâng lên. Năm 2010 đất nước ta sẽ kết thúc 5 năm phát triển 2006 – 2010, bước vào một thập kỉ mới với vị thế một nước đã ra khỏi nhóm nước nghèo, là thành viên đáng tin cậy của cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á và thế giới. Kinh tế thế giới chưa phục hồi bình thường do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và suy thoái ở nhiều nước. Trong bối cảnh đó, mong ước lớn nhất của tôi là đất nước ta sẽ tiếp tục giữ vững ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao hơn theo hướng bền vững và hiệu quả hơn. Đây là nền tảng chính trị xã hội quan trọng nhất cho phát triển giáo dục. Với Luật Giáo dục 2005 vừa được Quốc hội sửa đổi, cùng với việc đổi mới cơ chế tài chính đã được Quốc hội thông qua, chưa bao giờ hệ thống pháp luật cho giáo dục hoàn chỉnh và thuận lợi như bây giờ, chưa bao giờ đầu tư cho giáo dục lớn như bây giờ, cùng với các đổi mới của bản thân ngành Giáo dục – Đào tạo các năm qua, tôi tin rằng năm 2010 sẽ là một năm tốt lành với các thầy cô giáo và các em học sinh, sinh viên. Đảng, Chính phủ và nhân dân tin các thầy cô giáo, tôn trọng sự đóng góp, sự nỗ lực và tâm huyết của các thầy cô giáo đối với sự nghiệp “trồng người”. Các thầy cô đang gieo mùa xuân cho đất nước trong nửa đầu thế kỉ 21.

* PV:Xin cảm ơn PTTg, Bộ trưởng! Kính chúc PTTg, Bộ trưởng cùng gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe và hạnh phúc! Kính chúc PTTg, Bộ trưởng đạt được thành công hơn nữa trong thực hiện trọng trách của mình.!

Nguyễn Danh Bình – Nguyễn Hoàng

(thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ