Đổi mới giáo dục đại học: Đội ngũ giảng viên là chủ công

GD&TĐ - Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, quyết liệt đổi mới và nâng tầm hệ thống là mục tiêu quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29 của T.Ư về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT Việt Nam. Trong tiến trình đổi mới đó, đội ngũ giảng viên được xác định đóng vai trò chủ đạo trong mọi hoạt động. Vậy các trường cần làm gì để vai trò “chủ công” của đội ngũ giảng viên được phát huy một cách tốt nhất? 

Giảng viên Trường ĐH quốc tế Sài Gòn
Giảng viên Trường ĐH quốc tế Sài Gòn

Cho giảng viên không gian học thuật và sáng tạo

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM tin rằng: Quyết định sự thành bại trong yêu cầu đổi mới GDĐH nằm ở con người. Con người ấy chính là đội ngũ giảng viên, CBQL. Trong đó, đội ngũ GV chính là “chìa khóa” trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo chất lượng giáo dục. Vì vậy, nâng cao chất lượng, vị thế, vai trò của đội ngũ GV, CBQL giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu và tối quan trọng ở các trường.

Theo TS Trần Đình Lý, nền tảng của sự phát triển con người là tri thức và những đóng góp quan trọng nhất đến từ bậc phổ thông và đại học. Do đó, các trường đại học cần phát triển theo tinh thần khai sáng và lý tưởng tự do học thuật. Người thầy phải là trung tâm cho mọi hoạt động đổi mới. Nếu người thầy lên lớp dạy rất hay và thú vị bằng những phương pháp sư phạm mới mẻ, phù hợp, dễ thu hút người học là điều quá tuyệt vời.

Tuy nhiên, TS Lý cho rằng, với sự phát triển không ngừng của nhiều loại hình giáo dục như hiện nay, như thế vẫn là chưa đủ. Giảng viên ngoài kỹ năng sư phạm cần phải có trải nghiệm thực tế, các tình huống thực tiễn, cách giải quyết những câu chuyện thực tiễn cả về tri thức, lý luận khoa học hài hòa.

Muốn nâng cao chất lượng GDĐH thì cần phải nâng tầm vị trí GV và cả công tác NCKH. Thực tế, NCKH là hoạt động không còn lạ lẫm, mới mẻ với giảng viên và sinh viên các trường ĐH. NCKH chính là một chuỗi các hoạt động đòi hỏi tư duy sáng tạo, thúc đẩy quá trình phát triển toàn diện… TS Trần Đình Lý tin nếu các trường có chính sách khuyến khích hoạt động NCKH tốt, có chính sách khen thưởng, thậm chí là đặt hàng cho sản phẩm NCKH thì chất lượng giáo dục của đơn vị ấy sẽ tiến rất nhanh.

“Hoạt động NCKH là môi trường để GV và sinh viên nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, khơi dậy sự nhiệt tình, tính chủ động say mê NCKH; giúp GV, SV phát huy được tính sáng tạo, phát triển năng lực nghiên cứu, phong cách làm việc khoa học, sự tìm tòi, tư duy sáng tạo, ý thức mong muốn cải tiến và đổi mới trong chính mỗi sản phẩm nghiên cứu của mình. Khi tinh thần NCKH tăng cao, không gian học thuật mở rộng, sự thay đổi về chất lượng là điều có thể tin tưởng” - TS Trần Đình Lý nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với TS Trần Đình Lý, PGS.TS Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn tin rằng, nếu ban giám hiệu các trường đại học ý thức và xác định rõ mục tiêu mà mình cần tiến tới là giá trị con người, sản phẩm của tiến trình đào tạo, chắc chắn họ sẽ lựa chọn việc nâng cao chất lượng đội ngũ GV, xem GV là thước đo cho mọi chuẩn mực trong đào tạo và đảm bảo chất lượng.

Theo PGS.TS Phạm Hoàng Quân, vài năm trở lại đây các trường đại học đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm định chất lượng, chuẩn đầu ra và công tác NCKH. Song song đó là công tác bồi dưỡng nâng cao đội ngũ, đưa những cán bộ nòng cốt đi nước ngoài học tập và bồi dưỡng để hình thành cho mình một hệ thống quản trị tốt nhất, với đội ngũ tinh hoa nhất, nhằm hướng đến hội nhập, cũng như đáp ứng các chuẩn mực của thị trường lao động quốc tế.

Nghiên cứu khoa học ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Nghiên cứu khoa học ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam 

“Rõ ràng trong mọi sự đổi mới về chất lượng đào tạo, nâng tầm hệ thống GDĐH thì đội ngũ GV đóng vai trò chủ đạo. Chúng ta có thể thay đổi phương thức quản trị, gia tăng đầu tư cho công tác NCKH, cơ sở hạ tầng và phòng thí nghiệm... Nhưng nếu đội ngũ không chuẩn, không tiệm cận với những sự thay đổi thì rất khó để thay đổi cả hệ thống.

Có nhiều cách để khuyến khích GV, các trường cùng thay đổi, như việc các trường sư phạm lớn trên cả nước nếu chấ#p nhận cùng nhau hòa vào “mạng lưới” cùng nhau chia sẻ công khai tài nguyên giảng dạy, giáo trình và cả các công trình khoa học về phương pháp nghiên cứu giảng dạy cho nhau... chắc chắn việc nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ GV sẽ tốt hơn” - PGS.TS Phạm Hoàng Quân nhấn mạnh.

Đào tạo hướng đến sự thích ứng tuyệt đối

Trong buổi nói chuyện mới đây với sinh viên ĐHQG TP HCM Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình nhìn nhận và đánh giá mục tiêu của giáo dục đại học không nhằm tạo ra những người lao động làm một công việc cụ thể suốt đời, mà phải đạt tới trình độ có thể thích ứng để tồn tại khi nghề được đào tạo mất đi. Vì lẽ đó, ngoài sự chuyển dịch của các trường, đội ngũ CBQL, GV cũng cần phải thay đổi để thích ứng với thời cuộc mà tri thức phát triển không ngừng, vượt qua các khoảng cách về không gian và thời gian.

Đồng tình với những gì mà hệ thống GDĐH đang hướng đến, với vai trò “hạt nhân” trong đổi mới là lực lượng GV, TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho rằng: đội ngũ GV đóng vai trò là nhân tố cơ bản trong việc tạo ra các giá trị và đặc trưng về phong cách, văn hóa của mỗi trường đại học. Một trường đại học mạnh đồng nghĩa với việc nó được tạo dựng bởi đội ngũ GV giỏi, lao động tích cực, sáng tạo và tâm huyết với nghề. Điều đó phụ thuộc vào cách thức, phương pháp mà nhà quản lý sử dụng để tạo động lực cho đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và NCKH.

“Trong những năm qua, Trường ĐH Lạc Hồng đã mạnh dạn đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, phục vụ quá trình giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường luôn khuyến khích tinh thần tự do, khai phóng trong đổi mới giảng dạy của giảng viên, mở lối để giảng viên mạnh dạn phá bỏ phương pháp truyền đạt cứng nhắc, một chiều.

Trường cũng thực hiện nhiều cải về chính sách tài chính, nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn dành cho giảng viên tham gia NCKH và đổi mới, sáng tạo, xem nó như một đòn bẩy để GV yên tâm làm việc và NCKH. Tùy vào chất lượng của các công trình nghiên cứu, sản phẩm khoa học, nhà trường có chính sách hỗ trợ kinh phí đăng bài, đi lại, ăn ở và khen thưởng cho các giảng viên của trường; đồng thời, coi đó là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua hàng năm đối với GV” - TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh, muốn giúp GV thoát khỏi tư duy bị trói buộc, hết mình và đam mê với sáng tạo, NCKH thì các trường đại học cần tạo lập môi trường NCKH thuận lợi và chính sách hỗ trợ, khen thưởng về vật chất xứng đáng trong quá trình nghiên cứu của GV. Đặc biệt, các trường cần coi NCKH là một tiêu chí quan trọng để nâng lương trước thời hạn cho GV có thành tích trong NCKH. Ngoài ra, các thủ tục thanh quyết toán cũng cần nhanh gọn, tránh những phiền hà không cần thiết cho GV giúp họ nhận thấy vai trò “chủ công” của mình trong nâng cao chất lượng đào tạo và nâng tầm hệ thống GDĐH nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ