Đổi mới GD đại học - quan điểm và giải pháp

Đổi mới GD đại học - quan điểm và giải pháp
SV ĐH Dược trong phòng thực hành
SV ĐH Dược trong phòng thực hành

1- Quan điểm chung

Thủ tướng đã chỉ rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thực thi quản lý nhà nước bao gồm: tham mưu cho Chính phủ (mục 6), lập kế hoạch (mục 2, 5 và 8), định chế (mục 3, 4, 10 và 11), hướng dẫn, kiểm tra, giám sát (mục 7 và 12) và đánh giá (mục 9). Thủ tướng cũng đã khẳng định vai trò và trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương, khẳng định cần tạo cơ chế và động lực trong quản lý nhà nước và quản lý của các cơ sở đào tạo.

Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rất cụ thể từng công việc phải làm, cán bộ, đơn vị phụ trách và thời hạn thực hiện ở cấp Bộ; cũng đã chỉ ra những công việc cần thiết các trường phải thực hiện. Trong một số nội dung chủ yếu, Chương trình hành động cũng quy định rõ hình thức xử phạt nếu các trường chậm trễ trong việc thực hiện.

Chương trình hành động của Bộ GD-ĐT đã thể hiện được một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý cấp nhà nước. Hiệu quả của Chương trình không thể đánh giá ngày một ngày hai được nhưng tính công khai, minh bạch và sự kiên quyết trong kế hoạch tổ chức thực hiện đã hứa hẹn những thay đổi quan trọng.

Thực tiễn phát triển đa dạng và phong phú của giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian qua cho thấy hệ thống giáo dục đại học luôn luôn chịu những tác động nhiều chiều từ xã hội, từ hội nhập quốc tế và đặc biệt là từ sự xâm nhập ngày càng tăng của cơ chế thị trường. Sẽ rất không thực tế nếu tách giáo dục đại học khỏi cơ chế thị trường bởi vì giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho thị trường lao động và thị trường khoa học - công nghệ. Lao động có trình độ cao và khoa học công nghệ tiên tiến là bí quyết cất cánh của mọi nền kinh tế.

Ngày nay, trên thế giới, Nhà nước đứng ra trợ giúp xu thế đổi mới giáo dục đại học định hướng nhu cầu của thị trường với ba phương thức chủ yếu: bãi bỏ định chế (de-regulation), tư nhân hoá (privatization) và chống độc quyền (de-monopolization). Điều đó phản ánh tư tưởng "nhà nước nhỏ nhưng hiệu quả". Sự tương tác lẫn nhau giữa Nhà nước với giáo dục đại học cũng chuyển từ kiểu Nhà nước định chế sang kiểu Nhà nước giám sát (state supervising model). Điều đáng chú ý là, đại học tuy đã được trao quyền tự chủ khá lớn từ tay Nhà nước, nhưng cơ chế thị trường lại trở thành sự trói buộc mới mà giáo dục đại học khó có thể thoát ra về các mặt như kinh phí, học phí, quản lý, nhân sự và đánh giá… và đều đã nảy sinh những ảnh hưởng sâu rộng.

Thực tiễn phát triển giáo dục thế giới cho thấy, cải cách giáo dục đại học định hướng thị trường không hề đòi hỏi chính phủ hoàn toàn rút lui mà là chính phủ xuất phát từ nhu cầu của thị trường để dẫn dắt sự vận hành của giáo dục đại học. Một mặt, đối với chính phủ mà nói, điều tiết và quản lý các trường đại học là trách nhiệm không thể chối bỏ; mặt khác, thị trường là rất không ổn định và hỗn loạn, trường đại học cũng cần tới sự điều hành nắm bắt có hiệu quả của chính phủ, chẳng hạn, trên phương diện tổ chức đào tạo một số ngành nghề, về sự mở rộng các nghiên cứu cơ bản, sử dụng hệ thống "đánh giá chất lượng"... Ngoài ra, khi thị trường chưa chín muồi, có rất nhiều yếu tố, kể cả hành vi do con người gây ra sẽ tạo nên sự dao động của thị trường, quá trình cải cách giáo dục đại học định hướng nhu cầu thị trường, vì thế, cần có một trật tự pháp chế để được bảo vệ. Những khiếm khuyết của thị trường dễ dẫn đến sự bất cập và lãng phí trong đầu tư giáo dục, và sự can thiệp của Chính phủ là có tính hợp lý của nó. Khi phân tích về thị trường chi phối giáo dục đại học Hoa Kỳ, có học giả đã viết: “nhưng trong giai đoạn sớm, giai đoạn định hình của cạnh tranh thị trường ở nhiều quốc gia thì dường như là để thị trường chi phối giáo dục đại học sẽ là một sự lựa chọn đặc biệt ngây thơ đối với các nhà hoạch định chính sách”.

Đối chiếu với sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam dễ dàng nhận thấy rằng chúng ta đang dần dần bị lôi cuốn theo sự vận hành của quá trình này. Chúng ta đang mở rộng khu vực tư nhân trong giáo dục đại học bằng cách chia sẻ chi phí giữa nhà nước và người học, mở thêm các trường tư và chuyển các trường dân lập thành tư thục. Chúng ta cũng dần dần tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa các trường trong khu vực công và tư, giữa các trường công với nhau, giữa các trường tư với nhau và giữa các trường của Việt Nam với các trường nước ngoài. Luật Giáo dục cũng đã khẳng định sự bình đẳng giữa trường công và trường tư. Sự khác biệt chỉ là ở nguồn vốn đầu tư. Xu thế chống độc quyền trong giáo dục đại học Việt Nam vì thế đã rất rõ ràng.

Chính phủ cũng đã nhấn mạnh trong nhiều văn bản chính thức về việc trao quyền tự chủ cho các trường, nhấn mạnh tính tự chủ phải đi kèm với tự chịu trách nhiệm trước xã hội (trách nhiệm về tinh thần, pháp lý và trách nhiệm giải trình). Việc trao quyền tự chủ cho các trường tức là giảm thiểu sự can thiệp của Chính phủ về các mặt tài chính, nhân sự, chương trình giảng dạy đối với đại học, đem quyền đưa ra những quyết sách giao cho trường học; đồng thời với tăng cường quản lý vĩ mô, kiên quyết thực hiện nới lỏng, giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm bớt xin-cho. Cân bằng cung cầu trong giáo dục đang được điều tiết bởi cả Chính phủ và thị trường. Quy định về mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đại học-cao đẳng là một sự đổi mới cần được ghi nhận, theo đó, việc mở ngành hoặc tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường chủ yếu dựa vào 3 yếu tố: chỉ tiêu phát triển của toàn hệ thống; năng lực tuyển sinh và đào tạo của nhà trường những năm trước đó và thực tế sự chuẩn bị về đội ngũ và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo của trường trong năm học tới. Mặt khác, chủ trương kiên quyết kiểm soát cho được chất lượng đào tạo của Chính phủ cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Phòng học vi tính
Phòng học vi tính

2- Và những kiến nghị cụ thể

Xuất phát từ quan điểm trên đây, tôi kiến nghị: thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bổ sung một mục trong chương trình hành động: Lãnh đạo Bộ và các đơn vị liên quan trong cơ quan Bộ rà soát tổng thể tất cả các công việc lâu nay do Bộ làm trực tiếp hoặc Bộ quyết định. Những công việc nào mà cán bộ ở cơ quan Bộ vẫn làm, những nội dung nào mà Bộ vẫn xét duyệt lâu nay, nếu đi ngược lại những nguyên tắc trên đây thì nên bãi bỏ như trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã loại bỏ một phần đáng kể các văn bản thủ tục hành chính các cấp. Đây cũng là một dịp Bộ rà soát lại cơ cấu tổ chức quản lý, tách các cơ quan tài trợ, các nhà quản lý khỏi những người cung cấp dịch vụ cũng như tách bạch các chức năng tư vấn, phân phối và quản lý ở tầm vĩ mô. Thứ hai: nên có một nghiên cứu so sánh về tính tự chủ của các trường nước ngoài và các trường của Việt Nam tại Việt Nam để có thể đề xuất một cơ chế tự chủ thoả đáng cho các trường của Việt Nam nhằm tạo điều kiện pháp lý để các trường Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng với các trường nước ngoài.

Quản lý bao gồm việc lập kế hoạch, tổ chức, phân bổ và huy động nguồn lực: nhân lực, tài chính và tự nhiên, chính sách tuyển dụng nhân viên, lãnh đạo, điều khiển và kiểm soát một tổ chức hoặc sự nỗ lực vì mục đích hoàn thành một mục tiêu nào đó. Một trong những hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam chính là nguồn lực tự nhiên thể hiện ở môi trường, cảnh quan và diện tích đất đai của các trường. Nhà trường có thể tuyển dụng nhân lực từ nhiều nguồn trong xã hội: sinh viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, có thể huy động vốn đầu tư từ xã hội, nhưng nguồn tự nhiên chỉ có thể trông chờ vào nhà nước. Không có đất đai rộng rãi thì không có trường lớp khang trang, giảng đường luôn chật chội, phòng thí nghiệm bé nhỏ, cơ sở thực hành hạn chế dẫn tới hạn chế năng lực nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Nhu cầu học tập ngày càng tăng, nhu cầu nhân lực trình độ cao ngày càng lớn thì quỹ đất dành cho các trường đại học cũng cần phải tăng theo cho phù hợp.

Vì vậy, tôi kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài Chính phối hợp với Bộ GD-ĐT trình Chính phủ một chương trình quốc gia dành quỹ đất cho các trường đại học công và tư. Chủ trương của Chính phủ giao đất sạch cho các trường tư thục được thể hiện trong Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30 /05/2008 là một chủ trương rất hợp thời và rất cần được hiện thực hoá. Thay vì phải bỏ rất nhiều công sức tiền bạc lo cho khâu đất đai xây dựng, các trường có thể tập trung đầu tư vào việc xây dựng các giảng đuờng khang trang, các phòng thí nghiệm, thực hành tiên tiến. Tác động cuả chính sách này đến chất lượng giáo dục đại học Việt Nam chắc chắn là không nhỏ.

Chất lượng là sự đáp ứng nhu cầu của người học. Nhìn ra thế giới, kiến thức nhân loại là chung, kỹ năng của nhân loại cũng là chung nhưng để học hỏi những kỹ năng, những kiến thức đó, không nước nào, không dân tộc nào có cách tổ chức giáo dục hoàn toàn giống nhau và có không ít những mô hình đã thành công. Điều thực sự đáng nói ở đây là nền giáo dục nào càng đa dạng, càng thiếu tính hệ thống, tính khuôn phép, tính nhất thể thì nền giáo dục ấy càng hiệu quả và hiệu quả nhất là nền giáo dục đại học Hoa Kỳ. 

Giáo dục cho mọi người luôn là mục tiêu hướng tới của các cải cách liên quan đến giáo dục. Bình đẳng về tiếp cận có vai trò quan trọng trong duy trì ổn định xã hội cũng như tăng cường đoàn kết dân tộc. Giáo dục nhằm phục vụ các mục đích phát triển kinh tế không có nghĩa là tạo ra những công dân cứng nhắc, rập khuôn theo các yêu cầu về khoa học kỹ thuật. Trong thời đại mới khi yếu tố con người càng ngày càng nắm vai trò chủ chốt quyết định thành công thì các nước cũng nhận thức rằng giáo dục phải nhằm tạo ra những con người toàn diện, phát triển mọi mặt và được tôn trọng.

Mặt khác, chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục cho số đông, chuyển từ nền giáo dục cho những người thích học sang cho những người đa phần buộc phải đi học, từ một tập thể người học tương đối đồng đều về chất lượng và năng lực sang một tập thể đa dạng cả về năng lực, trình độ và tâm nguyện là một sự biến đổi ghê gớm đối với hệ thống giáo dục và xã hội. Những thay đổi này khiến cho mô hình giáo dục tinh hoa và cả xã hội đều không thích ứng kịp.

Vì thế, tôi kiến nghị: hệ thống giáo dục đại học cần được cơ cấu lại sao cho học sinh, sinh viên không bị mối đe doạ thải loại mà thay vào đó là sự chuyển đổi từ nội dung đến hình thức và phương thức học tập thích hợp với năng lực, sao cho mỗi người đều cảm thấy mình “ngồi đúng chỗ”, cảm thấy việc học là có ích, là hứng thú và đều có thể “thành đạt”. Phân tầng chất lượng đào tạo để thiết kế hệ thống giáo dục đại học, để tập trung đầu tư của nhà nước là việc cần làm. Sẽ có các trường tinh hoa như là Đại học Tổng hợp trước đây, có các trường đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội và có các trường đáp ứng nhu cầu học tập của số đông. Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng tiêu chuẩn kiểm định chất lượng riêng cho từng tốp trường, bởi nếu không, chúng ta hoặc sẽ hạ thấp tiêu chuẩn các trường tốp trên hoặc làm nản lòng các trường tốp dưới. Rất nên phân biệt giữa tiêu chuẩn kiểm định (nhằm đảm bảo các trường thực hiện mục tiêu/nhiệm vụ chính trị một cách có chất lượng) và tiêu chuẩn xếp hạng (như những tiêu chuẩn của trường ĐH Jiao Tung Thượng Hải). Dĩ bất biến ứng vạn biến. Lấy mục tiêu tối thượng của giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước làm cái bất biến, nội dung, chương trình, phương thức, tổ chức hệ thống giáo dục là cái khả biến để có thể đáp ứng được nhu cầu nhân lực và học tập luôn biến động của xã hội và thị trường.

GS.TSKH. NGND. Đặng Ứng Vận

(Hiệu trưởng Trường Đại học Hoà Bình)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ