Tăng cường thực hành, một giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo |
Tại Hội thảo, các thầy cô giáo của Trường Cao đẳng công nghệ Viettronics và đại diện các học sinh, sinh viên đã tập trung thảo luận và đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề như: Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả trong nghiên cứu khoa học? Vì sao còn tồn tại việc tiêu cực trong thi cử, làm luận văn tốt nghiệp? Thực trạng về chất lượng đào tạo của nhà trường, những điểm mạnh, điểm yếu và nguyên nhân vì sao? Hiệu quả trong nghiên cứu khoa học? Sinh viên và giảng viên trẻ cần làm gì để tạo ra chất lượng đào tạo cao hơn phù hợp với nhu cầu thực tiễn?...
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những ưu điểm trong sản phẩm đào tạo của nhà trường, còn tồn tại một số bất cập về chương trình giảng dạy, phương giảng dạy... và đặt ra các yêu cầu về chất lượng đào tạo đối với nhà trường để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Từ các nguyên nhân chính ở trên, dẫn đến yêu cầu nhà trường phải nhanh chóng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng đòi hỏi của nhu cầu thực tiễn hiện nay.
Theo báo cáo của KS Lê Thanh Tâm – Cán bộ phòng đào tạo cho biết, quản lý đào tạo là một mặt công tác quan trọng trong tổ chức và hoạt động đào tạo. Kể từ ngày thành lập trường đến nay, phòng đào tạo đã tích cực và góp phần không nhỏ vào sự phát triển, bước đầu đã xác lập chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, đó chỉ là ban đầu của quá trình thành lập và xây dựng. Nhưng khi đã đi vào ổn định và phát triển theo chiều sâu như hiện nay, đòi hỏi phải xác lập được một cơ chế quản lý mới, khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý hoạt động trước đây.
Do vậy, để đổi mới quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo của trường hiện nay, cần thiết phải có sự tác động đồng bộ các yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo như: xác lập mô hình hệ thống quản lý đào tạo; hoàn thiện và xây dựng hệ thống các quy định về quản lý đào tạo; nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý chương trình đào tạo; đổi mới chức năng thi và quản lý thi; tăng cường công tác thanh tra đào tạo; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về công tác đào tạo... Chính từ thực tiễn đó phòng đã tổng kết, rút kinh nghiệm về những thành công và những khuyết điểm trong công tác quản lý đào tạo có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo hiện nay, từ đó điều chỉnh lại công tác quản lý cho phù hợp với tình hình...
Thực tế trường mình, ông Bùi Duy Cường - Hiệu trưởng Trường CĐ công nghệ Viettronics cũng thẳng thắn, đánh giá thực trạng về quản lý chất lượng đào tạo của trường hiện nay: Tuy mới được thành lập, nhưng đến nay trường đã có bước phát triển quy mô, đa dạng cả về ngành, nghề và hình thức đào tạo. Các quy định quản lý chất lượng ở cấp trường khá đầy đủ và chặt chẽ. Đội ngũ giảng viên ngày càng được phát triển và có chất lượng hơn, từ chỗ chỉ có 3% là thạc sĩ, tiến sĩ đến nay con số đó đã lên tới 35% (thạc sĩ, tiến sĩ và đang nghiên cứu sinh). Hệ thống chương trình, giáo trình đào tạo từng bước được cải tiến và đạt được những kết quả tích cực...
Qua gần 7 năm đào tạo, trường đã cung cấp trên 3000 học sinh, sinh viên cho các ngành CNTT, công nghệ điện tử, công nghệ tự động, các chuyên ngành kế toán, quản trị kinh doanh. Trường còn là đơn vị duy nhất ở vùng duyên hải Bắc bộ đào tạo chuyên ngành Quản trị thương mại điện tử bậc Cao đẳng góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong vùng và đất nước... Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng đào tạo của trường đang có chiều hướng giảm sút, bắt nguồn từ các vi phạm các quy định, quy luật chi phối trong hệ thống giáo dục, những bất cập của mô hình đó là việc tổ chức hoạt động của một trường công lập hạch toán phụ thuộc trong tổng công ty nên không phù hợp với Luật giáo dục và vi phạm với quy luật hoạt động của quản lý giáo dục...
Thiếu sót, khuyết điểm trong hệ thống của nhà trường biểu hiện ở những vấn đề như: Các quy định, quy trình, chế độ, nề nếp về giảng dạy, bảo đảm chất lượng đào tạo ở một số đơn vị, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc; chất lượng giảng viên chưa được đánh giá cụ thể thông qua chuẩn giảng viên; Ứng dụng CNTT, truyền thông vào giảng dạy và quản lý đào tạo ngày càng giảm sút, hạn chế; Hệ thống CSVC chưa được đầu tư kịp thời; Chọn lọc chất lượng đầu vào có xu hướng giảm dần...
Chính vì vậy để khắc phục những hạn chế đó, trong thời thời gian tới trường sẽ quán triệt triển khai đổi mới hệ thống các giải pháp đồng bộ cả về chất lượng đào tạo, để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, từng bước nâng cao chất lượng nhắm tới mục tiêu có lợi cho người học, người dạy, nhà trường và xã hội...
Ngoài ra, tại Hội thảo, nhiều giảng viên cũng đã đưa ra những bài học kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo như: nội dung chương trình đào tạo, quản lý đội ngũ cán bộ, giảng viên, thay cách dạy truyền thống (đọc – chép) bằng phương pháp hiện đại... để từ đó thúc đẩy người học tư duy, động não. Ngoài ra, có ý kiến cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cần xem xét mô hình hoạt động của trường để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cần quan tâm xây dựng chuẩn giảng viên để có “sàn” so sánh, phấn đấu vươn lên trong đội ngũ giảng viên...
Trung Toàn