Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Học không chỉ để biết mà để dùng ngoại ngữ
Chủ trương này không nhằm giới thiệu một mô hình mới nói chung cho tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo trên mọi vùng miền. Hay nói cách khác là không có mô hình đúng nhất, không có mô hình xuất sắc nhất mà chỉ có mô hình thích hợp nhất.
Đề án hướng tới việc giới thiệu những cách làm hay, kinh nghiệm tốt phù hợp với mục tiêu và điều kiện cụ thể và đặc thù cũng như các nguồn lực sẵn có của mỗi nhà trường.
Theo TS Vũ Thị Tú Anh – Phó Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, việc dạy và học Ngoại ngữ tại Việt Nam trong các cấp học với các đối tượng học khác nhau đang chuyển dần từ dạy học Ngoại ngữ như một môn khoa học sang dạy như một môn kỹ năng, từ sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống sang đường hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp với mục tiêu: Học ngoại ngữ không phải chỉ để hiểu, để biết ngoại ngữ mà học là để dùng ngoại ngữ.
Thực tế hiện nay cho thấy, học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập trong những điều kiện học tập khác nhau và đa số là trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Quan điểm của Đề án Ngoại ngữ 2020 là tìm để giới thiệu những mô hình dạy học và học ngoại ngữ thành công trong điều kiện thực tế của mình.
Chính vì vậy, Hội thảo tập huấn mô hình trường đại học, cao đẳng về đổi mới dạy và học Ngoại ngữ lần này nhằm chia sẻ kinh nghiệm cách làm hay, kinh nghiệm tốt trong đổi mới dạy học ngoại ngữ ở các trường đại học, cao đẳng. Tiến tới hình thành và kết nối mạng lưới rộng rãi các đơn vị có cách làm hay, kinh nghiệm tốt.
Đặc biệt là mạng lưới các hiệu trưởng, các trưởng phòng đào tạo, trưởng khoa ngoại ngữ cũng như đội ngũ chuyên gia của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 để cùng xây dựng một phong trào xã hội học tập ngoại ngữ.
Tiếng nói người trong cuộc
Cần xác định, học và sử dụng tiếng Anh là một bộ phận không thể tách rời của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và phải dựa vào nội lực của nhà trường là chính.
Chia sẻ kinh nghiệm của nhà trường trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, PGS.TS Phan Quang Thế - Hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên – cho biết: “Nhà trường luôn xác định mục tiêu đạt chuẩn tiếng Anh phải đi trước một bước. Việc dạy và học tiếng Anh phải kiên trì, không phải là một lần là xong và phải xóa bỏ mặc cảm giỏi tiếng Anh là không thể.
Ngoài ra, chúng tôi xác định lấy kết quả đầu ra làm tiêu chí đánh giá chính trong lựa chọn giảng viên giảng dạy tiếng Anh. Đảm bảo kỷ cương, nền nếp trong tổ chức dạy, học tiếng Anh và kiên quyết không thay đổi mục tiêu khi gặp khó khăn.
Còn theo TS Hà Lê Kim Anh –Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội): Chương trình đào tạo là một nội dung quan trọng trong các yếu tố đảm bảo chất lượng, một chương trình đào tạo tốt sẽ góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác giảng dạy.
Đặc biệt, đối với việc dạy và học ngoại ngữ, chúng ta càng cần những phải có một chương trình đào tạo có tính cập nhật cao, được xây dựng một cách khoa học và đáp ứng được nhu cầu xã hội.
“Tuy nhiên, chương trình đào tạo mới chỉ là cái vỏ bề ngoài. Để tạo nên sự thành công của một chương trình thì quan trọng hơn cả chính là nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy, các hoạt động dạy và học, các hình thức kiểm tra đánh giá, và quan trọng hơn nữa là đội ngũ giảng viên và đội ngũ phục vụ đào tạo để vận hành chương trình đó” - TS Hà Lê Kim Anh trao đổi.
Từ góc nhìn của một người đã có 35 năm tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Ngoại ngữ, TS Hà Văn Sinh – Giảng viên chính Khoa Ngoại ngữ (Trường Đại học Phú Yên) - chia sẻ: Đề án Ngoại ngữ 2020 ban hành Khung năng lực giáo viên tiếng Anh gồm 5 lĩnh vực: Kiến thức chuyên ngành; kiến thức sư phạm; sự hiểu biết về người học; thái độ và giá trị; cuối cùng là khả năng bồi dưỡng chuyên môn ngay trong môi trường giảng dạy.
Do đó, giáo viên ngoại ngữ không chỉ là người có khả năng sử dụng ngoại ngữ đang dạy mà còn phải có các kỹ năng giảng dạy hiệu quả thông qua quá trình đào tạo và được tiếp tục bồi dưỡng trong môi trường giảng dạy.
TS Hà Văn Sinh nhấn mạnh: Năng lực sư phạm của một giáo viên ngoại ngữ nói chung phải có đầy đủ các yếu tố sau: Khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt kết hợp với sự hiểu biết đầy đủ về ngôn ngữ và văn hóa của ngoại ngữ đang dạy; Khả năng giảng dạy ngoại ngữ hiệu quả bao gồm sự hiểu biết đầy đủ về người học, tạo được môi trường ngoại ngữ tích cực trên lớp và khả năng tự điều chỉnh để phát triển.
Cần có những giải pháp đồng bộ và then chốt
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo triển giải pháp xây dựng các đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học Ngoại ngữ để từ đó phổ biến, chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.
Đối với các trường đại học, cao đẳng khi triển khai áp dụng dạy và học theo Đề án 2020 thì khó khăn đầu tiên mà các trường gặp phải đó là đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên vẫn còn hạn chế về năng lực ngoại ngữ và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.
Mặt khác, chương trình của chúng ta trước đây được viết theo cách tiếp cận ngôn ngữ nhiều hơn là tiếp cận giao tiếp. Bên cạnh đó, trình độ của sinh viên không đồng đều nên việc tổ chức dạy học ngoại ngữ trong các trường đại học, cao đẳng cũng gặp khó khăn.
Cùng với đó là môi trường dạy học ngoại ngữ còn hạn chế, chúng ta còn thiếu môi trường để sinh viên học tập. Trong khi đó các trang thiết bị dạy học đã có phần lạc hậu, không đáp ứng với yêu cầu dạy và học như hiện nay.
Từ những khó khăn trên, Thứ trưởng đề nghị các trường đại học, cao đẳng cần quyết tâm thực hiện, khắc phục những khó khăn trước mắt để thực hiện thành công mục tiêu của Đề án.
Các trường cũng không nên quá lệ thuộc vào những thói quen cũ mà cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo và có những giải pháp đồng bộ và then chốt trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong rất nhiều yếu tố tác động đến chất lượng và sự thành công của việc dạy và học ngoại ngữ thì vai trò của lãnh đạo và quả lý được coi là yếu tố tiên quyết.
Thực tế cho thấy, ở những trường mà lãnh đạo quan tâm và quyết tâm xác định dùng ngoại ngữ như là một công cụ, một đòn bẩy để nâng cao năng lực cạnh tranh của từng thành viên và của cả trường thì việc dạy và học ngoại ngữ trên phạm vi toàn trường ở đấy co nhiều chuyển biến tích cực hơn.
TSVũ Thị Tú Anh