Đổi mới dạy học để HS yêu thích môn Lịch sử

GD&TĐ - Như một thông điệp lặp đi lặp lại, mỗi năm đến gần Kỳ thi THPT câu chuyện về môn học Lịch sử được rất ít học sinh lựa chọn làm môn thi, thậm chí có trường không một học sinh nào đăng ký thi, khiến cho dư luận được dịp “xới” lên cái gọi là “chất lượng dạy và học Lịch sử trong nhà trường”. Đây là vấn đề không mới nhưng lại gợi nhiều điều cần suy nghĩ về sự cần thiết trong việc đổi mới phương pháp dạy môn học này.

Đổi mới dạy học để HS yêu thích môn Lịch sử

Đúng là phải mạnh dạn nói rằng, so với các môn học khác trong nhà trường thì chất lượng môn Lịch sử những năm gần đây chiếm vị thế quá thấp so với hệ thống các môn học ở nhà trường phổ thông, mà một trong những nguyên nhân từng được các nhà sử học, nhà giáo nhận định chỉ ra nguyên nhân đó là việc giảng dạy môn Lịch sử vẫn đang còn lúng túng trong đổi mới dạy và học để tạo sự chuyển biến về chất lượng bằng những giải pháp cụ thể.

Để môn Lịch sử thực sự hấp dẫn đối với học sinh là phải có sự đổi mới căn bản và toàn diện bắt đầu từ chính chương trình sách giáo khoa môn học này. Cần có một triết lý phá bỏ thói quen của những người học theo lối thuộc lòng máy móc các sự kiện lịch sử, từ ngày tháng đến chi tiết diễn biến, mà ngay các nhà sử học nổi tiếng trên thế giới cũng không thể thuộc hết được. Tất nhiên đi cùng với đó, một điều quan trọng rất cần được thực hiện ngay lúc này là việc đổi mới phương pháp từ chính mỗi người dạy Sử. Dẫu biết rằng dạy Lịch sử cho hay, lôi cuốn được học sinh quả không dễ chút nào, nhưng không vì thế mà không làm được.

Thực chất đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử cũng giống như các môn học khác, đó là tạo ra một sự chuyển biến trong phong cách dạy và học của thầy và trò, phát huy tính tích cực, chủ động học tập của người học. Muốn học sinh học tích cực, trước hết, thầy phải dạy tích cực, tức là phải có sự đầu tư thích đáng cho từng tiết dạy bằng tri thức và tài liệu… Bác Hồ từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Trách nhiệm người thầy là giúp học sinh học đến đâu tường đến đó.

Trong mỗi bài học, người dạy cần xác định những kiến thức cơ bản để triển khai với nhiều phương thức khác nhau, không rập khuôn, đơn điệu. Và nhất là cần phải biết khơi mào cảm hứng giống như trong dạy Văn học để cho học sinh tự cảm nhận cái đúng, cái sai. Dạy Sử không chỉ bằng những con chữ khô khan trong sách giáo khoa mà nó còn là những chuyến đi thực tế tận thấy những mái đình cổ kính, những mảng rêu phong mang dấu tích thời gian…

Dạy Lịch sử càng không phải là cách đọc - chép vô hồn giữa thầy và trò, mà cần được tăng cường thêm sức lôi cuốn thông qua các phương tiện giải trí khác. Quan trọng hơn là mỗi bài giảng lịch sử phải giúp học sinh hiểu được ngày xưa cha ông ta xây dựng đất nước như thế nào để khơi dậy bản chất yêu nước của người dân Việt Nam trong lòng mỗi người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ