Trong hai năm trở lại đây, khi các trường phổ thông đã bắt đầu chú trọng đến xây dựng ma trận đề, thiết kế các câu hỏi theo hướng phát triển năng lực HS chứ không đơn thuần kiểm tra kiến thức trong sách.
Thành công với ma trận đề
Mới đây, hơn 10.000 HS khối 12 của TP Đà Nẵng rất hào hứng với câu hỏi 3 trong đề kiểm tra học kỳ I môn Lịch sử của Sở GD&ĐT. Theo đó, từ những dữ liệu cho sẵn, đề bài yêu cầu học sinh “nhận xét về những hành động của chính quyền thuộc địa Pháp và Chính phủ An Nam trong việc củng cố và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.
Cho dù đây là một câu hỏi không dễ để đạt được điểm tuyệt đối, nhưng theo như nhận xét của đa phần học sinh là truyền được cho các em cảm hứng khi làm bài vì có cơ hội nói lên được quan điểm, suy nghĩ của mình và không cần phải học thuộc. Theo thầy giáo Lê Văn Phan - GV Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền thì với câu hỏi này vừa giáo dục kiến thức về chủ quyền biển, đảo vừa phát huy được năng lực học sinh khi các em được trình bày những nhận xét, đánh giá thông tin qua các dữ liệu lịch sử. “Đây cũng là cách để học sinh hình thành kỹ năng tìm kiếm, sàng lọc thông tin và cả tinh thần phản biện” – thầy Phan nhấn mạnh.
Ra đề theo hướng mở đối với những môn thi theo hình thức tự luận không còn là điều quá mới mẻ ở nhiều trường phổ thông. Theo thầy Nguyễn Thành Lễ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng), trên cơ sở tham khảo, nghiên cứu đề minh họa của Bộ GD&ĐT cùng đề thi của các môn trong Kỳ thi THPT quốc gia, BGH nhà trường cùng các tổ chuyên môn nhà trường chủ trương hạn chế đến mức thấp nhất việc ra đề theo kiểu học thuộc.
Những môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý, bao giờ cũng có một câu theo dạng nghị luận xã hội để giáo dục kỹ năng, thái độ của HS thông qua việc cho các em phát biểu quan điểm, suy nghĩ của cá nhân.
“Hai năm trở lại đây, các tổ chuyên môn phải xây dựng được ma trận đề cố định để làm căn cứ thiết kế đề kiểm tra một tiết và kiểm tra học kỳ phải đảm bảo tính phân hóa, có các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, bao gồm cả vận dụng thấp và vận dụng cao. Tất nhiên là tùy theo mặt bằng chung của từng lớp học cụ thể, GV có thể điều chỉnh cho phù hợp, chẳng hạn như có thể có ít hoặc không có những câu hỏi ở mức vận dụng cao” – thầy Lễ cho biết.
Thầy Phan Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết, trong xây dựng ma trận đề, BGH nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn cần có những câu hỏi có tính ứng dụng thực tiễn và ứng dụng liên môn. “Từ thực tế đề thi của các môn trong Kỳ thi THPT quốc gia, chúng tôi thống nhất trong các tổ chuyên môn khi xây dựng hệ thống câu hỏi ôn tập trong các chương, bài, cần phải đảm bảo khoảng 40% câu hỏi nâng cao dành cho thí sinh xét tuyển CĐ, ĐH; mức độ khó cũng phải tăng dần lên để HS thích ứng”.
Dạy học phân hóa và bám sát đối tượng
Cả thầy Nguyễn Thành Lễ và thầy Phan Hùng đều có chung nhận xét rằng, việc đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá đã buộc các GV phải thay đổi phương pháp dạy học. “Vai trò của tổ chuyên môn rất quan trọng.
Đầu năm học, các tổ chuyên môn đầu tư xây dựng tài liệu dùng chung, thống nhất form chung về phương pháp giảng dạy, phần nào tích hợp, phần nào vận dụng… tất nhiên là tùy theo điều kiện cụ thể của từng lớp học, có thể điều chỉnh cho phù hợp” – thầy Hùng cho biết. Không chỉ tăng thời lượng đầu tư cho một tiết dạy để đạt mục tiêu phát triển kỹ năng cho người học, theo như nhận xét của thầy Lễ, việc chấm bài theo hướng này của GV cũng đòi hỏi phải tỉ mỉ để đánh giá chính xác năng lực của HS.
Cho đến thời điểm này, hầu hết các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng đều đã tăng cường ôn tập cho HS khối 12 để nâng cao chất lượng Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Đối với những trường có đầu vào thấp như Trường THPT Nguyễn Hiền, THPT Tôn Thất Tùng, BGH nhà trường đều sắp xếp lớp ôn tập với phương châm dạy học phân hóa và bám sát đối tượng.
Ngay từ đầu năm học 2015 - 2016, Trường THPT Nguyễn Hiền đã tổ chức khảo sát chất lượng đầu năm để phân lớp phụ đạo theo 3 mức độ cho 3 môn học Toán, Ngữ văn và Anh văn. “Danh sách của các lớp học phụ đạo sẽ không ổn định mà cứ sau mỗi đợt học khoảng 1,5 tháng, nhà trường tổ chức kiểm tra đánh giá để điều chỉnh lại” - cô Lê Thị Tuyết Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Mục tiêu của nhà trường là không có học sinh nào rớt tốt nghiệp do “dính điểm liệt” như năm vừa rồi. Với việc đổi mới cách thức tổ chức ôn tập phù hợp với năng lực tiếp nhận của HS, các lớp phụ đạo vì vậy rất nề nếp, không có hiện tượng HS cúp cua, trốn tiết. Và theo như nhận xét của BGH qua hơn một học kỳ tổ chức, đã có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng dạy - học so với việc tổ chức phụ đạo đại trà như trước đây.
Trường THPT Tôn Thất Tùng cũng chọn hình thức tổ chức lớp phụ đạo theo dựa trên nguyện vọng kết hợp với kết quả phân tích năng lực học tập của HS. Theo như cô Trần Thị Kim Vân - Hiệu trưởng nhà trường thì: “Đối với những HS ở mức độ trung bình - yếu, nhà trường tập trung hướng đến mục tiêu phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức sao cho các em có thể đạt đến mức trung bình; đối với những HS yếu, chúng tôi ưu tiên mục tiêu các em không bị điểm liệt khi đi thi. BGH sẽ bố trí những GV có kinh nghiệm để giảng dạy các tiết ôn tập. GV sẽ cùng với tổ chuyên môn phân tích những kiến thức nào thường hay xuất hiện trong các đề thi để dành nhiều thời gian cho HS luyện tập”.