(GD&TĐ)- Không thể không đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính đối với giáo dục ĐH; cần thiết phải giải quyết dứt điểm bài toán về chia sẻ chi phí trong tài chính trong giáo dục ĐH vì ngân sách nhà nước không thể bao cấp toàn bộ giáo dục ĐH cho mọi đối tượng. Đây là kết luận của TS. Vũ Trường Giang - nhóm tư vấn chính sách và nhóm nghiên cứu vụ HCSN – Bộ Tài chính khi thực hiện nghiên cứu về tình hình thực hiện chính sách tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ đối với một số cơ sở giáo dục ĐH công lập.
Hội thảo ”Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học công lập. Ảnh: gdtd.vn |
Kết luận này được đưa ra tại hội thảo ”Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học công lập” do bộ Tài chính phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP tổ chức hôm nay (29/11) tại Hà Nội. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cùng đại diện một số tổ chức quốc tế, đại diện các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đại diện các Bộ ngành và cán bộ quản lý các trường ĐH công lập.
Còn nhiều vướng mắc
Theo TS. Vũ Trường Giang, tổng chi cho giáo dục đại học 4 năm qua là một trong những nhóm chi tăng cao nhất trong các nhóm chi ngân sách nhà nước. Tổng cộng số tiền ngân sách nhà nước chi cho các trường năm 2011 là 1.246 tỷ đồng. Số tiền các trường tự thu từ học phí và tiền chuyển giao công nghệ khoảng 2.760 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các trường đang trong cảnh thu không đủ bù chi do mức học phí quá thấp so với chi phí đào tạo thực tế, nhất là học phí đào tạo sau đại học. Trần học phí bị khống chế, chỉ tiêu tuyển sinh cũng bị giới hạn nên các trường không thể tăng thu thêm.
Theo phản ánh của một số trường ĐH đã thực hiện tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động thường xuyên như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP.HCM, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa được quy định và trao quyền một cách đầy đủ theo quy định của pháp luật nên các trường chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động, hiệu quả và hiệu lực quản lý không cao. Cụ thể, chưa có cơ chế cho phép các trường tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên được chủ động xây dựng mức thu học phí để đảm bảo thu đủ bù chi, từ đó dẫn đến tình trạng không bình đẳng giữa các trường thực hiện tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động với các trường công lập khác vẫn được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên hàng năm.
Một trong những băn khoăn lớn khác của các trường là mặc dù đã nỗ lực tự tạo nguồn thu nhưng lại không được tự chi các khoản thu đó.
Giáo sư Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương cho biết, từ năm 2005, trường Đại học Ngoại thương là một trong 5 trường được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ thí điểm thực hiện tự chủ tài chính và bị cắt giảm kinh phí chi thường xuyên.
Sau ba năm, từ 2005 đến 2007, Nhà nước đã cắt giảm dần ngân sách cấp cho chi thường xuyên. Đến năm 2008, Bộ GD&ĐT đã ra văn bản về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, trong đó nêu rõ Đại học Ngoại thương thuộc loại đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, Nhà nước sẽ không cấp ngân sách chi thường xuyên nữa.
Theo Giáo sư Châu, vấn đề tự chủ toàn phần tại Đại học Ngoại thương thực chất là tự lo liệu chi phí chi thường xuyên, trường không được hưởng một quyền hạn, cơ chế gì hơn so với trường đại học khác ngoại trừ việc có thể tự xây dựng một số định mức chi cao hơn mức quy định nhà nước như chi lương đến 2,5 lần lương cơ bản.
Để tạo nguồn thu, Đại học Ngoại thương đã phải triệt để tiết kiệm, đa dạng hóa loại hình đào tạo, huy động các nguồn tài trợ… Tuy nhiên, dù đã nỗ lực tự tạo nguồn thu, nhưng trường lại không được tự chi các khoản thu đó.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cũng cho rằng, bên cạnh những thành quả tích cực mang lại thì cơ chế tài chính hiện nay đối với GD ĐH cũng cần tiếp tục được hoàn thiện và đổi mới cho phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của nền kinh tế xã hội cũng như yêu cầu trong đào tạo nguồn nhân lực.
Giải pháp tài chính nào cho GD đại học công?
Hàng loạt các đề xuất, kiến nghị đã được đại diện các trường ĐH đưa ra, trong đó các trường cùng đồng quan điểm muốn được phân cấp quyền tự chủ một cách đầy đủ hơn, nhất là tự quyết trong tuyển sinh, thu học phí.
“Phải cho một cơ chế khoán, khoán chi, khoán thu” - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân Nguyễn Văn Nam kiến nghị. Còn theo Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phùng Xuân Nhạ việc quan trọng nhất hiện nay là cách làm. Thứ nhất là phải phân tầng, phân nhóm, từng tầng, nhóm phải được thể hiện qua đề án, phải có cách tiếp cận, tránh chung chung. Tiếp theo, cần phải có lộ trình, không nên làm đại trà mà nên thực hiện thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm rồi nhân rộng.
Đại diện Bộ Tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang, Vụ Hành chính sự nghiệp, cho rằng, để tháo gỡ bài toán tài chính ở các trường, trước hết phải tính đúng, tính đủ vào học phí. Theo ông Giang, với giáo dục đại học, đây là việc làm cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc tính đủ này có thể theo lộ trình, tăng từng bước để phù hợp và nhận được sự đồng thuận của xã hội.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu tại hội thảo. Ảnh: gdtd.vn |
Các đề xuất, kiến nghị được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tổng kết. Theo đó, cần tính toán suất đầu tư cho sinh viên ở mỗi ngành nghề khác nhau, làm cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo; đầu tư nhà nước nên tập trung, không nên manh mún, đầu tư theo kiểu cào bằng; cần hoàn thiện cơ chế tài chính, tự chủ về định mức chi cần đi kèm cơ chế thu; đề nghị điều chỉnh mức thu học phí theo tình hình thực tiễn; nhà nước cần có chính sách thu hút sinh viên vào các ngành xã hội có nhu cầu lớn nhưng không thu hút được sinh viên, đồng thời có chính sách hỗ trợ sinh viên vùng sâu vùng xa để tạo công bằng xã hội trong học tập; có chế độ lương, phụ cấp phù hợp, nhằm giữ chân cán bộ giỏi, đẩy mạnh NCKH; cần xác định chỉ tiêu chất lượng cao phù hợp với mức thu học phí; phải xây dựng cơ chế cấp phát ngân sách cho cơ sở giáo dục ĐH công lập cho phù hợp, đồng thời phải xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn trong việc cung cấp kinh phí. Đặc biệt, trong NCKH cần thay đổi mạnh mẽ về cơ chế tài chính, trong đó quan trọng là việc thanh quyết toán đề tài.
Tiếp thu các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh khẳng định Bộ sẽ tiếp thu để có đổi mới phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Hiếu Nguyễn