Đổi mới chương trình, SGK phổ thông: Quyết tâm thực hiện với lộ trình, giải pháp thích hợp

GD&TĐ - Ngày 28/8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Những vấn đề lớn được tập trung thảo luận,  như: Đa dạng hóa SGK và tài liệu dạy học; các điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình, SGK phổ thông mới sau năm 2015…

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa xác định rõ định hướng đổi mới

GS.VS.TSKH Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội - cho biết: Hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 giúp củng cố và hoàn chỉnh các luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác thẩm tra của Ủy ban đối với dự thảo Nghị quyết mới của Quốc hội về vấn đề này thay cho Nghị quyết 40/2000/QH.

PGS. TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VNGDTTN của Quốc hội - đánh giá: Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và SGK hiện hành đã đề cập đến những vấn đề cơ bản như mục tiêu, yêu cầu, nội dung giáo dục, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng, thực hiện một chương trình và nhiều bộ SGK… theo quan điểm tiếp cận phát triển phẩm chất và năng lực.

Một số vấn đề cụ thể đã được giải quyết triệt để hơn: Thực hiện tích hợp mạnh ở bậc tiểu học và THCS, phân hóa sâu ở 2 năm cuối cấp THPT theo phương án tự chọn, tạo điều kiện phát huy năng lực cá nhân, định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị tốt cho HS ở bậc đại học. Xây dựng chương trình mới đã bổ sung quy định chuẩn đầu ra của chương trình, tạo cơ sở cho việc đổi mới trong đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng toàn diện hơn. Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục cũng đã được đề cập trong Đề án đổi mới lần này.

“Nhìn chung Đề án đổi mới chương trình và SGK đã được trình bày một cách hệ thống, xác định rõ được những nội dung và định hướng đổi mới” – PGS.TSTâm Đan nhấn mạnh.

Theo GS.TS Hoàng Văn Vân - ĐHQGHN,  phần mục tiêu tổng thể được Dự thảo Đề án trình bày rõ ràng. Phần phạm vi đề án cũng được trình bày khá tường minh nêu rõ 2 nhiệm vụ chính phải thực hiện: 1. Tổng kết đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình theo NQ 40, rút ra những bài học kinh nghiệm, chỉ ra những hạn chế so với yêu cầu; 2. Biên soạn, thẩm định, ban hành chương trình mới, biên soạn SGK mới.

Cũng theo GS Hoàng Văn Vân, Dự thảo Đề án dành riêng một mục trình bày những bất cập của chương trình và SGK hiện hành so với những yêu cầu của NQ29 – đây có lẽ là cơ sở pháp lí mấu chốt để thực hiện đổi mới chương trình và SGK ở phổ thông. Đặc biệt Dự thảo Đề án chứa đựng nhiều nội dung mới. Những nội dung trình bày trong Dự thảo Đề án thể hiện một bức tranh tương đối đầy đủ về những nhiệm vụ Đề án dự định thực hiện.

Nhiều ý kiến đồng thuận nhiều bộ SGK

GS. TS Nguyễn Minh Thuyết phân tích: Việc huy động lực lượng xã hội tham gia biên soạn để có nhiều bộ SGK phổ thông sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng sách có lợi cho người học và người dạy. 

Để hạn chế sai sót, nhất là trong SGK các môn học khoa học xã hội như Ngữ văn , Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân – GS Nguyễn Minh Thuyết gợi ý Hàn Quốc không để tư nhân biên soạn SGK các môn học này cũng như SGK tiểu học.

Chung quan điểm, GS TS Hoàng Văn Vân đánh giá chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK nêu trong Dự thảo Đề án là chủ trương phù hợp, đề nghị Bộ GD&ĐT công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông cho các tổ chức, cá nhân và những ai quan tâm biết để tham gia. 

GS Nguyễn Thám đề nghị mời các chuyên gia, các nhà giáo dục, nhà quản lí, giáo viên giỏi ở các bậc học, giảng viên ở các trường sư phạm, nhất là huy động các giảng viên học ở nước ngoài chuyên về phát triển chương trình tập trung trong một thời gian dài để thiết kế chương trình sau đó góp ý thẩm định, dịch sang tiếng Anh và mời chuyên gia nước ngoài góp ý.

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến đề nghị nói rõ thêm “khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác, nhất là SGK cho khu vực nông thôn, các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số”.

Tiếp tục tiếp thu, chỉnh lí

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia và trao đổi ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việc đổi mới chương trình, SGK là yêu cầu tất yếu vì chương trình cũ có 2 bất cập: Một là còn nhiều hạn chế; Hai là không đáp ứng yêu cầu mới.

Ngay cả Đề án sau khi thông qua có thể phát huy hiệu quả cao nhưng sau một khoảng thời gian có thể lại có những hạn chế không đáp ứng được xã hội phát triển lúc đó. 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: Lường trước được có nhiều khó khăn thách thức trong việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nhưng phải tìm cách vượt qua với một lộ trình giải pháp thích hợp. Có những việc buộc phải làm ví dụ như tích hợp kiến thức. Lí do là một lĩnh vực kiến thức liên quan đến những lĩnh vực khác. Tích hợp ở mức cao là đạt được chủ đề liên môn.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh còn nhiều công việc quan trọng phải triển khai để có thể thực hiện được Đề án. Ví dụ sau quá trình viết SGK, với môn học tích hợp sẽ có 3, 4 giáo viên cùng dạy một môn. Như vậy sẽ phải thay đổi cách dạy cách học trong nhà trường…

Hoan nghênh ý kiến đóng góp nhiệt tình và tâm huyết của đông đảo chuyên gia tại Hội nghị tham vấn, GS Đào Trọng Thi đồng tình thống nhất một chương trình nhiều bộ SGK. 

Tuy nhiên, theo GS Đào Trọng Thi, Bộ GD&ĐT phải chủ động biên soạn một bộ SGK; cụ thể: Bộ không nhất thiết phải biên soạn mà có thể giao cho một đơn vị (NXB, trường…) nhưng chịu trách nhiệm về việc này.

GS Đào Trọng Thi đề nghị làm rõ câu hỏi “Ai có quyền quyết định lựa chọn SGK? Thầy giáo hay nhà trường...?”. Đào tạo lại đội ngũ giáo viên là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Bộ GD&ĐT phải chỉ đạo các trường sư phạm chuẩn bị kiến thức đáp ứng đổi mới chương trình cho những giáo sinh còn đang ngồi trên ghế giảng đường cùng hàng vạn giáo viên đang công tác…

GS Đào Trọng Thi ghi nhận những ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị chuẩn bị cho Dự thảo báo cáo thẩm tra, tiếp tục trình Quốc hội thảo luận, sau đó tiếp thu giải trình rồi mới đi tới chỉnh lí Dự thảo Nghị quyết trước khi được Quốc hội thông qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ