Đổi mới - Chìa khóa thành công

Đổi mới - Chìa khóa thành công

(GD&TĐ) - Đổi mới phương pháp dạy học (PPDH), kiểm tra đánh giá (KTĐG) kết quả học tập của người học là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay. Có thể coi đây như khâu thúc đẩy, chìa khóa góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng GDTX. Tuy nhiên trong thực tế khâu quan trọng này vẫn còn nhiều bất cập. 

Chưa theo kịp yêu cầu thực tế

Theo nhận định chung của các nhà giáo dục thì việc đổi mới PPDH và KTĐG trong Trung tâm GDTX đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn thể hiện nhiều hạn chế đòi hỏi cần sớm khắc phục.

Có thể thấy, tại nhiều trung tâm GDTX, PPDH chủ yếu vẫn khá truyền thống, tình trạng đọc chép vẫn diễn ra phổ biến. Việc dạy học chủ yếu tập trung vào dạy và truyền thụ kiến thức, song chưa chú ý tới việc phát huy tính tích cực, chủ động của người học, chưa coi trọng cho người học tự hoạt động và khám phá kiến thức. Chưa tạo điều kiện cho người học trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau. Người học cũng chưa được hướng dẫn phương pháp tự học. 

Việc dạy học ở các trung tâm GDTX hiện nay cũng chưa quan tâm đúng mức tới vốn kinh nghiệm, hiểu biết đã có của người học để phát huy hoặc giúp họ khắc phục những sai lầm, hạn chế trong kinh nghiệm hay và sự hiểu biết sẵn có của mình. 

Mặc khác, đối với phương pháp dạy học chưa được rộng khắp và mạnh mẽ. Cách dạy học chưa hấp dẫn, khêu gợi được hứng thú học tập cho người học, chưa thực sự phát huy được hiệu quả dạy học. Sự chậm trễ và lạc hậu về PPDH người lớn đã và đang là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng dạy học giáo dục thường xuyên hiện nay, ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu đào tạo “Người lao động tự chủ, năng động sáng tạo, có năng lực tự học, học thường xuyên, học suốt đời để thích ứng với thay đổi nhanh chóng trong cuộc sống và sản xuất”. 

Đối với việc kiểm tra đánh giá, hiện vẫn nặng về yêu cầu học viên thuộc lòng, nhớ máy móc. Ít yêu cầu ở mức độ cao hơn như hiểu, vận dụng kiến thức, rèn luyện kĩ năng và giáo dục tình cảm, thái độ. Trong quá trình dạy học, đa số giáo viên chưa thể hiện được vai trò tổ chức, hướng dẫn của mình, chưa phát  huy vai trò chủ động, tích cực học tập của học viên. 

Nhìn chung, việc thực hiện chủ trương đổi mới kiểm tra đánh giá ở các trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay còn chậm chạp. Các câu hỏi, bài kiểm tra được xây dựng và sử dụng như trên không phát huy được tính tích cực rèn luyện và hứng thú học tập, không thu được những thông tin liên hệ ngược về hoạt động nhận thức của học viên trong quá trình học tập nhằm điều chỉnh hoạt động dạy học…

Đổi mới trong PPDH giúp học viên tự chủ, năng động sáng tạo. Ảnh: Văn Lê
Đổi mới trong PPDH giúp học viên tự chủ, năng động sáng tạo. Ảnh: Văn Lê

Chậm tiến vì đâu?

Quá trình chậm đổi mới PPDH và KTĐG trong GDTX xuất phát từ nhiều nguyên nhân. 

Dưới góc độ giáo viên cho thấy, đội ngũ giáo viên biên chế tại các tổ chuyên môn của trung tâm GDTX khá mỏng. Nhiều trung tâm GDTX chỉ có một GV/môn học hoặc không có giáo viên, điều kiện sinh hoạt, trao đổi chuyên môn để đổi mới PPDH và KTĐG gặp nhiều khó khăn. Giáo viên hợp đồng thỉnh giảng không gắn bó hoàn toàn với các trung tâm GDTX, việc suy nghĩ trăn trở để đổi mới PPDH phù hợp với đối tượng học viên đa dạng nên sự nhiệt tình và trách nhiệm đối với giờ giảng lên lớp không cao. Tình trạng giáo viên sự dụng PPDH truyền thống cũ vẫn phổ biến. 

Số giáo viên thường xuyên chủ động, sáng tạo trong việc phối hợp các PPDH cũng như sử dụng các PPDH phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học viên còn chưa nhiều. Việc giảng dạy theo lối thuyết giảng của giáo viên đã trở thành thói quen, ăn sâu vào lề lối làm việc của giáo viên và học viên nên trong thời gian ngắn chưa thể khắc phục…

Về phía học viên trong các trung tâm GDTX thường đa dạng về độ tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, vốn là những người đã bỏ học lâu ngày, trình độ nhận thức còn hạn chế, tâm lý chán học dẫn đến đa số học viên không thích học. Một số học viên khác vẫn quen lối học thụ động, không hứng thú với học tập gây khó khăn cho việc áp dụng PPDH phát huy tính tích cực, sáng tạo của học viên. Nhiều học viên chưa có động cơ học tập đúng đắn, nặng về lối học ứng phó, chưa tích cực chủ động trong học tập của mình… Đây là vấn đề thách thức đối với việc đổi mới PPDH, KTĐG.

Mặt khác, trong công tác quản lý chỉ đạo đổi mới PPDH, KTĐG từ các cơ quan quản lý giáo dục và giám đốc trung tâm GDTX còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Các cấp quản lý giáo dục chưa chú trọng đến đổi mới PPDH và KTĐG nên chưa có những biện pháp chỉ đạo kịp thời, đồng bộ việc đổi mới PPDH và KTĐG tại địa phương cũng như trung tâm GDTX. 

Ở một số nơi, việc đổi mới PPDH chưa đi liền với việc đổi mới KTĐG. Tình trạng áp dụng cách đánh giá cũ vẫn tồn tại trong khi đổi mới PPDH đã được triển khai thực hiện. Sự khập khiễng này đã làm giảm hiệu quả giáo dục và ý nghĩa của việc đổi mới PPDH và KTĐG…

Nâng chất cho GDTX: Bắt đầu từ nhà quản lý

Một trong các yếu tố làm cho việc đổi mới PPDH và KTĐG chưa đạt được hiệu quả là do công tác quản lý các cấp chưa được chú trọng nhiều. Để nâng chất cho GDTX mà cụ thể thông qua khâu đổi mới PPDH và KTĐG đòi hỏi phải tăng cường các giải pháp thiết thực, hiệu quả để nâng cao vai trò quản lý trong hoạt động đổi mới PPDH và KTĐG kết quả học tập của học viên. 

Quá trình đổi mới trung tâm GDTX cũng như đổi mới PPDH, KTĐG chịu sự tác động trực tiếp từ cách thức quản lý của giám đốc trung tâm GDTX và tổ chuyên môn. Ở nhiều nơi, các nhà quản lý của trung tâm GDTX còn thiếu những biện pháp cụ thể để các tác động và gắn kết người dạy với người học, chưa tạo được động lực của việc dạy học, chưa lựa chọn những nội dung đổi mới thiết thực và trọng tâm, chưa tổ chức và quản lý quá trình đổi mới PPDH, KTĐG một cách khoa học và hữu hiệu…

Để đổi mới PDHT, KTĐG trong các cấp học nói chung và trong GDTX nói riêng thì vấn đề quản lý đóng vai trò quan trọng. Sự phát triển và chất lượng hoạt động của các trung tâm GDTX cần bắt đầu từ sự đổi mới, sáng tạo của các giám đốc trung tâm GDTX. 

Lê Văn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ