Thời gian mở đầu tiết học rất quan trọng
Cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: Theo định hướng của Chương trình GDPT 2018, giáo viên không nhất thiết phải kiểm tra đầu giờ, kiểm tra bài cũ đối với học sinh. Vì thời gian mở đầu tiết học đóng vai trò rất quan trọng trong việc khơi gợi hứng thú học tập trong cả tiết đó.
“Bên cạnh ưu điểm giúp giáo viên đánh giá được việc học bài ở nhà của học sinh, kiểm tra đầu giờ thường mang cho học sinh cảm giác lo lắng, bất an khi bước vào giờ học.
Trường hợp học sinh quên kiến thức cũ, tiết học sẽ bắt đầu rất nặng nề, gây áp lực cho cả thầy và trò. Phần kiến thức mới sau đó có thể được truyền tải không hiệu quả nữa”, cô Nguyễn Thu Hằng chia sẻ.
Để vừa thực hiện được mục tiêu kiểm tra kiến thức cũ, vừa tạo hứng thú cho học sinh, theo cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên nên thực hiện các phương pháp dạy học tích cực; chẳng hạn như các trò chơi mở đầu bài học kết nối kiến thức đã học của tiết trước và đi vào bài mới.
Ngày nay, các phương pháp kiểm tra đánh giá rất đa dạng, giáo viên hoàn toàn có thể lồng ghép trước, trong và sau tiết học với phong phú hình thức như mở rộng, liên hệ, đánh giá qua kết quả làm việc nhóm hay câu trả lời trên lớp.
Việc này giúp giáo viên vẫn có thể đạt mục đích kiểm tra kiến thức cũ và ôn tập lại khi cần, vừa tránh cho học sinh cảm thấy áp lực với việc bị kiểm tra lấy điểm.
Giáo viên nên linh hoạt trong thiết kế hoạt động kiểm tra đánh giá toàn quá trình và các hình thức kiểm tra, không nên cố định dành một thời lượng đầu giờ khiến tiết học khô khan, cứng nhắc và không hiệu quả về tâm thế cho người học.
Ảnh minh họa/ITN. |
Không nhất thiết phải thực hiện đầu giờ
Cô Phan Ngọc Ánh, giáo viên Trường THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội) khẳng định kiểm tra bài cũ là khâu quan trọng để giáo viên có thể kiểm tra xem mức độ hiểu bài của học sinh. Đó sẽ là cơ sở để giáo viên định giá được mức độ và phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh cho đơn vị kiến thức tiếp theo.
Tuy nhiên, kiểm tra đầu giờ, giữa giờ hay cuối giờ không phải là vấn đề. Vấn đề là cách thức kiểm tra thế nào để vừa hệ thống lại được kiến thức cho học sinh vừa tạo hứng thú cho học sinh.
“Kiểm tra đầu giờ nếu theo hình thức cũ: gọi học sinh lên bảng để "khảo bài" đương nhiên gây áp lực cho học sinh. Cách này lâu nay ít người dùng vì quá cũ kỹ. Nếu dùng cứng nhắc cách này thì dù kiểm tra đầu giờ, giữa giờ hay cuối giờ đều khiến học sinh áp lực. Không ai thấy thoải mái khi bị "khảo bài" cứng nhắc như vậy cả”, cô Phan Ngọc Ánh cho hay.
Với kinh nghiệm của mình, cô Phan Ngọc Ánh cho rằng, kiểm tra đầu giờ nếu coi như một khâu khởi động cho bài học mới với nhiều hình thức phong phú sinh động (như tổ chức trò chơi, trả lời câu hỏi nhanh, dựng hoạt cảnh…) thì học sinh vừa hứng thú, vừa chủ động phát triển nhiều kỹ năng. Với cách này, giáo viên vừa kiểm tra được mức độ hiểu bài, sự chuẩn bị bài của học trò lại vừa khơi gợi hứng thú từ học trò cho tiết học mới.
Việc kiểm tra không nhất thiết thực hiện đầu giờ mà có thể thực hiện với bất cứ đơn vị kiến thức nào trong giờ học; hoặc dùng để củng cố lại nội dung bài học ở cuối tiết học. Cách thức linh hoạt, sinh động, sáng tạo thì học sinh sẽ hứng thú. Cách thức tổ chức của giáo viên càng sáng tạo thì càng có ích lợi cho học sinh.
Bởi vậy, ta không nên đặt câu hỏi: kiểm tra đầu giờ có cần thiết không? Mà ta nên đặt câu hỏi: cần có những cách thức kiểm tra nào phù hợp và hiệu quả với từng đối tượng học sinh. Kết quả đầu ra của kiến thức và kỹ năng luôn được đánh giá bằng khâu "kiểm tra - đánh giá" bởi vậy đổi mới khâu "kiểm tra - đánh giá" là yêu cầu quan trọng với mỗi giáo viên.