Trong quá trình tìm kiếm tư liệu cho bài về 3 thanh niên bắt sống giặc lái Mỹ trên cánh đồng xã Thanh Tiên (Thanh Chương, Nghệ An) ngót nửa thế kỷ trước, chúng tôi được các cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 cung cấp thông tin về 1 số kỷ vật. Đó là những kỷ vật mà viên phi công Walter Eugence Wilber đã trao tặng lại bảo tàng. Những kỷ vật ông có được trong những năm tháng bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò, đã theo ông về nước Mỹ xa xôi. Gần 1 nửa thế kỷ sau, cách nửa vòng trái đất, những kỷ vật ấy đã trở lại Việt Nam trong sự tha thứ và thấu hiểu giữa những người đã từng ở hai phía chiến tuyến.
Trở lại câu chuyện về Walter Eugence Wilber. Ngày 16/6/1968, chiếc máy bay F4 thực hiện nhiệm vụ ném bom bắn phá miền Bắc bị lưới phòng không Việt Nam “hạ” trên bầu trời Đô Lương (Nghệ An). Walter Eugence Wilber nhảy dù ra khỏi chiếc máy bay và rơi xuống cánh đồng xã Thanh Tiên. Người đồng đội của ông - Bernard Francis Rupinsk tử nạn cùng chiếc máy bay. Walter Eugence Wilber bị 3 thanh niên bắt sống và giao cho Huyện đội Thanh Chương và sau đó được chuyển tới giam giữ tại Hỏa Lò (Hà Nội).
Không biết có phải vì đôi mắt của cậu bé 15 tuổi Bùi Bác Văn đã dùng đòn xóc đánh rơi chiếc bộ đàm khi ông đang cố gắng gọi cứu viện (thay vì đánh vào tay cầm súng?) đã có tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ của Walter Eugence Wilber hay không nhưng chính Walter Eugence Wilber, thời gian ở nhà tù Hỏa Lò đã có những hành động tích cực nhằm sớm chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa mà Mỹ đang thực hiện tại Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn của báo giới quốc tế đối với các tù nhân Mỹ đang bị giam giữ tại Hỏa Lò, Walter Eugence Wilber cho biết: “Việc rất nhiều tổ chức chống chiến tranh Việt Nam và hàng triệu công dân yêu chuộng hòa bình đang đấu tranh để kết thúc sớm cuộc chiến tranh này đã mang lại cho tôi niềm vui sướng vô cùng”.
Khi Hiệp định Pari ký kết, Walter Eugence Wilber được trao trả về nước Mỹ sau 4 năm 8 tháng bị giam giữ tại Hỏa Lò. Những kỷ vật trong thời gian bị giam giữ tại đây cũng được ông mang về Mỹ như để nhắc nhớ về một thời không thể nào quên trong cuộc đời mình.
Trước những lời đồn đoán về việc tù nhân Mỹ ở Việt Nam bị đánh đập, tra tấn, đối xử tàn nhẫn, trả lời phóng vấn trên Đài truyền hình Quốc gia Mỹ, Walter Eugence Wilber khẳng định: “Tôi không bị tra tấn mặc dù được đối xử không được thân thiện lắm. Tôi không hề bị đánh đập hay bị đối xử tàn nhẫn như những gì chúng tôi tưởng tượng trước đó”.
Walter Eugence Wilber cũng cho rằng cần “nhìn xa trông rộng hơn” về cuộc chiến tranh này và đặt câu hỏi tại sao nó lại kéo dài đến thế đồng thời nhận định cuộc chiến tranh này sẽ liên đới nhiều hơn tới 1 thế hệ người Mỹ.
Cuộc đối thoại của Walter Eugence Wilber trên sóng truyền hình quốc gia cùng với sự nỗ lực của nhiều người khác đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ của người dân Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam. Làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam tiếp tục dâng cao và đã có nhiều thành công.
Cũng như nhiều lính Mỹ khác đã từng tham chiến ở Việt Nam, cuộc chiến tranh Việt Nam đã gieo vào lòng Walter Eugence Wilber một vết sẹo lớn. Và suốt 47 năm qua, ông đã tìm cách liên lạc, tìm gặp người thiếu niên đã bắt giữ mình khi xưa. Đến khi gần đất xa trời, khát khao ấy lại càng cháy bỏng hơn bao giờ hết. Và người con trai của ông - Thomas Eugene Wilber đã thay cha sang Việt Nam, tìm về Nghệ An để bắt đầu hành trình ân nghĩa.
Phải đến lần thứ 2 Thomas sang Việt Nam, với sự giúp đỡ của 1 cô gái Nghệ An, một anh công an và Bảo tàng Quân khu 4, ước nguyện của cha ông mới được thực hiện. Một ngày đầu năm 2015, Thomas Eugene Wilber đã được gặp cậu thiếu niên bắt sống cha mình năm xưa – Bùi Bác Văn (hiện trú tại Tp Vinh, Nghệ An) rồi thông qua Bùi Bác Văn, ông được gặp Nguyễn Văn Thu (trú tại xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương). Tiếc rằng ông Nguyễn Văn Mợi (trú xã Thanh Tiên, Thanh Chương) đã mất trước đó ít lâu.
Sau cuộc gặp gỡ này, Thomas Eugene Wilber đã thực hiện ước nguyện của cha, tặng Bảo tàng Quân khu 4 một số kỷ vật mà ông đưa về từ nhà tù Hỏa Lò.
“Đó là một bộ quần áo mới Walter Eugence Wilber được cấp phát trong ngày đầu tiên bước chân vào nhà tù; một bộ quần áo cũ mặc phía trong có tên viết bằng bút xóa; một chiếc khăn cá nhân 100% bằng cotton, loại dùng để xuất khẩu. Điều đó chứng tỏ rằng Chính phủ Việt Nam không có sự phân biệt, đối xử hay đánh đập tàn nhẫn đối với các tù nhân Mỹ.
Còn 2 bao thuốc lá hiệu Tam Thanh và Điện Biên, ngày xưa chỉ có sỹ quan cao cấp mới có chính là món quà mà Chính phủ Việt Nam tặng các tù nhân vào ngày họ được thả tự do, 12/2/1973. Hai bao thuốc lá này vẫn con nguyên, được Walter Eugence Wilber cất giữ hết sức cẩn thận.
Ngoài ra còn có huy hiệu sỹ quan chỉ huy và phù hiệu mang tên Eugence Wilber là 1 phần trong bộ quân phục bay Walter Eugence Wilber sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Tất cả các kỷ vật này đang được Bảo tàng Quân khu 4 bảo quản và sẽ đưa ra trưng bày trong thời gian tới”, chị Phan Thị Nga – cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 cho biết.
Sự việc đã trải qua 48 năm, cuộc chiến tranh Việt Nam cũng kết thúc 41 năm trước nhưng ở phía bên kia chiến tuyến, có một người lính Mỹ không thôi nhớ về Việt Nam với những nỗi niềm day dứt. Để rồi sau gần nửa thế kỷ, ông ra đi thanh thản bên cạnh chiếc bình hoa – một bộ phận của chiếc máy bay F4 được cậu thiếu niên Việt Nam tặng lại cho ông. Và hoa vẫn nở, ngay trên những thứ đã từng làm nên loại vũ khí hủy diệt năm xưa – để xóa nhòa những hận thù, đau thương trong quá khứ.