'Đổi đời' nhờ khuyến học

GD&TĐ - Để xây dựng xã hội học tập, nhiều địa phương ở TP Cần Thơ quan tâm phát triển phong trào học tập từ gia đình và mỗi xóm, ấp.

Hội Khuyến học quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) khen thưởng học sinh có thành tích tiêu biểu nhân dịp Tuần lễ học tập suốt đời.
Hội Khuyến học quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) khen thưởng học sinh có thành tích tiêu biểu nhân dịp Tuần lễ học tập suốt đời.

Từ quy mô nhỏ, phong trào học tập lan tỏa rộng hơn và hiệu quả hơn.

Cộng đồng vun đắp phong trào học tập

Từ mỗi gia đình, việc xây dựng dòng họ, cộng đồng và đơn vị học tập ngày càng phát triển vững chắc ở TP Cần Thơ. Hệ thống Hội Khuyến học thành phố không ngừng phát triển, hiện đã có 6.401 tổ chức hội, 351.997 hội viên; thành phố có 247.840 gia đình đạt danh hiệu Gia đình học tập, 613 dòng họ đạt danh hiệu Dòng họ học tập… Các mô hình học tập này có tác động sâu sắc đến phong trào khuyến học, khuyến tài, nâng cao dân trí tại địa phương. Khi trình độ dân trí nâng cao, kinh tế gia đình theo đó phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố.

Quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) luôn phát triển mạnh mô hình học tập. Các cấp hội khuyến học ở quận đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đăng ký xây dựng mô hình Gia đình học tập và Dòng họ học tập.

Theo Hội Khuyến học quận, để đạt danh hiệu Gia đình học tập, các thành viên trong gia đình nỗ lực học tập và gìn giữ nếp nhà. Bên cạnh đó, mô hình Cộng đồng học tập cấp phường đã được tổ chức triển khai tại địa phương.

Hàng năm, quận đều tổ chức đoàn kiểm tra do Hội Khuyến học phối hợp Phòng GD&ĐT, các ngành liên quan để đánh giá việc thực hiện vào cuối năm. Từ khu vực đến phường và quận đều tổ chức khảo sát kiểm tra và bình xét. Đến thời điểm hiện tại, 100% phường ở quận Ninh Kiều đã đạt Cộng đồng học tập cấp xã, đa số gia đình được công nhận Gia đình học tập.

Tại Lễ phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022”, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Khuyến học khuyến tài TP Cần Thơ, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và các lực lượng xã hội thành phố tích cực tham gia học tập bằng mọi hình thức. Lan tỏa phong trào người người học tập, nhà nhà học tập, học tập suốt đời.

Bên cạnh đó, triển khai các chương trình học tập trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục xây dựng, thu thập và khai thác các nguồn tài nguyên giáo dục mở hữu ích; Ðồng thời phát động toàn thành phố hưởng ứng phong trào học tập thường xuyên, suốt đời “học để có nghề, có việc làm và làm việc hiệu quả”. Qua đó thúc đẩy xây dựng các mô hình học tập, phấn đấu xây dựng TP Cần Thơ trở thành “Thành phố học tập”.

Thời gian qua, các cấp Hội Khuyến học thành phố còn nỗ lực xây dựng các hoạt động gây quỹ khuyến học, khuyến tài bằng những phương thức vận động phù hợp, thu hút toàn xã hội tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực. Một số phong trào điển hình có thể kể như “Nuôi heo đất khuyến học” ở quận Ninh Kiều và Bình Thủy, “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) ở quận Ô Môn, vận động theo phương thức “1+1,1+n” ở huyện Phong Ðiền hay phong trào xây dựng “Thư viện điện tử” (hỗ trợ thiết bị cho học sinh học trực tuyến) đợt dịch Covid-19 ở hầu hết các Hội Khuyến học cơ sở...

Tại quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), sau 18 năm hoạt động, Hội Khuyến học quận đã xây dựng và phát triển Quỹ Khuyến học Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đóng góp trên 25 tỉ đồng từ các nhà hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp... Trao hơn 169 nghìn suất học bổng, quà và phần thưởng cho sinh viên, học sinh nghèo hiếu học, các thầy, cô giáo, học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi, hội thi.

Theo Hội Khuyến học huyện Phong Điền, từ một học sinh được nhận hỗ trợ đầu tiên là em Nguyễn Quốc Anh, học sinh Trường THCS Tân Thới, vào năm 2018, đến nay hội đã nhận đỡ đầu thường xuyên 60 học sinh, với mức 200.000 đồng/tháng mỗi em.

Qua đó đã giúp nhiều học sinh vượt khó, học tốt. Ngoài mô hình khuyến học “1+1,1+n”, Hội Khuyến học huyện Phong Điền còn có mô hình Cầu khuyến học, giúp đường đến trường của học sinh thuận lợi hơn.

Ông Hồ Hữu Thậm, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phong Ðiền (TP Cần Thơ), cho biết: Vào cuối mỗi năm học, Hội Khuyến học huyện kết hợp ban giám hiệu các trường lập danh sách học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Từ đó vận động các nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện nhận đỡ đầu các em. Ban đầu, các thành viên của Hội Khuyến học tranh thủ mối quan hệ bạn bè, gia đình... Từ đó, mở rộng mối liên kết với các nhà hảo tâm đồng hành chăm lo học sinh nghèo, hiếu học.

Cuối năm 2022, Hội Khuyến học TP Cần Thơ triển khai kế hoạch thực hiện 2 chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ðó là “Ðẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030” và “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Theo đó, đến năm 2030, TP Cần Thơ phấn đấu đạt tỷ lệ 90% Gia đình học tập, 80% Dòng họ học tập, 90% Cộng đồng học tập, 90% Ðơn vị học tập.

Đặc biệt, 60% người lớn trong gia đình học tập, dòng họ, cộng đồng học tập và 80% cán bộ, công chức, nhân viên trong đơn vị học tập đạt danh hiệu Công dân học tập. 85% người đạt danh hiệu Công dân học tập có kỹ năng số và đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; trong đó có 75% thành thạo kỹ năng số để tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá Công dân học tập trên môi trường số hóa.

Theo Hội Khuyến học thành phố, để triển khai có hiệu quả các mục tiêu trên, các cấp Hội Khuyến học đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, phổ biến về xây dựng và phát triển các mô hình; phát động phong trào thi đua “Học để thay đổi và thích ứng với công nghệ 4.0”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong tổ chức các hoạt động học tập, xây dựng mô hình; triển khai bộ tiêu chí mô hình “Công dân học tập” trong toàn thành phố; tăng cường nguồn lực xã hội hóa trong thúc đẩy phong trào học tập suốt đời...

Hội Khuyến học TP Cần Thơ khen thưởng các em học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc.

Hội Khuyến học TP Cần Thơ khen thưởng các em học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc.

Xây dựng phong trào từ xóm, ấp

Cùng với sự lớn mạnh của phong trào khuyến học, khuyến tài cả nước, hệ thống Hội Khuyến học TP Cần Thơ đã không ngừng phát triển. Hằng năm đã cấp phát trên 220 nghìn suất học bổng, quà và phần thưởng cho sinh viên, học sinh nghèo hiếu học, góp phần tích cực vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của địa phương.

Nhờ làm tốt công tác khuyến học khuyến tài, trình độ dân trí được nâng cao, nhiều gia đình đã đổi đời nhờ sự học. Gia đình ông Trần Văn Tờ ở ấp Trường Phú, xã Trường Long (huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ) được biểu dương là Gia đình học tập tiêu biểu của xã.

Vợ chồng ông đều là nông dân, năm 1980 được cha mẹ cho mảnh đất ruộng rộng 4.500m2, đến năm 1995, vợ chồng ông dành dụm mua thêm được 18.000m2 để sản xuất và tạo điều kiện cho 3 người con ăn học.

Ông Tờ cho biết: “Bản thân tôi vừa tham gia công tác ở địa phương, vừa tăng gia sản xuất. Ðể nắm bắt kiến thức, kỹ thuật trong sản suất, tôi thường xuyên đọc sách báo, xem đài hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi”.

Trong nhiều năm liền, được sự hướng dẫn của các cấp chính quyền và Hội Khuyến học xã Trường Long, ông Tờ tích cực tham gia các lớp khuyến nông, hội thảo đầu bờ, các lớp hướng dẫn nuôi trồng thủy sản tại địa phương và Trung tâm Học tập cộng đồng xã Trường Long.

Nhờ vậy, ông canh tác, sản xuất hiệu quả. Năm 2022, ông Tờ được Hội Khuyến học TP Cần Thơ bình chọn nhận học bổng “Học không bao giờ cùng” của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

Cán bộ khuyến học huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) thăm gia đình học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Cán bộ khuyến học huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) thăm gia đình học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Niềm hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng ông Tờ là nỗ lực vượt khó học tập của 3 người con. Ðến năm 2005, các con ông lần lượt tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định. Trong đó, có 1 người đang làm nghiên cứu sinh tại Trường Ðại học Cần Thơ; 2 con dâu của ông bà cũng tốt nghiệp đại học.

Ông Tờ chia sẻ: “Các con tôi có được ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm giáo dục của gia đình, sự dạy dỗ tận tình của thầy cô, quan tâm hỗ trợ của địa phương, Hội Khuyến học các cấp. Bản thân tôi và các con luôn phấn đấu học tập theo lời Bác Hồ dạy và làm người có ích cho xã hội”.

Một “điểm sáng” khác là Hội Khuyến học xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), đây là 1 trong 9 mô hình tiêu biểu Công dân học tập của thành phố. Thạnh Lộc là xã vùng ven của huyện Vĩnh Thạnh, vùng đất thuần nông với 15.141 người dân/3.159 hộ; có 7 ấp, 7 trường học (1 trường THCS, 3 trường tiểu học và 3 trường mầm non - mẫu giáo). Toàn xã có 17 Chi hội Khuyến học với 3.343 hội viên.

Ông Trần Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thạnh Lộc, cho biết: Những năm qua, bên cạnh xây dựng Hội trong sạch vững mạnh, Hội còn thực hiện đạt chất lượng và số lượng các mô hình Gia đình, Dòng họ, Cộng đồng, Ðơn vị học tập. Tất cả 16 người đăng ký đều đạt số điểm quy định của danh hiệu Công dân học tập giai đoạn 2020 - 2021.

Ðể có được kết quả này, Hội Khuyến học xã đã triển khai, tuyên truyền ý nghĩa của việc xây dựng mô hình Công dân học tập; phổ biến rõ tiêu chí và chỉ số đánh giá; đồng thời phối hợp Ðài truyền thanh xã tuyên truyền. Từ kết quả đạt được, xã tiếp tục nhân rộng mô hình này trong những năm tiếp theo, lan tỏa phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian muốn chuyển Thủ đô Tehran ra gần Persian Gulf.

Iran muốn dời đô

GD&TĐ -Thủ đô Tehran có thể sẽ được chuyển sang gần bờ biển Vịnh Ba Tư, nơi gần hơn các tuyến đường thương mại chính.

Dưa khoai

Dưa khoai

GD&TĐ - Những ngày nóng nực, nhìn vào mâm cơm có đủ canh, cá, thịt… mà lại thiếu món dưa khoai thì bỗng thấy… khó mà ngon được!