Đội chuyên trách bắt chó thả rông: Bó tay với chó to

GD&TĐ - Để phòng bệnh dại, 14 phường của quận Ba Đình (Hà Nội) đã lập đội chuyên trách với hơn 100 thành viên thường xuyên ra quân bắt và xử lý chó thả rông trên các tuyến phố.

Phường Trúc Bạch tuyên truyền, xử lý bắt chó thả rông trên địa bàn phường.
Phường Trúc Bạch tuyên truyền, xử lý bắt chó thả rông trên địa bàn phường.

Ý thức văn hóa công cộng

Thời gian qua, hàng loạt chó thả rông, không rọ mõm trên đường phố, công viên, sân chơi tập thể chung cư tại các quận nội thành Hà Nội như: Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân… bị đội săn bắt chó thả rông trên địa bàn các phường ra quân bắt giữ.

Ghi nhận thực tế, tại các tuyến phố, ngõ ngách của phường Trúc Bạch (quận Ba Đình), chó thả rông nơi công cộng đang bị vây bắt. Chó đi cùng chủ nhưng không có dây xích, rọ mõm cũng bị bắt.

Bà Đoàn Lan Phương, đội trưởng chuyên trách bắt và xử lý chó thả rông (phường Trúc Bạch) cho biết, công việc được thực hiện trên khắp các ngõ ngách của địa bàn phường và kéo dài từ 6 giờ  - 7 giờ 30 phút buổi sáng và 17 giờ – 18 giờ 30 hàng ngày.

“Những con chó thả rông bị bắt sau đó sẽ được đưa về UBND phường Trúc Bạch để chăm sóc và nhốt tại đó trong vòng 48 giờ. UBND phường sẽ thông báo trên loa truyền thanh của phường. Khi nào chủ chó này mang giấy tờ liên quan đến, đồng thời nộp phạt và cam kết không tái phạm theo quy định thì sẽ được trả lại…”, bà Lan Phương thông tin.

Theo bà Lan Phương, những ngày đầu đội bắt chó thả rông của phường ra quân gặp nhiều khó khăn cả về phương tiện, kỹ thuật và sự phản ứng của người dân. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền về tinh thần của kế hoạch và lợi ích của việc xử lý chó thả rông nhằm nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh dại thì được ủng hộ.

“Đội đã xử phạt 1 trường hợp chó thả rông nhưng không đeo xích, rọ mõm với mức 1,5 triệu đồng. Trước đó, chủ chó bị phạt đã được tuyên truyền nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm. Ngay sau khi lập biên bản thì chủ chó đã đồng ý và cam kết không tái phạm...”, bà Lan Phương thông tin.

Về khó khăn, bà Lan Phương cho biết mặc dù được trang bị đồng phục, băng rôn và các dụng cụ bảo hộ... tuy nhiên, do không chuyên nghiệp nên quá trình bắt chó to khó khăn.

“Mặc dù có bảo hộ gang tay, chó to đã cắn rách lưới chạy ra. Đội chụp ảnh mời chủ chó lên nhắc nhở. Thời gian tới, Đội sẽ tiếp tục phối hợp cảnh sát khu vực, tổ dân phố để kiên quyết xử phạt theo quy định…”, bà Lan Phương nhấn mạnh.

Còn ông Đặng Thành Công - Chủ tịch UBND phường Liễu Giai (quận Ba Đình) cho rằng, chó thả rông không xích, không rọ mõm là vấn nạn gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh dịch…

“Nuôi thú cưng là quyền của người dân. Nhưng họ phải chấp hành tốt ý thức đô thị. Chó thả rông sẽ ảnh hướng đến người dân. Thời gian qua cử tri phường phản ánh nhiều trường hợp vi phạm…”, ông Công thông tin.

Để xử lý dứt điểm tình trạng chó thả rông, Chủ tịch phường Liễu Giai cho rằng, gắn tuyên truyền với xử lý vi phạm hành chính của người nuôi.

“Xây dựng đời sống văn hóa, hương ước của tổ dân phố, nhận xét đảng viên 2 chiều (nếu có) cần phải đồng bộ các biện pháp để người dân có ý thức hơn khi nuôi động vật như: chó, mèo…”, ông Công đưa ra giải pháp.

Xử phạt 3 trường hợp

Theo Nghị định 04/2020 của Chính phủ, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Người nuôi để chó mèo phóng uế nơi công cộng bị phạt 100 - 300 nghìn đồng.

Đại diện quận Ba Đình cho biết, đội bắt, xử lý chó thả rông bắt đầu hoạt động cách đây hai tuần theo kế hoạch xây dựng vùng an toàn về bệnh dại động vật của quận. Mỗi đội có khoảng 8 người gồm bảo vệ tổ dân phố, công an, cán bộ tư pháp, y tế, nhân viên thú y phường, cán bộ chuyên trách bắt chó, được tập huấn kiến thức phòng bệnh dại, kỹ năng bắt chó thả rông...

Các đội bắt, xử lý chó thả rộng vận động người dân không thả rông chó, mèo, bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Đồng thời, các đội không đặt nặng vấn đề bắt để xử phạt mà chủ yếu là công tác tuyên truyền.

Theo lãnh đạo UBND quận Ba Đình, sau hai tuần hoạt động, các đội đã bắt được 5 con chó, xử phạt 3 chủ nuôi (tại phường Phúc Xá và Trúc Bạch) với số tiền 4,5 triệu đồng.

“Hiện, đã có 7 phường ra quân bắt, xử lý chó thả rông. Trong tuần này 7 phường còn lại của quận sẽ ra quân triển khai tiếp. Các phường duy trì công tác tiếp tục triển khai bắt, xử lý chó thả rông tại địa bàn khu dân cư. Chủ trương của quận là thực hiện công tác tuyên truyền là chính để nhân dân nắm, tự giác thực hiện không thả chó ra công cộng…”, đại diện UBND quận Ba Đình thông tin.

Theo quận Ba Đình, qua 2 tuần thực hiện nhân dân rất đồng tình hưởng ứng chủ trương của quận. “Sau khi ra quân xử lý đã giảm hẳn tình trạng chó thả rông, hầu như người dân chấp hành tốt…”, đại diện UBND quận Ba Đình chia sẻ.

Trước đó, năm 2018 thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, nhiều quận, huyện trên địa bàn đã chỉ đạo triển khai thí điểm bắt chó thả rông xuống cơ sở tại các phường.

Theo UBND quận Ba Đình, trong thời gian tới UBND các phường sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, loa lưu động vào các buổi tối tại các khu dân cư. Đặc biệt, phường tiếp tục duy trì tổ công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống bệnh dại và quản lý vật nuôi trên địa bàn.

Việc kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y đã có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng, ý thức của người dân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã được nâng lên một bước, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường và phòng chống bệnh dại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...