Bà Đinh Thị Eng (38 tuổi) nói: “Mình sinh Hlonh đủ ngày đủ tháng, nhưng nó không có cái tay lành lặn như thằng Đinh Ol (anh trai Hlonh).
Ban đầu vợ chồng mình sợ lắm, bụng còn tính không nuôi vì nghĩ bị Yàng phạt nên đã sinh ra con ma rừng. Mãi đến khi người làng khuyên răn, vợ chồng mình mới hiểu”.
Thế rồi qua bao mùa rẫy, “con ma rừng” Hlonh cứ lớn dần. Không có đôi tay, Hlonh tự tập làm quen với cái lược, rồi bàn chải đánh răng... bằng đôi bàn chân vốn chỉ dùng để chạy nhảy.
Lên 7 tuổi, thấy anh trai làm bài tập về nhà, cô bé Hlonh tò mò mượn bút, vở của anh rồi dùng ngón chân kẹp chặt cây bút, tập viết những con chữ nguệch ngoạc đầu tiên.
Cứ tập riết thành quen, rồi mê, Hlonh năn nỉ xin bố mẹ cho em đến trường để cùng học với các bạn. Hai ngón chân thô ráp của em dần dần làm chủ được cây bút cứng đầu. Nét chữ trở nên mềm mại hơn, thậm chí đẹp hơn so với các bạn cùng lớp.
Điều đặc biệt, đôi chân trần nắng gió của em không chỉ viết mà còn giặt giũ, nấu cơm, quét nhà, tự rửa mặt, chải đầu... chẳng khác nào đôi bàn tay thuần thục.
Chính đôi chân kỳ diệu ấy mà cả làng Krối và xã Đắk Smar đều biết đến và xem Hlonh như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký thứ hai. Đã năm năm qua, năm nào Hlonh cũng được tặng giấy khen và học bổng.
Ở Trường tiểu học Đắk Smar (bậc trung học cơ sở), thầy cô vẫn nêu tấm gương Hlonh cho nhiều học sinh thường bỏ học trong lớp noi theo. Hlonh tâm sự mơ ước của em sau này là trở thành một cô giáo dạy chữ ở làng Krối.
Bằng cách nào thực hiện ước mơ? Hlonh chỉ bẽn lẽn cười. Chỉ biết vào những ngày nắng như đổ lửa này, cô bé đang tiếp tục cặm cụi ghi chép, vừa chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài ở một chỗ ngồi độc nhất lớp với hai chiếc ghế gỗ kê cùng chiếc bàn nhỏ nhắn xếp đầy sách vở.