Đời binh nghiệp kết tinh thành sách quý

GD&TĐ - Ngay từ thuở ấu thơ, khi bắt đầu có nhận thức, cậu bé Nguyễn Huy Hiệu sinh ra ở cùng quê Hải Hậu, Nam Định không hề nghĩ sau này mình sẽ là một vị tướng trận tài ba.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

Toàn bộ cuộc đời ông, tuân theo một lẽ tự nhiên, ông vui vẻ đón nhận bất cứ điều gì đến với mình, không quá kỳ vọng, và vì thế, mà ông lại đạt thành tựu ý nghĩa trong mọi việc. Và điều tự nhiên nhất, đó là đời binh nghiệp của ông, đã kết tinh thành nhiều cuốn sách, thành quà tặng cho mọi người dân, chứ không chỉ quân nhân.

Một điểm sáng độc đáo, trong cuộc đời Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, đó là trong từng giai đoạn cuộc đời, trong từng mảng hoạt động đa dạng, ông đều có sách để lại, khi thì ông viết, khi thì các nhà văn, nhà báo viết về ông. Một kho báu kiến thức đa dạng, từ nghệ thuật quân sự, tới khoa học về môi trường, đến những giải pháp cho thiên tai, địch họa (nội xâm và ngoại xâm), và những triết lý sống thông thái, được truyền đạt một cách giản dị, dễ hiểu qua lẽ thật, lẽ sống ông trải nghiệm, đúc rút được.

Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng điểm lại những cuốn sách ấy, về cuộc đời Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

Ấn tượng đầu tiên là tập bút ký “Bến sông tuổi thơ” của nhà văn Lê Hoài Nam, xuất bản năm 2010, với nguyên mẫu là Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Cuốn sách tái hiện những câu chuyện tuổi thơ của vị tướng gắn liền với quê hương Nam Định.

Sinh ra ở vùng đất “địa linh nhân kiệt”, thuở nhỏ tâm hồn Nguyễn Huy Hiệu đã thấm đẫm những hình ảnh và tinh thần quê hương qua phim “Ngày Lễ Thánh”, tác phẩm “Bão biển” của Chu Văn. Nơi đây với hơn 500 nhà thờ và truyền thống kính chúa yêu nước, với hàng trăm ngôi chùa với tiếng chuông chiều rung ngân đã xây nền tảng nhân văn trong tính cách Nguyễn Huy Hiệu. Cũng chính vùng đất này, từng sản sinh ra những nhân vật tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh như kịch tác gia Đào Hồng Cẩm, nhà thơ Vũ Quần Phương,…

Tình người, tình đất, truyền thống gia đình, quê hương của người con cùng vùng đất Hải Hậu (Nam Định) khiến nhà văn Lê Hoài Nam xúc động, thôi thúc ông cầm bút viết cuốn bút ký chân thực, sống động “Bến sông tuổi thơ”. Tác giả đi sâu khai thác khía cạnh nhăn văn, tình người trong chiến tranh và sau chiến tranh, tạo mạch nguồn cảm xúc dạt dào, lan truyền từ trong trang sách đến với độc giả.

Cuốn sách dùng thể loại bút ký nhưng lại có những trang văn đẹp thấp thoáng thể loại tuỳ bút miêu tả sống động quá trình Nguyễn Huy Hiệu sống ở quê hương, tới từng bước trưởng thành từ người lính ở chiến trường cho tới vị trí một tướng lĩnh dày dạn trận mạc. Không chỉ viết về tướng Hiệu của một thời binh lửa, cuốn sách còn thể hiện quá khứ đau thương, gian khổ nhưng vô cùng oai hùng, chứng tích của những người lính từng chiến đấu ở chiến trường máu lửa Quảng Trị. Là một cuốn sách giá trị, chứa đựng nhiều tư tưởng thời đại, “Bến sông tuổi thơ” đã được trân trọng đưa vào Bảo tàng Nhà văn Việt Nam, làm tư liệu vô cùng quý giá để lại cho mai sau.

Tướng Nguyễn Huy Hiệu (thứ hai từ phải sang) và phu nhân Lại Thị Xuân (ngoài cùng bên trái) đi thăm chiến trường xưa và tri ân đồng đội
Tướng Nguyễn Huy Hiệu (thứ hai từ phải sang) và phu nhân Lại Thị Xuân (ngoài cùng bên trái) đi thăm chiến trường xưa và tri ân đồng đội

“Những bước chân không mỏi của người anh hùng” là tập truyện, ký của nhiều tác giả, do nhà văn Lê Hoài Nam tuyển chọn và biên tập, được xuất bản năm 2016.

Cuốn sách tập trung vào giai đoạn Nguyễn Huy Hiệu bắt đầu vào quân ngũ. Năm 17 tuổi, trước tình hình giặc giã, Nguyễn Huy Hiệu làm đơn tình nguyện đi bộ đội. Cũng như bao thanh niên trai tráng vùng quê mình, anh theo tiếng gọi của Bác Hồ, của non sông đất nước để đi chiến đấu, giành lại độc lập, tự do cho tổ quốc, nhân dân. Ngày 20/2/1965, ngay sau Tết, Nguyễn Huy Hiệu hành quân bộ từ Hải Hậu tới ga tàu tại Tp. Nam Định. Ăn bữa tối tại đó xong, anh lên tàu đến Nghệ An quê hương Bác Hồ. Anh đầu quân vào Trung đoàn 812, Sư đoàn 324 và tiếp đó là Trung đoàn 27, mặt trận B5, tập trung huấn luyện tại Nghi Ân, Nghi Lộc (Nghệ An). Kể từ đó, Nguyễn Huy Hiệu bắt đầu tham gia chiến đấu trên các chiến trường, hành quân dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh vào chiến đấu trong mặt trận Bình Trị Thiên và làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào.

Trong rất nhiều trận chiến với địch, những chiến sĩ trẻ tuổi Việt Nam đồng lòng đồng sức chiến đấu anh dũng, trong đó có người lính mang tên Nguyễn Huy Hiệu. Đặc biệt, những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị đã ghi dấu ấn đậm nét trong ký ức vị tướng. Đó là chặng đường chiến đấu gian khổ nhất, kéo dài gần 9 năm trời. Nguyễn Huy Hiệu đã cùng đồng đội của mình trải qua những năm tháng thanh xuân sung sức nhất, ngoan cường nhất tại mảnh đất Bình Trị Thiên khói lửa.

Trong suốt 10 năm từ 1965-1975, Nguyễn Huy Hiệu đã tham gia bốn chiến dịch lớn: Chiến dịch Mậu Thân 1968, Chiến dịch đường 9 Nam Lào, Chiến dịch Quảng Trị 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975. Cũng trong giai đoạn hào hùng đó, Nguyễn Huy Hiệu được phong tặng danh hiệu Anh hùng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam (tháng 12/1973). Suốt đời binh nghiệp của mình, người Anh hùng đã tham gia 67 trận chiến đấu, trực tiếp đánh địch.

Một số cuốn sách về tướng Nguyễn Huy Hiệu.
Một số cuốn sách về tướng Nguyễn Huy Hiệu.

Bộ sách về nghệ thuật quân sự, gồm các cuốn: “Một thời Quảng Trị”, “Một số vấn đề về nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”, “Một số vấn đề về công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam”. Bộ sách này là những tổng hợp kinh nghiệm thực tế, đúc rút những tinh túy trong kiến thức về chiến tranh Việt Nam, được Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chắt lọc, nâng lên thành học thuyết, cống hiến cho nền lý luận về nghệ thuật chiến tranh của đất nước ta.

Kết thúc chiến tranh năm 1975, Nguyễn Huy Hiệu được cử đi học văn hóa-ngoại ngữ, sau đó được đào tạo tại trường Trung cấp quân sự (Học viện lục quân ngày nay), rồi đến Cao cấp quân sự (Học viện Quốc phòng ngày nay) của Bộ Quốc Phòng. Năm 1980 ông được bổ nhiệm Sư trưởng Sư đoàn 320 B Quân đoàn I. Tới năm 1983 ông được cử đi học tại Học viện quân sự Frunze của Liên Xô (cũ). Ông được bổ nhiệm Phó Tư lệnh thứ Nhất Quân đoàn I năm 1987, sau đó được cử đi làm nhiệm vụ ở phía Bắc. Một thời gian sau, ông được bổ nhiệm Tư lệnh Quân đoàn I. Cho tới năm 1994 Nguyễn Huy Hiệu tiếp tục được bổ nhiệm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Năm 1998 ông là Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng, được phân công phụ trách các Khối: Nhà trường, Khối Khoa học quân sự (đồng thời phụ trách Công nghiệp Quốc phòng Tổng Cục kỹ thuật), Đối ngoại quốc phòng Việt Nam (phụ trách Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga), Ủy Ban ứng phó sự cố, thiên tai và Phó Chủ tịch thường trực Ủy Ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (với công việc rà phá bom mìn vật nổ, giải quyết vấn đề Dioxin và Mia). Trong thời gian đó, ông đã viết 7 công trình khoa học về quân sự và đối ngoại, góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước để nâng quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện với Liên Bang Nga.  

Với 7 công trình Khoa học quân sự có giá trị, tướng Hiệu được Viện Hàn lâm khoa học quân sự Liên Bang Nga bầu và trao bằng Viện sĩ về nghệ thuật chiến tranh. Đặc biệt, trong 7 năm làm thường trực Ủy Ban phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phó Ban phòng chống lụt bão Trung ương, từ thực tiễn chiến tranh và thiên tai, tướng Hiệu đã đề xuất nên phương châm 4 tại chỗ kinh điển: Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật chất tại chỗ; Hậu cần tại chỗ.

Tướng Giáp, tướng Dũng và tướng Hiệu
Tướng Giáp, tướng Dũng và tướng Hiệu

Phương châm “4 tại chỗ” đã được vận dụng hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, thậm chí vừa qua, trong đại dịch Covid-19, phương châm này cũng đã được vận dụng để phòng chống dịch thành công.

Một số cuốn sách về môi trường và kỹ năng, gồm các cuốn “Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga: Mô hình mới về hợp tác khoa học công nghệ”, “Quân đội với vấn đề giải quyết hậu quả sau chiến tranh”, “Vận dụng phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai”, “Quân đội với chiến lược bảo vệ môi trường”.

Sau năm 2011, tướng Hiệu nghỉ hưu theo chế độ. Tuy nhiên, với cương vị là Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học quân sự Liên Bang Nga, ông tiếp tục làm việc, nghiên cứu cống hiến cho khoa học quân sự, môi trường và nhân đạo. Hành trình tri ân của tướng Hiệu dọc dài đất nước, từ Bắc vào Nam, đi đến đâu, ông gặp gỡ đồng đội, đồng chí, đồng bào, sẻ chia ngọt bùi, tặng quà và ôn lại những kỷ niệm chiến đấu, những bài học quý giá cho cuộc sống hôm nay.

Trong các chuyến đi, sức lan tỏa từ hành động ân tình của ông, đã thu hút thêm nhiều người cùng chung tay làm việc nghĩa, đáp đền tiếp nối những người đã hy sinh tính mạng, xương máu cho cuộc sống hòa bình của chúng ta hôm nay. Tướng Hiệu đã trực tiếp viết và xuất bản 9 cuốn sách, trong đó, cuốn thứ 10 được ông đang thực hiện là “Một số vấn đề nghiên cứu về Quốc phòng Việt Nam”.

Một số cuốn sách về tướng Nguyễn Huy Hiệu.
Một số cuốn sách về tướng Nguyễn Huy Hiệu.

Trong thời gian qua, các đồng đội là nhà văn, nhà báo, các bạn hữu nghề viết qua tư liệu cuộc đời tướng Hiệu cũng đã viết và xuất bản 9 cuốn sách về ông, trong đó có các cuốn “Vị tướng với mùa thu vàng”, “Vị tướng Thành Nam”, “Vị tướng 9 năm ở nhà con Rồng”, “Vị tướng với an ninh môi trường”, “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”, “Vị tướng có duyên với con số 7”…

Các đầu sách về tướng Hiệu không dừng lại ở đó, những cây viết chuyên nghiệp tiếp tục có nguồn cảm hứng từ ông, đang chắp bút viết những cuốn sách mới, như nguồn chảy chẳng bao giờ vơi cạn. Điều kỳ lạ này, có được rất tự nhiên, đó là bởi, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cứ để cho nguồn năng lượng vô tận của vũ trụ, được tuôn trào qua mình, mà ông chẳng cần quá cố gắng để đạt tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ