Đôi bạn thân cùng giành giải Nhì học sinh giỏi quốc gia

GD&TĐ - Chơi với nhau từ nhỏ, lớn lên học chung một lớp, cùng vào chuyên Toán, Nguyễn Thành Phi Long và Lê Xuân Hoàng (lớp 12A1, Trường THPT chuyên ĐH Vinh) còn xuất sắc giành giải Nhì HSG quốc gia năm 2022.

Lê Xuân Hoàng và Nguyễn Thành Phi Long (lớp 12A1, Trường THPT chuyên Đại học Vinh) cùng giành giải Nhì HSG quốc gia.
Lê Xuân Hoàng và Nguyễn Thành Phi Long (lớp 12A1, Trường THPT chuyên Đại học Vinh) cùng giành giải Nhì HSG quốc gia.

Để có được thành tích này, cả 2 đều trải qua không ít thất bại, nhưng không từ bỏ, biết học từ sai lầm của mình để tạo bứt phá.

Ngoài môn chuyên, đôi bạn thân “bận rộn” này còn kịp đạt 8.0 IELTS ngay trước kỳ thi HSG quốc gia căng thẳng.

Học chuyên Toán nhưng giành giải Sinh học

Nguyễn Thành Phi Long học chuyên Toán (Trường THPT chuyên ĐH Vinh), nhưng từ năm lớp 10 em đã theo đội tuyển môn Sinh theo định hướng của bố mẹ. Lý giải về quyết định khá ngược này, Long cho biết: “Thực ra, thời điểm đó em chưa đam mê hay quyết tâm theo đuổi một môn nào cố định. Việc học hành của em cũng rất cảm tính, không đặt mục tiêu rõ ràng. Suốt kỳ đầu tiên của năm lớp 10, em rất ham chơi, thích tham gia các hoạt động, chương trình ngoại khóa, và khá lười học. Bố mẹ muốn định hướng cho em theo ngành y, nên em mới bắt đầu tìm hiểu, học môn Sinh. Nhưng kỳ thi HSG trường em chỉ đạt giải Khuyến khích”.

Đối với Phi Long, đây là kết quả “tồi tệ”, dù gia đình không gây áp lực thành tích hay điểm số. Thất bại này cũng đánh vào lòng tự tôn, ý chí muốn khẳng định mình của nam sinh 16 tuổi. “Em bắt đầu nảy sinh ý thức cạnh tranh, muốn học, và muốn đạt được giải cao hơn, chứ không thích mình chỉ đạt khuyến khích”, nam sinh kể.

Nam sinh chuyên Toán Nguyễn Thành Phi Long - giành giải Nhì HSG quốc gia môn Sinh học.

Nam sinh chuyên Toán Nguyễn Thành Phi Long - giành giải Nhì HSG quốc gia môn Sinh học.

Kể từ đó, Phi Long quyết tâm theo đuổi môn Sinh học một cách nghiêm túc, đặt mục tiêu rõ ràng. Em bắt đầu “cày” sách vở, các tài liệu tham khảo của thầy cô giới thiệu hoặc tự tìm trên mạng Internet. Thời gian đầu không dễ dàng, bởi môn Sinh có nhiều lý thuyết, việc tư duy, ứng dụng để giải bài tập cũng khác với môn Toán. Nhớ lại “bước ngoặt” trong hành trình học tập của mình, Phi Long kể, em đã dành nguyên mùa hè năm lớp 10 chỉ để học môn Sinh. Sự kiên trì của Long đã đem lại kết quả đầu tiên là lọt vào đội tuyển dự thi HSG quốc gia môn Sinh học của Trường THPT chuyên Đại học Vinh năm lớp 11. Dù lần này, điểm số của em vẫn đang thấp nhất đội tuyển.

Khi được vào đội tuyển quốc gia, các thầy giáo, cô giáo hướng dẫn cách học, Phi Long mới bắt đầu hình thành phương pháp tư duy khoa học trong ôn tập, vừa tổng quan nhưng cũng chi tiết hơn. Trước đó, em đã tự đọc sách, tự tìm hiểu, nhưng chưa hiệu quả vì thường học lan man, không đi vào trọng tâm.

Những thay đổi trong phương pháp học, cũng như được thầy cô bồi dưỡng đã giúp Nguyễn Thành Phi Long có sự bứt phá ngoạn mục, xuất sắc đạt giải Nhì HSG quốc gia. Thành tích này giúp em khẳng định bản thân, tạo động lực tiếp tục theo đuổi môn Sinh học - đã thành đam mê – ở kỳ thi HSG quốc gia năm lớp 12. Và năm nay, Phi Long tiếp tục giành giải Nhì. Điều em tiếc nuối nhất đối với em là là chỉ thiếu 0,25 điểm nữa, là đã lọt vào vòng 2 chọn đội tuyển quốc gia tham dự Kỳ thi Olympic quốc tế môn Sinh học.

Dù vậy, em cũng đã hài lòng với kết quả mình đã đạt được sau một quãng đường dài, đầy vất vả, cố gắng, nhưng xứng đáng. Thời gian tới, Phi Long cho biết em sẽ tập trung cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia với mục tiêu lấy điểm xét tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội. “Với môn Toán, là học sinh chuyên nên em có nền tảng và không gặp nhiều khó khăn. Nhưng môn Hóa em cần dành nhiều thời gian hơn để ôn tập và rèn luyện để đạt kết quả như mong đợi ở kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia”, Nguyễn Thành Phi Long chia sẻ.

Làm nhiều bài tập không phải là cách học tốt nhất

Lê Xuân Hoàng (lớp 12A1) Trường THPT chuyên Phan Bội Châu lại bước vào Kỳ thi chọn HSG quốc gia môn Toán với mục tiêu đạt cao hơn giải Khuyến khích của năm lớp 11.

Xuân Hoàng có nền tảng tốt khi bố là giáo viên dạy Toán và nhiều năm tham gia bồi dưỡng đội tuyển HSG quốc gia. Nhưng nam sinh cho biết bản thân em không học trực tiếp từ bố nhiều bởi… “bụt chùa nhà không thiêng”. Và việc học Toán của em phần lớn do các thầy cô khác giảng dạy.

Lê Xuân Hoàng giành giải Nhì HSG quốc gia môn Toán cho rằng, không phải làm được nhiều bài tập là tốt, mà phải hiểu bản chất Toán học của câu hỏi.

Lê Xuân Hoàng giành giải Nhì HSG quốc gia môn Toán cho rằng, không phải làm được nhiều bài tập là tốt, mà phải hiểu bản chất Toán học của câu hỏi.

“Bố em không tạo áp lực, cũng chưa bao giờ đặt nặng thành tích cho em. Thực tế suốt những năm cấp 1, cấp 2, em chưa bao giờ đạt giải cao ở các kỳ thi thành phố hoặc tỉnh, chỉ ở giải Ba hoặc Khuyến khích. Nhưng sau mỗi cuộc thi hay bài kiểm tra, bố muốn em phải nhìn vào bài làm của mình, tìm ra điểm hạn chế hoặc cái sai. Đôi khi em thấy có chút khó chịu, nhưng khi thực hiện thì thấy… đúng như bố nói. Bố không dạy nhiều và cụ thể, nhưng là người định hướng cho em trong suốt 12 năm qua”, Hoàng chia sẻ.

Từ năm lớp 10, trúng tuyển Trường THPT chuyên ĐH Vinh, Hoàng đã đặt mục tiêu cho mình vào đội tuyển thi HSG quốc gia môn Toán. Nhưng quá trình học và luyện thi, em chia sẻ không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Hoàng kể lại: “Khi mới vào đội tuyển, em cứ nghĩ phải học chăm, làm được nhiều, giải được nhanh bài tập là tốt. Nhưng sau đó em nhận ra đó là cách học máy móc và không đạt hiệu quả cao. Có lẽ đó là lý do mà năm lớp 11 em chỉ đạt giải Khuyến khích. Sau đó, thay vì tập trung vào số lượng và tốc độ giải toán, em làm chậm lại, phân tích thật kỹ 1 bài toán để hiểu được dạng đề. Bởi vì bài tập toán thì vô kể và không bao giờ giải hết. Nhưng khi nắm vững được dạng đề, thì gặp bài tập tương tự mình sẽ vận dụng và làm được. Việc học Toán với em lúc đó cũng nhẹ nhàng, thú vị hơn”.

Với sự chuẩn bị tốt và phương pháp học tập khoa học, Kỳ thi chọn HSG quốc gia năm lớp 12, Hoàng đã giành giải Nhì – với điểm số cao nhất trong đội tuyển Trường THPT chuyên ĐH Vinh. Với kết quả này, Lê Xuân Hoàng cũng lọt vào vòng 2 thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế Toán học. “Ở kỳ thi sắp tới, em cũng sẽ cố gắng hết sức, kết quả thế nào em cũng không có gì hối tiếc. Năm nay, em chỉ đặt mục tiêu đạt giải Ba HSG quốc gia, cao hơn giải Khuyến khích của năm lớp 11. Nhưng đạt giải Nhì thực sự là niềm vui vượt quá sự mong đợi của em”, Hoàng chia sẻ.

Tiếng Anh là công cụ

Lê Xuân Hoàng và Nguyễn Thành Phi Long là đôi bạn thân từ nhỏ, lớn lên học cùng lớp, cùng trường THCS đến THPT. Theo đuổi 2 con đường khác nhau, tính cách cũng có phần khác biệt, Phi Long hoạt bát, còn Hoàng lại khá kiệm lời, “cần mới nói” dù làm lớp trưởng, nhưng đôi bạn vẫn luôn đồng hành. Điểm chung lớn nhất của cả 2 trong quá trình học tập là luyện tiếng Anh để đọc truyện và xem phim nước ngoài.

“Em được bố mẹ cho làm quen với tiếng Anh sớm, từ tiểu học. Nhưng em chỉ thực sự tiến bộ từ năm lớp 8, lý do là để đọc truyện. Lúc đó, có nhiều bộ truyện em rất thích, nhưng chờ dịch và xuất bản trong nước lâu quá, nên em lên mạng Internet để đọc ebook bằng tiếng Anh. Vừa đọc, vừa tra từ điển, nhưng nhờ đó mà khả năng đọc hiểu tiếng Anh của em tốt lên rất nhiều”, Phi Long nhớ lại.

Còn Xuân Hoàng cũng tham gia tất cả lớp học thêm Tiếng Anh cùng với Phi Long từ cấp 1 lên cấp 3. Sở thích đọc truyện và xem phim cũng ảnh hưởng nhau. Mỗi khi rảnh, một trong 2 bạn đến nhà nhau để cùng xem phim hoặc các chương trình Tiếng Anh trên Youtube. Ban đầu là xem phụ đề Tiếng Việt. Sau này, khi tích lũy được vốn từ vựng, kỹ năng nghe – đọc, cả 2 đã có thể xem và hiểu được phụ đề Tiếng Anh.

Cũng nhờ ngoại ngữ tốt nên năm lớp 10, Lê Xuân Hoàng từng giành được suất sang Úc dự cuộc thi giải Toán bằng Tiếng Anh. Cuộc thi này quy tụ thí sinh nhiều quốc gia, nhưng cậu bé xứ Nghệ đã xuất sắc giành tấm Huy chương Vàng duy nhất của đoàn Việt Nam.

Xác định Tiếng Anh có vai trò lớn trong xu thế hội nhập, và trước hết là bổ trợ trong học tập, nên cả Hoàng và Phi Long đều hướng đến mục tiêu thi lấy chứng chỉ IELTS. Đây cũng là lợi thế khi xét tuyển vào ĐH sau này, khi cách thức tuyển sinh của nhiều trường dành tiêu chí ưu tiên cho chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Vì thế, dù tập trung cho kỳ thi HSG quốc gia quan trọng, song cả 2 vẫn dành thời gian để tự học, rèn luyện các kỹ năng Tiếng Anh. Đến khi chuẩn bị thi, thì 2 bạn dành 2-3 tháng tích cực luyện IELTS theo định hướng và giáo trình của các thầy cô. Cuối năm lớp 11, Lê Xuân Hoàng thi đạt 8.0 IELTS. Đến đầu năm lớp 12, Nguyễn Thành Phi Long cũng đăng ký thi chứng chỉ này và đạt kết quả tương tự.

Kết quả 8.0 IELTS là thành tích đáng nể của 2 nam sinh “bận rộn”. Nhưng cả Hoàng và Phi Long cùng quan điểm Tiếng Anh chỉ là một ngôn ngữ, một công cụ hỗ trợ trong học tập và cuộc sống. Vì vậy trước đó, Hoàng và Long đều không chọn thi chuyên Anh dù có nền tảng tốt. Thay vào đó, 2 bạn vẫn thường xuyên học Tiếng Anh hằng ngày một cách tự nhiên, không đặt nặng áp lực cho bản thân. Mục tiêu quan trọng nhất của Hoàng và Phi Long là vào đại học, và lúc đó, tiếng Anh sẽ là phương tiện để 2 bạn tiếp tục học tập, đào tạo và kết nối với thế giới hội nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ