Thành phần hóa học có độc tính cao
Pháo sáng là thứ không còn xa lạ với người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Trong những trận bóng diễn ra thời gian qua, bên cạnh sự quá khích của cổ động viên như la hét, đi bão bằng cách gầm rú, la hét thì nhiều cổ động viên còn dùng pháo sáng để cổ vũ cho đội nhà.
Tuy nhiên họ không hiểu được hậu quả này mang lại những hệ lụy tiêu cực như thế nào.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), pháo sáng được cấu tạo từ 3 hợp phần là chất oxy hóa mạnh (kali nitrat, kali clorat, kali peclorat...), chất cháy (bột than mịn, lưu huỳnh, parafin nhựa đường...) và chất tạo màu.
Ngoài ra, trong pháo sáng còn có phụ gia như canxi carbonat, vaselin, bột shellac màu. Nhiệt độ của pháo sáng dao động từ 1200-3000 độ C, rất dễ gây cháy và bắt cháy, với khối lượng 50g trở lên có thể gây nổ.
Khi pháo sáng được đốt, bao quanh chúng ta sẽ là màn khói bao phủ với các chất độc hại bay ra như carbonmono oxit, sunfurơ, bụi thủy ngân, bụi kim loại…, khi hít thở phải sẽ gây ra những tổn hại sức khỏe nghiêm trọng cho đường hô hấp ngay lập tức cũng như về lâu dài.
Về nguy cơ tức thời, người hít phải có thể bị chảy nước mắt, loét giác mạc, giảm các phản ứng thần kinh thực vật, hôn mê…
Khó dập tắt, dễ gây hỏa hoạn
Cũng theo PGS.TS Trần Hồng Côn, pháo sáng khi đốt cháy mà tiếp xúc với ghế nhựa trên khán đài cũng rất dễ gây cháy. Nhựa cháy kết hợp với những chất phát ra từ pháo sáng cũng gây nguy hại sức khỏe không kém khi hít phải trong bầu không khí hỗn độn.
Pháo sáng được sử dụng tại sân vận động cũng không dễ dập tắt do được thiết kế kích ứng với nước. Nếu có đám cháy lớn xảy ra do pháo sáng, do đó cũng khó có thể dập tắt nếu không có sự can thiệp kịp thời của đội cứu hỏa, do đó nguy cơ bị bỏng rất cao.
Nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện Xanh Pon (BVCC). |
Tiến sĩ Khuất Quang Sơn, giảng viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, cũng cho biết: Tại Việt Nam, loại pháo sáng được các cổ động viên sử dụng thường là pháo sáng chuẩn, nhiệt độ cao nhất đạt khoảng 1.600 độ C, có thể cháy kéo dài trong 60 giây.
Bởi vậy, khi đốt pháo sáng ở đám đông chen chúc, người ở gần dễ gặp các tổn thương nặng ở mặt, mắt, ngực, tay, cổ...
"Ngoài vấn đề ảnh hưởng sức khỏe, đốt pháo sáng gây nhiều hệ lụy như cháy nổ, hỏa hoạn thậm chí tử vong cho chính người đốt pháo cũng như những người xung quanh", Tiến sĩ Sơn nhấn mạnh.
Loại pháo này có thể làm cháy quần áo chỉ trong chớp mắt và gây bỏng cho con người. Vết bỏng nặng rất dễ bị nhiễm độc (do pháo sáng có chứa lưu huỳnh) và để lại nhiều di chứng thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương...