Một gợi ý giúp khai mở tư duy
Cuốn sách dày hơn 350 trang tập hợp 22 bài viết, bài nói chuyện bài phỏng vấn và một số bản dịch của anh trong vòng 5 năm (2014-2019).
"Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm" là những trải nghiệm, suy tư của tác giả Nguyễn Quốc Vương về vai trò đọc sách với con người. Ảnh: NQV. |
Cuốn sách sách được chia làm 3 phần: “Tuổi trẻ cần đọc sách và trải nghiệm” đến “Khi trưởng thành cần tự học, cần khai sáng bản thân và thực hiện nghĩa vụ của một công dân có trách nhiệm với đất nước” .
Phần cuối là “Những tri thức, kinh nghiệm và cách làm của Nhật Bản để phát triển văn hóa đọc trong gia đình, trường học và cộng đồng".
Viết ở lời giới thiệu sách, ông Trịnh Minh Tuấn - Giám đốc Quảng Văn Books nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21, khi văn hóa đọc đang được cổ vũ nhiệt thành, khi các trí thức trẻ dấn thân tiếp nối con đường khan dân trí và canh tân văn hóa của các thế hệ tiền bối, tựa sách “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm” sẽ là một gợi ý giúp chúng ta khai mở tư duy.”
Vì sao đọc sách lại... "gian nan"?
Tác giả Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982 tại Bắc Giang. Anh tốt nghiệp ngành Sư phạm Lịch sử tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2004 và công tác tại đó tới năm 2017.
Anh đã có 8 năm học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản trước khi trở về Việt Nam.
Hiện nay, anh có hàng chục cuốn sách được xuất bản và là diễn giả quen thuộc của các buổi tọa đàm, hội thảo, nói chuyện tại các trường học…
Với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tầm quan trọng của việc đọc sách, những năm qua, tác giả Nguyễn Quốc Vương đã tình nguyện trở thành “người bán sách rong”.
Chia sẻ về nhan đề của cuốn sách, tác giả Nguyễn Quốc Vương kể câu chuyện có độc giả hỏi "Đặt tên sách có chữ gian nan sau chữ đọc sách thế này liệu có làm độc giả ngại mua không?".
Theo tác giả, anh không thích các tên sách sến súa, dễ dãi hay câu khách.
Tác giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ tại buổi tọa đàm về cuốn sách. Ảnh: Bình Thanh. |
“Tôi thích cái gì đó đi thẳng vào bản chất, hoặc có hàm ý ẩn dụ về thông điệp. Đọc sách suy cho cùng là việc rất dễ. Ai biết chữ đều có thể đọc được.
Nhưng đọc xong thì thế nào? Cá nhân từng người đọc xong sẽ thay đổi nhận thức, hành vi ra sao?
Cộng đồng sau khi có văn hóa đọc thì sẽ thế nào? Và quan trọng hơn nữa, là từng cá nhân sau khi đọc sách-thấy sách cần thiết cho sự khai sáng văn minh, cho bước đường tiến bộ của dân tộc thì sẽ phải làm gì?
Đấy mới là con đường lớn cần nhiều người đi, từng chút, từng chút một.
Và đấy mới thực sự là con đường gian nan vạn dặm. Để đi đến đích của con đường ấy, một người đi là bất khả, 10 người đi là thất bại, cần 1000, 10 nghìn, 10 triệu, 100 triệu người cùng đi.” – Tác giả Nguyễn Quốc Vương nhấn mạnh.