Độc đáo với du lịch về nguồn ba tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ

Độc đáo với du lịch về nguồn ba tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ

(GD&TĐ)-Sau 6 năm kể từ lần đầu tiên 3 tỉnh Phú Thọ- Yên Bái- Lào Cai ra mắt chương trình liên kết du lịch, đến nay, chương trình này đã là "địa chỉ đỏ" cho rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

vjvbhj
3 ruộng bậc thang nổi tiếng thế giới và khu vực châu Á trong khoảng 200km chiều dài sẽ là một sản phẩm du lịch riêng biệt của khu vực này năm 2011.
Chương trình du lịch về cội nguồn năm 2011 đánh dấu sáu năm tròn hợp tác giữa ba tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ, đem lại những kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng du lịch về khách và doanh thu đạt hơn 16,7%/năm. Đã có hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư vào du lịch, tạo nên một diện mạo mới, hấp dẫn cho du lịch cả ba tỉnh, tạo được chuyển biến tích cực trong quản lý cũng như trong các doanh nghiệp du lịch. Thương hiệu “Du lịch về cội nguồn” đã trở thành hình ảnh đặc trưng của ba tỉnh, là một trong những sự kiện du lịch nổi bật của Việt Nam. Những kết quả này đã góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội chung của cả vùng. Và cũng vì thế, chương trình du lịch năm nay còn là cơ hội đón các nhà đầu tư, các hãng lữ hành, các công ty du lịch... không chỉ của trong nước mà cả nước ngoài đến tìm hiểu và đặt quan hệ hợp tác. 

Năm nay, chương trình Du lịch về cội nguồn liên kết giữa Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ do Yên Bái làm trưởng nhóm. Cả ba tỉnh đều đưa ra những chương trình du lịch hấp dẫn, với nhiều điểm du lịch mới, nhiều tour tuyến mới được xây dựng, với tiêu chí thu hút khách đi liên vùng và tiếp tục quay trở lại nữa.

Theo bà Phạm Thanh Trà, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái thì bên cạnh những hoạt động đặc trưng của chương trình liên kết du lịch về nguồn do ba tỉnh tổ chức, Yên Bái với vai trò là tỉnh hạt nhân trong quá trình phát triển du lịch về nguồn năm 2011 cũng sẽ giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những điểm du lịch đặc sắc gắn với những tour như “Về miền Tây hoa ban trắng”, “Đến với danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải”, “Khám phá thác Bà”, “Tâm linh - Cầu lộc - Cầu tài”, “Tìm hiểu văn hóa cộng đồng"

Năm nay nét mới của chương trình là các lễ hội đều được đưa về cơ sở, do người dân thực hiện, gần gũi với đời sống người dân và giữ được những nét bản sắc văn hoá nguyên sơ và cũng nhằm mục đích khơi dậy sức dân, từng bước đưa người dân tham gia vào các hoạt động du lịch này.. Một loạt các lễ hội dân gian cũng được phục dựng như hội chọi trâu Lục Yên, lễ hội xuân của các dân tộc Dao, Khơ Mú, Mông Suối Giàng, hội Lồng tồng, hội xuân và Hạn Khuống của dân tộc Thái... Lễ hội trảy hội mùa xuân này là nét mới, tỉnh đã yêu cầu các huyện làm trọng điểm tại năm xã, chú trọng nêu bật bản sắc văn hoá đặc thù của cá dân tộc Mông, Dao, Thái, Tày... ở Yên Bái để có đc những sản phẩm du lịch văn hoá đặc sắc.

Từ năm 2011, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm sẵn có, bên cạnh xây dựng các sản phẩm mới như khám phá huyền thoại Lũng Lô, tuần lễ danh thắng ruộng bậc thang, khám phá đỉnh núi Pú Luông, được mệnh danh là nóc nhà thứ 2 sau Fan Si Pan, cao gần 3.000m so với mực nước biển...

Trong chương trình du lịch cội nguồn năm nay, điểm nhấn là lễ khai mạc diễn ra ngày 26-2, và Tuần văn hoá Du lịch cộng đồng dân tộc “Trảy hội mùa xuân”, được tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ, các xã Nghĩa Sơn, Sơn A, Suối Giàng, Nghĩa An... thuộc thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn. Kể từ tháng 2 cho đến hết tháng 10, là một chuỗi các hoạt động gồm lễ hội đền Đông Cuông, đền Đại Cại, hội chọi trâu Lục Yên, lễ hội Âm vang hồ Thác Bà, Tuần văn hoá ruộng bậc thang....

Trong khi đó, Lào Cai với thế mạnh là hai “Đà Lạt của miền bắc” Sa Pa và Bắc Hà, cùng với hội đua ngựa truyền thống, lễ hội trên mây... năm nay cũng xúc tiến quảng bá nhiều sản phẩm du lịch mới và hấp dẫn. Bà Bùi Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, các tour "Một ngày làm người Mông Cát Cát", "Một ngày làm người dân Tả Phìn", tour 2 ngày 3 đêm khám phá Fan Si Pan có buổi khai mạc tại Trạm Tôn, hiện nay đã có khoảng 100 khách đăng ký qua các hãng lữ hành. Lào Cai còn xúc tiến giới thiệu một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như mận Tam hoa, thắng cố và phở chua Bắc Hà...

Còn Phú Thọ giới thiệu một loạt lễ hội dân gian được phục dựng như lễ ném chài Vân Luông, lễ cầu mùa (rước ông Khiu, bà Khiu), lễ hội đình Lâu Thượng, lễ hội làng Hùng Lô, lễ Hạ điền (xuống đồng), lễ Tịch điền... Bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, với lễ hội đền Hùng làm điểm nhấn, nhiều tour, tuyến du lịch cũng được xây dựng, như các tour đường bộ đền Hùng - đền Mẫu Âu Cơ - đền Tuần Quán - Suối Giàng - Mường Lò – Mù Cang Chải – Sa Pa – Hà Khẩu, tour đường sắt Việt Trì – Yên Bái – Lào Cai – Sa Pa – Hà Khẩu, các tour trong vòng cung tám tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ. Ngoài ra, những tour mới như du lịch homestay tại vườn quốc gia Xuân Sơn, nghỉ dưỡng tại suối nước nóng Thanh Thuỷ... cũng được kỳ vọng sẽ thu hút khách đến với Phú Thọ.

Du lịch tâm linh cũng là một điểm nhấn mà cả ba tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ đều chú trọng trong chương trình du lịch về cội nguồn trong năm nay. Tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng đang được cả ba tỉnh nghiên cứu khảo sát và xúc tiến, trong đó có đền Đông Cuông (Yên Bái), đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ) và đền Bảo Hà (Lào Cai). Dự kiến tuyến du lịch tâm linh này sẽ còn được mở rộng sang nhiều tỉnh lân cận...

Thông qua việc tổ chức các lễ hội, nhiều phong tục tập quán, nét đẹp văn hoá truyền thống đã được phục hồi. Một số địa phương đã hình thành và phát triển loại hình du lịch cộng đồng vừa khai thác được tiềm năng du lịch địa phương và tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. tạo ra nhiều điểm sinh hoạt văn hoá, vui chơi giải trí lành mạnh, thu hút đông đảo du khách tới tham gia, hưởng thụ, tham quan và du lịch.
 
Ngoài ra, các địa phương còn tập trung tu bổ hệ thống di tích lịch sử, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở lưu trú, khách sạn, tăng cường các dịch vụ bổ trợ và phát triển các sản phẩm, hàng lưu niệm phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
 
Các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch trên đã thu hút hàng triệu lượt du khách, góp phần phục hồi, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hoá cội nguồn dân tộc. Điều đáng ghi nhận hơn cả là qua việc tổ chức các lễ hội, nhiều phong tục tập quán, nét đẹp văn hoá truyền thống được phục hồi, phát triển.

Các hoạt động chính của chương trình du lịch “Về cội nguồn 2011”:

1.Lễ khai mạc chương trình du lịch "Về cội nguồn 2011" sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 28-2 tại thị xã Nghĩa Lộ - tỉnh Yên Bái.

2. Lễ hội Đền Thượng từ ngày 16 đến 18-2 tại TP Lào Cai.

3. Lễ hội Trên mây - Sa Pa 2011 từ ngày 30-4 đến 4-5 tại huyện Sa Pa.

4. Lễ hội Đền Hùng từ ngày 6 đến 12-4 tại khu di tích lịch sử Đền Hùng.

5. Hội Đua ngựa truyền thống Bắc Hà mở rộng 2011 từ ngày 27 đến 28-6 tại huyện Bắc Hà.

6. Lễ hội "Âm vang hồ Thác Bà" sẽ diễn ra vào tháng 6 tại xã Yên Bình - tỉnh Yên Bái.

7. Giải khám phá chinh phục Fansipan 2011 từ ngày 27 đến 29-10 tại huyện Sa Pa.

8. Tuần văn hóa du lịch Mường Lò vào tháng 10 tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.

9. Tuần văn hóa ruộng bậc thang Mù Cang Chải và khám phá Pú Luông vào tháng 10 tại tỉnh Yên Bái. 

Xuân Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ