Độc đáo thúng chai trét… phân bò

Hàng trăm thúng chai thành phẩm được người dân dựng bên hiên nhà, trước sân để xuất bán. Sự chắc bền và những kỹ thuật độc đáo đan thúng chai “bay” ra tận các tỉnh phía Bắc vào tận miền Tây rồi sang cả châu Á, châu Âu.

Độc đáo thúng chai trét… phân bò

Làng thúng chai

Với nhiều người dân thôn Phú Mỹ (xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), đan thúng chai là nghề cha truyền con nối. Nghề này tuy không làm giàu, nhưng giúp người dân nơi đây có cái ăn, có việc làm quanh năm. Ở Phú Mỹ hiện có 40 hộ làm nghề đan thúng chai, với hơn 120 lao động có thu nhập từ 3 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Mai Văn Tạo (40 tuổi, ngụ thôn Phú Mỹ) đã gắn với nghề đan thúng chai nhiều năm liền. Công việc của anh không những góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống làng nghề ở địa phương mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống gia đình.

Doc dao thung chai tret… phan bo - Anh 1

Anh Tạo bên những chiếc thúng chai vừa làm xong.

Là con nhà nông chính hiệu, cùng với việc đồng áng thì anh Tạo xem đan thúng chai là việc làm chính. Anh làm nghề đan thúng hơn 15 năm nay. Đầu tiên, xuất phát từ việc đan thúng theo phong trào làng nghề trong xóm như bao người khác nhưng sau này, khi sản phẩm của anh làm ra được người tiêu thụ gần xa ưa chuộng thì vợ chồng anh xem đây là nghề mưu sinh của gia đình.

Từ một khuôn đất nhỏ trong sân nhà, anh Tạo “quy hoạch”, sắp xếp gọn để có chỗ làm nghề. Theo anh Tạo, để làm được một chiếc thúng chai giao đến tận tay khách hàng phải trải qua nhiều công đoạn và phải có những người thợ đảm nhận ở từng khâu.

Trước hết, người thợ chặt tre phải chuyên nghiệp, chọn loại tre mỡ già độ 60% trở lên, mọc ở vùng đất cát, dọc các bờ sông càng tốt. Sau đó chọn những nan tre cật, vót mỏng đều rồi đem phơi 4 đến 5 nắng. Tiếp đến, người thực hiện công đoạn đan mê thúng cũng phải rành nghề, khéo tay thì từng chiếc nan đan mới đều khít, thẩm mỹ và độ bền càng tăng cao.

Doc dao thung chai tret… phan bo - Anh 2

Dùng dùi đục với lưỡi chạm gõ các nan tre khít với nhau khi đan mê để thúng không vô nước, bền đẹp.

Đan xong rồi lận vành. Vành thúng phải chọn nan chẻ từ cây tre đực, cứng chắc. Khi lận vành thúng, người thợ đào hầm đất làm khuôn rồi lận nguyên tấm mê đã đan xong xuống hầm, làm sao cho chiếc thúng sau khi lận cả vòng thúng và vành phải tròn đều, cân bằng, thẩm mỹ. Sau lận là dùng dây cước nức vành. Công đoạn tiếp theo là trét phân bò đều vào từng kẽ nan, phơi khô rồi quét dầu rái để chống thấm. Tùy theo từng người dùng mà nước quét dầu rái cũng không giống nhau nhưng thông thường phải trét bên trong ba nước, bên ngoài ba nước thì chiếc thúng mới hoàn hảo”, anh Tạo chia sẻ.

Ông Trần Văn Tiến (50 tuổi, một thợ chuyên lận vành thúng chai ở Phú Mỹ) cho hay: “Làm thúng chai tuổi nghề không quan trọng bằng kỹ thuật. Nhiều khi, những người lâu năm làm thúng có độ chắc và thẩm mỹ không sắc sảo bằng những người có hoa tay, tỉ mỉ. Trong các công đoạn làm thúng thì lận vành là khâu quan trọng nhất. Thao tác này đòi hỏi người làm phải có sức khỏe, kinh nghiệm và kỹ năng, thẩm mỹ mới thành công vì một chiếc thúng rất to khó có thể lận cho vành được tròn đều”.

Vươn mình ra thế giới

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá mỗi chiếc thúng chai bán ra thị trường dao động từ 1,2 triệu đồng đến 2,6 triệu đồng, có khi lên đến 4 triệu đồng, theo đơn đặt hàng, tùy vào kích cỡ và tùy vào số nan. Trước khi bán thúng cho bất kể khách trong nước hay xuất đi nước ngoài người thợ kiểm tra kỹ, phát hiện một lỗi dù là rất nhỏ cũng đổi thúng khác cho khách hoặc đan chiếc thúng mới.

Chính nhờ thương hiệu đáng quý khi tất cả những người thợ làm thúng ở làng Phú Mỹ đều có chung một quan điểm đặt chữ tín lên hàng đầu. Tiếng lành đồn xa, sự chắc bền và những kỹ thuật độc đáo đan thúng ở Phú Mỹ “bay” ra tận các tỉnh phía Bắc vào tận miền Tây rồi sang cả châu Á, châu Âu.

Doc dao thung chai tret… phan bo - Anh 3

Nứt vành là một công đoạn khó, quyết định độ chắc chắn của thúng chai, đòi hỏi sức khỏe của đàn ông để làm.

Năm 2011, thông qua một số công ty đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh, 125 chiếc thúng chai ở Phú Mỹ được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan. Năm 2012, phía Thụy Sỹ đã nhập 200 chiếc thuyền thúng đầu tiên của Phú Mỹ. Không chỉ đi Thái Lan, Thụy Sỹ mà tiếng tăm của làng thuyền thúng Phú Mỹ còn nhận được đơn đặt hàng nhập khẩu số lượng lớn sang các nước Đông Nam Á, Tây Âu. Cuối năm 2015, Thái Lan tiếp tục đặt hàng nhập khẩu 1250 thúng. Đến đầu năm 2016, phía Thụy Sỹ đã nhập 1400 thuyền thúng của Phú Mỹ về.

Ngư dân Võ Đốc (48 tuổi, ngụ phường 6, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết: “Vị trí của thúng chai cũng ví như những chiếc ca nô, thuyền cao su, thuyền cứu hộ trên các tàu khách, tàu hải quân; và còn hơn thế. Nếu thiếu thúng chai thì tàu cá không thể rời bến đi đánh bắt. Thúng chai còn kiêm nhiệm những công đoạn trong một số nghề câu như mực, bò gù…”.

Ông Trần Hữu Hiệu - Chủ tịch UBND xã An Dân, cho biết: “Làng nghề thúng chai thôn Phú Mỹ đang sản xuất rất hiệu quả. Năm 2009, Hội Nông dân tỉnh Phú Yên phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức 2 lớp dạy làm thúng chai cho 70 học viên, cấp chứng chỉ cho 33 học viên. Thời gian qua, chính quyền xã cũng có những mô hình đào tạo, hỗ trợ vay vốn cho người dân phát triển làng nghề”.

Theo Phụ Nữ News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ