Độc đáo "Tết hai lần" của người Tày trên đỉnh Ái Cao

Người bản Thốc cần cù, chịu khó nên trong nhà không bao giờ hết gạo, trong chuồng không bao giờ hết trâu, bò, gà, lợn. Có lẽ vì thế mà họ ăn Tết đến hai lần, gọi là Tết đi và Tết lại.

Ông Mặn kể chuyện về cuộc sống trên đỉnh Ái Cao
Ông Mặn kể chuyện về cuộc sống trên đỉnh Ái Cao

Bản Thốc nằm trên đỉnh núi Thần Nàng, tên thường gọi núi Ái Cao, là bản cao nhất, xa nhất của xã Đà Vị (Na Hang, Tuyên Quang). Nếu chỉ đứng ở chân núi mà quan sát, sẽ rất khó tìm ra dấu vết sự sống của con người bởi cả bản chỉ có khoảng hơn 30 hộ dân, hầu hết là người Tày, nằm khuất phía sau những vách núi cao chọc trời, bị che phủ bởi mây và những cây cổ thụ khổng lồ.

Người bản Thốc cần cù, chịu khó nên trong nhà không bao giờ hết gạo, trong chuồng không bao giờ hết trâu, bò, gà, lợn. Có lẽ vì thế mà họ ăn Tết đến hai lần, gọi là Tết đi và Tết lại.

Lên bản Thốc nghe chuyện núi thiêng

Theo cách giải thích của người dân địa phương thì bản Thốc có nghĩa là rất cao. Anh Dương Văn Nội (Phó Chủ tịch xã Đà Vị), một cán bộ kỳ cựu đã từng nhiều năm cắm bản tâm sự: “Đợt nào có lịch lên bản Thốc cũng lo ngay ngáy mất mấy ngày. Đêm nằm chỉ e trời mưa, ngày mai chưa chắc lên được bản. 

Đường đi chỉ có lối mòn ngoằn ngoèo, dựng đứng, thú rừng nếu chẳng may trượt chân cũng rơi mất xác nói chi con người”. Mặc dù lên bản đúng vào ngày trời quang mây tạnh, đường sá tương đối khô ráo nhưng chuyến đi của chúng tôi cũng khá chật vật.

Bù lại, người dân trong bản vừa thấy chúng tôi đã í ới chào hỏi, chưa lạ quen thế nào cũng đon đả mời vào nhà uống nước, ăn cơm. Có lẽ ở giữa lưng chừng trời này, khi cuộc sống gần như tách biệt với bên ngoài, có khi cả năm, người ta mới được đón một vị khách đến thăm, bởi thế mà quý khách hơn vàng. Ông Hoàng Văn Mặn, một già làng ở bản đưa chúng tôi lên nhà. 

Tổ tiên của ông từ nhiều đời trước đã đến khai hoang đỉnh núi này, biến sỏi đá khô cằn thành làng bản tươi xanh, trù phú. Và giờ, các thế hệ đời con, đời cháu của ông lại tiếp tục gieo cấy những mùa vàng trên mảnh đất của cha ông. Người dân ở đây ý thức được rằng họ đang sống trên ngọn núi linh thiêng nhất, ngọn núi mang tên một người con gái đã hóa thân vào huyền thoại và ở đây, họ sẽ mãi mãi được che chở, được ban phát cho những điều tốt đẹp.

Ngồi giữa nhà sàn, nghe tiếng cột nhà kẽo kẹt theo từng cơn gió lạnh, chúng tôi quây quần quanh ông Mặn nghe kể chuyện. Theo lời kể của ông, ngày xưa, trên đỉnh núi này có một mỏ bạc lớn. Nhà vua chiêu mộ hàng ngàn dân phu đưa đến để khai thác. Thuở ấy, trong vùng có một người con gái nhan sắc tuyện vời tên là Ái Cao. Nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, Ái Cao phải tự làm lụng kiếm sống. 

Dù khổ nhưng càng lớn Ái Cao càng đẹp lộng lẫy. Con gái nhà thổ ty lấy làm ghen tức, nhất là khi thấy dân bản ai ai cũng gọi Ái Cao là Nàng – danh hiệu chỉ dành cho con gái nhà thổ ty. Ái Cao đã xinh đẹp lại chịu khó, giỏi giang. Những tấm thổ cẩm Nàng dệt, những chiếc khăn Nàng thêu, cái nào cái nấy rực rỡ như cầu vồng bẩy sắc. Nhưng tất cả những gì Nàng làm ra đều bị thổ ty cướp sạch. Nhà Nàng nghèo khó vẫn hoàn nghèo khó.

Năm đó đất nước có giặc ngoài vào xâm lấn, cướp hết mỏ bạc. Thấy Nàng xinh đẹp, tướng giặc bắt về, ép làm vợ. Đe dọa, dụ dỗ nhưng chúng không lung lạc được Nàng nên đem nhốt lại và ra lệnh canh giữ nghiêm ngặt. Thấy dân làng ngày ngày bị quân lính đối xử tàn tệ, bắt làm việc hơn trâu ngựa, Nàng nghĩ ra một cách bèn nhận lời làm vợ tướng giặc với điều kiện không được đánh đập, ngược đãi và phải trả công cho dân phu. Tên chủ mỏ hứa sẽ làm theo ý Nàng. Ái Cao nghĩ, thà một mình chịu nhục mà mọi người thoát cảnh khổ cực cũng cam lòng. Nhưng lấy được Nàng rồi, tướng giặc không những chẳng hề nới tay, trái lại càng đánh đập thúc ép dân phu tàn ác hơn.

Dân bản trước đây từng cưu mang che chở cho Ái Cao nay cho là Nàng đã ham giàu sang mà phản bội nên lấy làm khinh bỉ và xa lánh Nàng. Hối hận vì khờ dại tin vào lời hứa của bọn hùm sói, tủi nhục vì bị khinh rẻ, Nàng bị rằn vặt, đau đớn ăn uống không được. Thế rồi một ngày kia, nỗi uất ức đến cực điểm, Nàng cưỡi ngựa lên đỉnh núi đâm đầu xuống vực tự vẫn. Bấy giờ, dân bản xa gần mới hiểu rõ nỗi oan ức của Nàng bèn bàn nhau tìm gỗ quý làm quan tài, mai táng nàng trên đỉnh núi. Từ đấy, dân bản gọi núi có mộ Nàng là núi Ái Cao hay Thần Nàng để ghi nhớ người con gái có tấm lòng nhân hậu.

Đón tết giữa lưng chừng trời

Dân bản tin rằng, nhờ có sự che chở của Thần Nàng mà cuộc sống của họ luôn sung túc. Vì thế, ở đây, nhà nào cũng cấy lúa nếp để làm bánh chưng, bánh giày, bánh pẻng tảy (còn gọi là bánh dậm)... các loại bánh dùng trong dịp Tết cổ truyền. Vì đường sá xa xôi cách trở, việc mua bán gặp nhiều khó khăn nên hầu hết các trong bản đều tự đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của mình. Ông Mặn chỉ chục bao thóc xếp ngay ngắn trên sàn khoe năm vừa rồi bà con được mùa, tha hồ gạo ăn. Thóc gạo thu hoạch được, người dân cất giữ trong nhà để ăn cả năm chứ không bao giờ mang bán. Ông bảo: “Sống ở đây, người ta ít khi phải dùng đến tiền. Cái gì cho được thì cho thôi, không bán”.

Độc đáo

Ở bản Thốc, nhà nào cũng đào một chiếc ao để nuôi cá giống

Bản Thốc nổi tiếng với món cá chua ngày Tết hay còn gọi là cá chép thả ruộng, ngon vào loại không có “đối thủ”. Vì mùa đông, ở đây rất lạnh và không có nước cho nên ruộng chỉ cấy được một vụ, vụ còn lại được dùng để nuôi cá chép. 

Nhà nào cũng tự đào cho mình một chiếc ao nhỏ để nuôi cá giống. Khoảng tháng Hai, tháng Ba, họ mang cá giống thả xuống ruộng, cho đẻ trứng vào những vũng nước được làm sẵn. Sau khi cá đẻ trứng, họ lại bắt cá giống mang về ao. Tháng Năm, tháng Sáu, khi lúa đã được gặt về, mùa màng xong xuôi, ruộng đồng “thảnh thơi”, đất ruộng được cày lên cùng lớp phân hữu cơ đã oải mục để lấy thức ăn cho cá. Lúc này, mỗi đàn cá con sẽ độc chiếm một thửa ruộng và chỉ việc lớn nhanh như thổi. Khi cá đã trưởng thành, người ta sẽ tiến hành thu hoạch cùng một lúc. 

Cá được muối trong các chum lớn với muối, rượu, gừng, giềng... Diêm sinh cũng được dùng như một loại gia vị trong việc muối cá với một số lượng rất nhỏ để giúp phần thịt của cá có được màu đỏ tươi. Một cách khác nữa cũng được người dân dùng để làm cá chua là nấu gạo nếp thành xôi rồi ủ với cá như rượu để trong chum bịt kín bằng tro bếp. Cá ủ từ một đến hai tháng sẽ được lấy ra rán với mỡ hoặc nấu canh ăn với cơm. Khách đến nhà ăn món đặc sản cá chua với thịt ngọt, xương nhừ, thơm ngon không gì sánh được sẽ không thể nào quên tình người Ái Cao.

Cũng giống như nhiều nơi khác ở Việt Nam, người Tày ở bản Thốc ăn Tết Nguyên đán từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng Ba tháng Giêng thì làm lễ phần vàng tiễn chân tổ tiên. “Trong dịp này, mỗi gia đình sẽ mổ một con lợn đã được vỗ béo suốt một năm để chế biến các món ăn ngày Tết. Nhà cửa được lau chùi sạch sẽ, người lớn, trẻ con ai cũng có quần áo mới, không ai làm việc, không ai buồn phiền, giận dỗi, tất cả đều chờ đợi để dành cho nhau những niềm vui, những điều tốt đẹp” – ông Mặn vui vẻ kể về Tết của bản mình.

Nhưng đến hết tháng Giêng, sang đầu tháng Hai, họ sẽ ăn thêm một cái Tết nữa gọi là Tết đắp nọi hay còn gọi là ăn Tết lại, ăn hết Tết. Sau khi ăn Tết đắp nọi, người dân ở đây mới coi là đã hết Tết và chính thức bắt tay vào một năm làm việc mới với những khởi đầu tốt đẹp. Trong Tết đắp nọi, người Tày làm rất nhiều bánh, chủ yếu là bánh pẻng tảy, một loại bánh được làm từ gạo nếp, đường, đỗ lạc, gói bằng lá chuối và hấp cách thủy.

Chia tay bản Thốc với chùm bánh pẻng tảy lủng lẳng trên tay, chúng tôi xuống núi trong cái vẫy tay đầy lưu luyến của người dân miền sơn cước. Đến khi ngoảnh lại không còn thấy bóng người, chỉ thấy những con dốc cao quá đầu, tôi vẫn còn nghe tiếng trẻ con gọi với theo một cách ngô nghê: “Chúc mừng năm mới!”. Chưa khi nào, tôi cảm giác mùa xuân lại ở gần mình như vậy. Xuân về trong tiếng gọi từ trái tim.

Theo Người Đưa Tin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ