Độc đáo Nữ thư

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời phong kiến, Hồ Nam (Trung Quốc) khét tiếng gia trưởng bậc nhất, tại đây, phụ nữ sáng tạo ra hệ thống chữ viết tuyệt đẹp và tuyệt mật là Nữ thư.

Nhà văn hóa Zhou Shuoyi, tác giả của Từ điển Nữ thư quý giá. Ảnh: bbc.com
Nhà văn hóa Zhou Shuoyi, tác giả của Từ điển Nữ thư quý giá. Ảnh: bbc.com

Thời phong kiến, Hồ Nam (Trung Quốc) khét tiếng gia trưởng bậc nhất. Chính tại đây, phụ nữ sáng tạo ra hệ thống chữ viết tuyệt đẹp và tuyệt mật là Nữ thư.

Năm 2004, người phụ nữ cuối cùng thành thạo Nữ thư, bà Yang Huanyi (98 tuổi) đã qua đời. Lịch sử hàng trăm năm của Nữ thư cũng kết thúc nhưng gần đây, một nhà văn hóa đang nỗ lực hồi sinh nó.

Tự do ngôn luận mật

Hồ Nam nằm ở phía Đông Nam Trung Quốc, là vùng núi khắc nghiệt với các đỉnh sa thạch dựng đứng, thung lũng sông sâu, hẹp. Núi chiếm hơn 80% diện tích và nhiều sơn thôn gần như biệt lập vì địa hình khó ra vào. Trước năm 1949, khu vực này vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các luật lệ Nho giáo gia trưởng. Phụ nữ bị bó chân, phải ở yên trong nhà và chỉ có thể tự giải trí thông qua thêu thùa, ca hát.

Trong Hồ Nam, huyện trọng “tam tòng tứ đức” đến mức cực đoan là Giang Vĩnh. Vào cuối thời nhà Thanh (1644 - 1911), phụ nữ Giang Vĩnh thông thạo thể loại ngôn ngữ đặc biệt mà chỉ có họ mới đọc hiểu: Nữ thư (女書).

Lịch sử Nữ thư rất khó nắm bắt. Nó có khả năng đã bắt đầu từ thời nhà Tống (960 – 1279) và phát triển trong thời nhà Nguyên (1271 – 1368), nhưng vì chỉ lưu truyền dưới dạng “mẹ truyền, con gái nối” nên không thịnh hành, luôn trong nguy cơ thất truyền.

Các dân tộc định cư ở Giang Vĩnh chủ yếu là người Hán, người Dao và người Miêu. Theo tư tưởng Nho gia, phụ nữ không được phép học hành, tự quyết mà phải nhất nhất thuận theo sự sắp đặt của cha, chồng, con trai. Đặc biệt, từ nhỏ, họ đã bị bó chân và với đôi chân bị bó, họ không thể tự mình đi lại.

Tuy không rõ Nữ thư xuất hiện từ bao giờ, nhưng chắc chắn chủ nhân của nó là phụ nữ và nguyên nhân là vì họ bị giam cầm. Tù túng và quá nhiều thời gian khiến phụ nữ nảy sinh suy nghĩ tạo ra một hệ thống chữ viết riêng chỉ họ mới đọc hiểu, dùng nó viết nhật ký, trao đổi thư từ với bằng hữu.

“Tứ đức” cấm phụ nữ than phiền, hối tiếc, buồn hận… nhưng Nữ thư lại cho phép họ tự do kể khổ, oán thán cũng như bộc lộ những tâm tư sâu kín, tư tưởng phản Nho giáo.

Nó giống như lối thoát, giúp phụ nữ có thể bày tỏ suy nghĩ thật lòng, hình thành sợi dây liên kết giữa phụ nữ với nhau, tìm kiếm tri kỷ và sự giúp đỡ, an ủi. Theo đánh giá của các chuyên gia văn hóa, lịch sử, đây chính là cách họ nổi dậy ngầm, chống lại chế độ phụ hệ.

Nữ thư chỉ có tổng cộng 600 - 700 ký hiệu, mỗi ký hiệu đại diện cho 1 âm tiết. Có lẽ vì được phát minh và phát triển bởi phụ nữ, nó đặc trưng bởi đường nét vô cùng yểu điệu, đẹp tuyệt trần. Thế kỷ XIX, khi khắp Trung Quốc đầy các cuộc nổi dậy và tư tưởng mới chào đời, Giang Vĩnh vẫn gia trưởng tuyệt đối.

Chính trong thời gian này, phụ nữ Giang Vĩnh thành thạo Nữ thư nhất. Người nào cũng tích cực sao chép các ký hiệu mà mình nhìn thấy, học thuộc lòng và dùng chúng ghi lại suy nghĩ cá nhân, trao đổi với bạn bè, hình thành nên một nền văn hóa nữ riêng biệt, dù nằm ngay trong lòng chế độ phụ hệ nhưng vẫn hoàn toàn ngoài mắt đàn ông.

Bước sang nửa đầu thế kỷ XX, Nữ thư Giang Vĩnh càng phát triển mạnh. Trong Chiến tranh Trung - Nhật (1937 - 1945), phát xít Nhật vì sợ người Hán lợi dụng Nữ thư làm mật ngữ viết và lan truyền thông điệp đã ra sức đàn áp, xóa sổ. Tuy nhiên, Nữ thư vẫn sống sót.

Phụ nữ Giang Vĩnh không chỉ viết lên giấy, mà còn thêu lên khăn tay, khăn trùm đầu, thắt lưng, viết lên quạt và dùng các đồ vật này làm quà tặng cho nhau. Mặc dù, Nữ thư không phát triển thành tiếng nói (có lẽ là do thiếu ký tự), nhưng nó vẫn được phụ nữ dùng sáng tác thơ, truyện, kết hợp với nhạc tạo ra các bài đồng dao, ca tự truyện nên cứ tiếp tục được lưu truyền.

Nữ thư đặc trưng bởi đường nét yểu điệu, kéo dài. Ảnh: bbc.com

Nữ thư đặc trưng bởi đường nét yểu điệu, kéo dài. Ảnh: bbc.com

Lụi tàn và hồi sinh

Phân tích Nữ thư cho thấy, nó là sự kết hợp của 4 phương ngữ có trong Giang Vĩnh, chịu ảnh hưởng của chữ Trung Quốc nhưng phong cách hoàn toàn trái ngược, không cứng cỏi, gãy gọn mà uyển chuyển, kéo dài. Người Giang Vĩnh gọi đây là “chữ viết muỗi” vì dáng vẻ khẳng khiu của nó.

Nhóm phụ nữ chia sẻ Nữ thư thì được gọi là “tỷ muội kết nghĩa”. Họ thường gồm 3, 4 người, nguyện kết thành chị em và giữ bí mật cho nhau trọn đời. Năm 1949, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vì muốn nêu cao lý tưởng giải phóng phụ nữ đã tìm đến Nữ thư, nỗ lực phổ biến nó.

Tuy nhiên, sự bình đẳng giới sau đó đã cho phép phụ nữ ăn học và chữ Hán, ngôn ngữ chính của Trung Quốc tiện ích hơn gấp nhiều lần. Nữ thư dần lụi tàn. Thập niên 1960, Trung Quốc phát động Cách mạng Văn hóa và lần này xóa bỏ toàn bộ những gì bị xem là cổ hủ. Nữ thư nằm trong danh sách đó.

Trước Cách mạng Văn hóa chỉ vài năm, nhà văn hóa Zhou Shuoyi nhận lời giải mã Nữ thư cho Cục Văn hóa Giang Vĩnh. “Tôi bị kết tội cánh hữu và toàn bộ hồ sơ nghiên cứu của tôi bị đốt cháy, bản thân tôi thì bị đưa đến trại lao động cải tạo đến tận năm 1979”, ông Shuoyi nhớ lại. Bước sang thế kỷ XXI, Giang Vĩnh chỉ còn đúng một người vẫn thành thạo Nữ thư là bà Yang Huanyi. Ngày 20/9/2004, bà Huanyi qua đời, lịch sử Nữ thư chấm dứt.

May mắn là dù cấm đoán, ông Shuoyi vẫn âm thầm nghiên cứu, giải mã Nữ thư. Nhờ ông, cuốn Từ điển Nữ thư được xuất bản, trở thành một trong những từ điển quý giá, quan trọng nhất thế giới.

Hiện, ông Shuoyi là chủ của Vườn Nữ thư trang nhã nhất Hồ Nam. Vườn này nằm trên bờ sông Tiêu, có phòng triển lãm Nữ thư và lớp học dạy Nữ thư. Tuy khó học, khó viết nhưng Nữ thư vẫn được một số bạn trẻ quan tâm. Mùa Hè năm 2023, khóa học thường niên của Nữ thư đã đón 20 học sinh.

Theo số liệu thống kê từ tạp chí ngôn ngữ Ethnologue, thế giới đang có tổng cộng 7.168 ngôn ngữ được sử dụng. Tuy nhiên, chỉ có dưới 300 ngôn ngữ là tiếng nói phổ biến. Mỗi ngày, số lượng tổng ngôn ngữ “sống” lại giảm đi. Sự hồi sinh của Nữ thư là nguồn cảm hứng và sự khích lệ, giúp các cộng đồng có ngôn ngữ riêng nỗ lực gìn giữ chữ viết.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Mầm non Khong Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: NTCC

Ngăn chặn từ gốc bạo hành trẻ mầm non

GD&TĐ - Từ các vụ bạo hành trẻ mầm non ở một số cơ sở, nhóm lớp ngoài công lập gần đây, giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành được ngành Giáo dục tăng cường.