Cao Bằng chào đón chúng tôi từ những nụ cười nồng hậu của người dân nơi đây đến cảm giác ngất ngây cùng thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao và biết bao cảnh thiên nhiên kì thú.
Nhưng với riêng tôi đó còn là ấn tượng không thể nào quên với một món tráng miệng đặc biệt - thạch đen.
Sau mỗi bữa ăn ở Cao Bằng, du khách sẽ được thưởng thức thạch đen thơm mát. |
Trong chiếc đĩa sứ trắng tinh là khối thạch đen tuyền - óng ánh như pha lê trông rất hấp dẫn. Từng miếng mát lạnh tan chảy trong miệng có vị ngọt dịu nhẹ, giòn nhưng hơi dẻo và đọng nơi đầu lưỡi là mùi thơm phảng phất khó gọi tên.
Hỏi chị phục vụ bàn, chị bảo đây là thức giải nhiệt độc đáo của người bản xứ.
Chị tỉ mỉ giải thích thêm: Thạch đen có mặt ở nhiều nơi với nhiều cách ăn, cách gọi khác nhau. Nguyên liệu chính là cây thạch đen (còn được gọi là cây tiên thảo hay sương sáo).
Cây thạch đen được trồng nhiều ở tỉnh Cao Bằng, nhưng có thể do khí hậu thổ nhưỡng nên chỉ khi trồng ở huyện Thạch An mới cho ra lá thạch đen đặc biệt có chất lượng tốt nhất.
Để có thành phẩm ngon và hấp dẫn là cả một quá trình người làm cẩn thận, tỉ mỉ với từng khâu quan trọng như chọn nguyên liệu, nấu lá và chế biến... Từ xưa người Cao Bằng đã có câu “"Gái Đông Khê – Lê Bảo Lạc” và thường cho rằng con gái ở đây ăn thạch đen nên mới có làn da trắng, đẹp...
Vậy thì... lẽ nào ai đã từng có dịp qua đây lại bỏ lỡ dịp thưởng thức một món quà tuyệt vời nơi được mệnh danh là “viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc này cơ chứ!