Độc đáo lễ cúng sức khỏe cho voi

GD&TĐ - Từ xa xưa, với người dân Tây Nguyên, voi không chỉ là một loài vật linh thiêng mà còn được xem như người thân trong gia đình. Do đó, vào dịp cuối năm, người dân lại tổ chức lễ cúng sức khỏe cho loài vật này để cầu mong mọi chuyện tốt lành, may mắn.

Lễ vật được chuẩn bị đầy đủ để thầy cúng thực hiện nghi lễ.
Lễ vật được chuẩn bị đầy đủ để thầy cúng thực hiện nghi lễ.

Văn hóa truyền thống

Huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) nổi tiếng về truyền thuyết săn, thuần dưỡng voi rừng với nhiều dũng sĩ tài ba. Nơi đây đang nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều đàn voi nhà lớn nhất tỉnh.

Để voi có sức khỏe, giúp người dân chở nông sản, làm nương rẫy, mỗi năm người dân trong buôn đều tổ chức cúng sức khỏe cho voi. Tại đây, ai nấy đều cầu sức khỏe cho voi, mong cho voi nghe lời, đồng thời nhắc nhở mọi người chăm sóc, bảo vệ voi.

Trước khi nghi lễ bắt đầu, người dân trong buôn làng chọn lựa thầy cúng uy tín, am hiểu các luật tục. Có thể mỗi gia đình mời một thầy cúng, hoặc tất cả cùng chung một thầy cúng.

Để chuẩn bị cho lễ cúng, mỗi gia đình có voi phải chuẩn bị 1 con heo, 3 con gà, 4 ché rượu để thực hiện 4 nghi thức gồm: Cúng tổ tiên; cúng voi; cúng chủ voi và cúng người làm cúng. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của chủ voi, các lễ vật đi kèm là rượu cần, gạo, nếp, sáp ong, chỉ sợi, vòng tay (bằng đồng) và một số lễ vật khác.

Ông Y Khiă Byă, chủ lễ cúng cho biết: Lễ cúng sức khỏe cho voi thể hiện mối quan hệ gắn bó mật thiết và lòng yêu thương, quý trọng của người M’Nông đối với loài vật này. Đây cũng là dịp để con người tạ ơn thần linh, cảm ơn những chú voi đã giúp đỡ cho chủ voi và buôn làng, đồng thời mong voi luôn có sức khỏe để phục vụ và gắn bó với con người.

Voi được tập trung để chuẩn bị cho nghi lễ cúng sức khỏe.
 Voi được tập trung để chuẩn bị cho nghi lễ cúng sức khỏe.

Ngày hội buôn làng

Theo ông Y Khiă, trước đây lễ cúng sức khỏe cho voi thường được tổ chức trong 3 ngày: Ngày thứ nhất, cúng cổng buôn và mời tổ tiên về để thông báo. Ngay từ sáng sớm, tất cả người dân cùng có mặt, mỗi người một việc để chuẩn bị cho lễ cúng.

Trong ngày này, người dân chuẩn bị 1 con heo, 2 ché rượu (1 ché cúng cổng buôn và 1 ché cúng ông bà). Sau khi có đủ lễ vật, tiếng cồng chiêng vang vọng cả buôn làng. Lúc này, thầy cúng dẫn đầu đoàn, cầm theo sừng trâu và ống tre đựng rượu đến cổng buôn tưới rượu, đọc lời khấn để cảm tạ các thần linh đã che chở, bảo vệ dân làng và mời các linh hồn đã khuất về dự lễ.

Sau đó thầy cúng trở về nhà chủ voi để tiếp tục cúng tổ tiên với lễ vật gồm 1 con heo, 1 con gà, 1 ché rượu... để thông báo về ngày giờ cúng sức khỏe cho voi. Khi đó, tổ tiên biết được sẽ về phù hộ cho voi có sức khỏe và mọi việc diễn ra thuận lợi. Khi nghi lễ đã xong, thầy cúng lần lượt mời ông bà, họ hàng của chủ nhà và khách đến dự cùng nhau uống rượu cần, đánh cồng chiêng, múa hát.

Ngày thứ hai, cúng sức khỏe cho chủ voi nên được tổ chức ở nhà chủ voi với lễ vật gồm 1 con heo, cơm nếp, 4 ché rượu. Sau khi ché rượu đổ đầy, đội cồng chiêng đánh một bài khai lễ, thầy cúng đọc lời khấn, cầu mong cho chủ voi có sức khỏe để nuôi dưỡng đàn voi mạnh khỏe, trung thành với con người.

Khi nghi thức hoàn thành, thầy cúng mời chủ nhà uống trước, tiếp đó là những người thân trong gia đình rồi đến những người đến tham dự buổi lễ uống rượu để chia vui cùng gia chủ.

Đến ngày thực hiện lễ chính, lễ cúng sức khỏe cho voi, tất cả voi trong buôn được tập trung tại nơi tổ chức nghi lễ cúng chung. Thầy cúng đọc lời khấn, mong những điềm xấu, xui xẻo tránh xa gia đình và voi. Đồng thời cầu mong voi có sức khỏe, giúp đỡ gia chủ công việc nhà, nương rẫy...

Đọc xong lời khấn, thầy cúng dùng huyết vật tế bôi lên đầu từng con voi. Đến con voi nào được cúng, nài voi cũng được ban rượu, thịt và thực hiện nghi lễ cúng với ý nghĩa cam kết thương yêu voi như người bạn, chăm sóc cho voi luôn khỏe mạnh, để các thần linh ngăn cản và chỉ bảo đàn voi không phá hoại mùa màng, hoa màu của con người... Khi tất cả các nghi lễ đã xong, các chủ voi mời mọi người trong buôn làng ăn uống, chia vui.

Tuy nhiên, hiện nay nghi lễ cúng sức khỏe cho voi được rút gọn làm trong một ngày với số lễ vật ít hơn; Nhưng vẫn đầy đủ các phần lễ: Cúng cổng buôn và mời ông bà đã khuất về dự; cúng sức khỏe cho chủ voi; cúng sức khỏe cho voi.

Bà Ôih Byă (SN 1940, buôn Buôn Đôn A, huyện Buôn Đôn) cho hay: Lễ cúng sức khỏe cho voi, các chủ voi chỉ cần chuẩn bị 1 con heo, 3 con gà, 4 ché rượu để thực hiện 4 nghi lễ trên.

Trong ngày diễn ra lễ cúng, thầy cúng mời Yàng, các vị thần núi, thần sông, thần voi… về chứng kiến và ban phát sức khỏe cho voi, cầu mong cho chúng luôn khỏe mạnh, hợp tác, giúp đỡ chủ nhà trong những công việc quan trọng. Sau lời khấn, từng con voi được các nài voi điều khiển tiến lại gần để thầy cúng đặt đầu heo, gạo và bôi tiết, rượu lên đầu voi để cầu chúc voi luôn khỏe mạnh.

Các chủ voi cũng được cúng trong lúc cúng cho voi. Sau khi hoàn thành, các chủ voi sẽ mang 1 con gà, 1 ché rượu để cúng thầy cúng nhằm cảm ơn thầy đã giúp đỡ, cầu mong cho voi sức khỏe.

Tiết vật cúng được thầy cúng bôi lên đầu voi, cầu mong sức khỏe, mọi chuyện tốt lành.
 Tiết vật cúng được thầy cúng bôi lên đầu voi, cầu mong sức khỏe, mọi chuyện tốt lành.
Mặc dù trải qua nhiều năm, nhưng người đồng bào M’Nông vẫn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là nghi lễ cúng sức khỏe cho voi. Lễ cúng là dịp để con người tạ ơn thần linh, cảm ơn những chú voi đã giúp đỡ cho chủ voi và buôn làng, đồng thời mong voi luôn có sức khỏe để phục vụ và gắn bó với con người mãi mãi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ