Có cảm giác như tác giả sử dụng ngay cả phương pháp ngoa dụ của Chèo để diễn tả mọi thứ.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, khi tác giả Nguyễn Toàn Thắng đã gắn bó nhiều năm với sân khấu với các kịch bản được dựng đủ thể loại từ kịch nói, chèo, cải lương… Cũng chính vì thế, mà các truyện ngắn trong tập truyện này đều được kể rất kịch tính, khiến cho người đọc sẽ phải theo dõi từ dòng đầu tiên đến dòng cuối cùng để biết kết cục ra sao.
Những truyện ngắn trong tập truyện này đa phần đều được viết với phong cách ăm ắp phận đời, lan tỏa tiếng cười để rồi cái kết đầy bất ngờ, nhưng vẫn nhân văn và tươi sáng.
Những nhân vật của Nguyễn Toàn Thắng, dù tốt dù xấu, đều đáng yêu và đáng thương. Cách nhìn trìu mến này làm cho những truyện ngắn trong tập trở nên nhẹ nhàng, và đôi khi, dễ cho độc giả soi lại chính mình. Nguyễn Toàn Thắng tung ra một sự kiện, rồi nhân vật biến đổi theo sự kiện, trở thành sự biến như phương pháp cổ điển của sân khấu, để rồi trong dòng sự kiện ấy, các nhân vật sống cuộc đời của mình mà không chịu bất cứ sự sai khiến nào của người tạo ra chúng.
Mỗi truyện ngắn, ngoài câu chuyện kịch tính, giọng văn hài hước rất đặc sắc không lẫn vào đâu, thì còn có những tục ngữ mới, những từ ngữ tạo trend của ngày hôm nay.
Giọng văn hài hước giễu nhại phát huy tác dụng đến đỉnh điểm trong những truyện ngắn về đề tài showbiz. Nếu Vô cùng thương tiếc là một câu chuyện nực cười về tình trạng ăn theo người nổi tiếng ngay cả khi người ấy đã qua đời, thì Khẩu chiến vạch ra những chiêu trò cãi vã tranh luận trên mạng hay trên các phương tiện truyền thông để tự PR.
Nếu Diva xóm phố là lời cảnh tỉnh về sự ngộ nhận tài năng, sự bám đuổi ánh đèn sân khấu như con thiêu thân thì B.G là câu chuyện về một người mẫu nam xuất thân nông thôn phải tìm mọi cách để trụ lại với showbiz. Mảng đề tài này nếu viết với phong cách hiện thực thì rất hay tuy nhiên có phần tàn nhẫn. Cho nên, với cách viết hài hước mà xen lẫn chua cay, dí dỏm mà ẩn sâu nhiều suy tưởng về con người, Nguyễn Toàn Thắng đã phác họa ra những nhân vật luôn quay cuồng trong ánh chớp số phận mà không thể dứt ra nổi. Những nhân vật của chùm truyện ngắn về showbiz này, dù là một nhạc sỹ hết thời, một người mẫu hoang tưởng, hay một nhà văn có phần ngộ nhận về công việc của mình, đều không đem đến cho độc giả sự khó chịu, mà cảm giác chung là sự thương xót, bởi độc giả cũng nhìn thấy một phần nào của mình trong đó.
Giọng văn hài hước giễu nhại độc đáo ấy còn thể hiện trong những truyện ngắn mang tính hiện thực cao như Những con sâu, hay Tình ca du mục. Nếu như Những con sâu là bức tranh hiện thực của người nông dân không thể đem đến cho đời những sản phẩm nông nghiệp xanh-sạch do cả yếu tố chủ quan và khách quan, thì Tình ca du mục là câu chuyện tình yêu dang dở của một chàng trai Việt Nam và một cô gái ngoại quốc, bị ngăn cách bởi những khác biệt văn hóa mà đôi khi, tình yêu chưa tìm ra cách đủ mạnh để xóa mờ những ngăn cách ấy. Nguyễn Toàn Thắng kể chuyện như thể những người kể chuyện lang thang của thuở xa xưa, không chú tâm tả cảnh hay tả tình mà chỉ đưa ra những tình tiết có chủ ý để người đọc tự suy ngẫm riêng cho mình. Cách kể chuyện ấy khiến độc giả dễ dàng tiếp nhận hơn bởi họ không bị sự nhận định chủ quan có phần thái quá của người kể chuyện chi phối.
Hãy cùng tác giả trải nghiệm qua những câu chuyện đời có thật hoặc hình như có cũng hình như không, mà vẫn góp phần tạo nên mạch sống tinh thần xã hội:
Chuyện Trương Bốn, Tình ca du mục, Người da gấu năm 20xx, Tác phẩm chưa kịp để đời, Chuyện chuột ăn muối, Diva xóm phố, Nhà từ thiện, Số đen, Cào cào bay lên, Khẩu chiến, Báu vật của đại gia, Ngồi mâm trên, Vô cùng thương tiếc, BG, Máu nóng, Đại hiệp và phu nhân, Những con sâu.
"Da gấu và chuyện Trương Bốn”, với độ dày 240 trang, là một tập truyện ngắn có độ dày vừa phải, hợp với độc giả ngày hôm nay.
Nói về sách “Da gấu và chuyện Trương Bốn”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho biết: “Nguyễn Toàn Thắng xuất hiện ở “làng văn” một cách lặng lẽ, như cách anh đứng bên cánh gà sân khấu nheo mắt dõi theo vở hài kịch đang diễn ra khốc liệt ngoài kia. Cái kiểu nheo mắt không phải để giễu, mà để xác lập cho mình một vị thế ở những hàng khiêm tốn nhất.
Nụ cười của tác giả ẩn trong những tình tiết các câu chuyện mà anh sắp ra, như kiểu sắp ván cờ, bằng những con chữ chứa hình ảnh của những vở diễn.
“Thăng hoa xong, Cổn ngồi ngay vào bàn, hối hả viết” (Tác phẩm chưa kịp để đời), dường như đã bao hàm tất cả ý nghĩa của tập truyện ngắn này: tâm thế của người viết, sự đắm đuối đến mê muội của người viết, và cả sự cô đơn nghiệt ngã, hài hước của không chỉ nghiệp viết…”.