Người dân vẫn thường hay gọi khu chợ này là “chợ Campuchia”, hay “chợ Miên” giữa lòng Sài Gòn.
Chợ được thành lập bởi dòng người Campuchia di cư sang Việt Nam sinh sống từ những năm 70 của thế kỷ trước, cũng như kiều bào người Việt từ Campuchia hồi hương, mang theo “phong vị” ẩm thực của xứ chùa tháp.
Theo nhiều tiểu thương, đa số những người bán hàng Campuchia tại chợ hiện nay đều thuộc vào thế hệ thứ 2. Lớp người trước, những người trở về từ Campuchia đến nay đã già, có người không còn. Lúc mới hình thành chợ chỉ lác đác vài người bán chủ yếu phục vụ cho người Khmer sống tại Sài Gòn. Dần dà, khách người Việt ủng hộ càng lúc càng đông và “chợ Campuchia” phát triển đến ngày nay.
Có hai con đường chính dẫn vào chợ Campuchia, một là đi từ con hẻm 374 đường Lê Hồng Phong, hai là đi từ con hẻm 57 Hồ Thị Kỷ thẳng vào. Những ngày phòng dịch Covid-19, hạn chế đi lại, chợ Campuchia dường như thu hút nhiều thực khách đến mua hàng khô hơn.
Thiên đường khô cá nước ngọt
Ngay ngã tư giữa trung tâm chợ du khách đã gặp 2 sạp bán các loại đặc sản Campuchia gồm các loại khô cá, lạp xưởng, mắm, thốt nốt và các nhu yếu phẩm nhập về từ xứ chùa tháp. Hàng trăm loại khô cá, nhái, rắn, tôm… xếp thành từng xấp, bịch, treo từng dãy với đủ thứ màu sắc hấp dẫn. Từng thau ba khía đầy vun, mùi mắm nồng đượm khiến ai đi ngang cũng muốn mua về thưởng thức.
Các loại khô ở chợ đều được làm từ hàng chục loại cá, tôm khác nhau đánh bắt từ Biển Hồ. Giá mỗi loại từ 350.000 đồng đến hơn 400.000 đồng/kg tùy từng loại, mua “sỉ và lẻ” đều có. Có loại giá trên triệu đồng mỗi ký. Chị Ngọc - sạp bán khô cá cho biết: “Khô cá lóc, khô cá sặc, khô nhái tầm từ 350.000 đồng đến gần nửa triệu đồng/kg. Tôm khô, khô cá tra Biển Hồ, giá cả triệu đồng/kg, dịp lễ, Tết “cháy hàng” không có mà bán”.
Làm từ cá nước ngọt nên các loại khô nơi đây thịt dày mà lại ít xương hoặc xương mềm. Trong đó nổi bật nhất là khô cá lóc, được chế biến thành nhiều món khác nhau với nhiều cách tẩm ướp, nhiều kích cỡ. Bên cạnh cá lóc, một đặc sản độc đáo khác là khô cá trèn bầu nhỏ bằng hai đầu ngón tay xếp lớp, được giới thiệu là “bỏ xương ăn ngọt ngay luôn”. Theo những người bán, loại cá này chỉ có người gốc Campuchia mới mua về ăn, những con kho cá nhỏ, được hun khói sậm đen nhưng lại có vị ngọt thịt hơn. Món khô này thường được làm gỏi với lá sầu đâu. Chỉ bỏ ra 15.000 đồng mua một bó lá sầu đâu, cộng thêm ít khô cá trèn bầu, ít thịt ba chỉ, thêm ít mắm me là có thể làm món gỏi kho trèn sầu đâu, một món ăn dân dã rất đặc trưng của người Khmer.
Địa chỉ ẩm thực khó quên
Ngoài bán các loại đồ khô đặc sản xứ Biển Hồ, chợ Campuchia còn hấp dẫn khách thập phương bởi nơi đây có nhiều hàng quán ẩm thực mang nét đặc trưng xứ chùa tháp.
Một trong những món ăn hấp dẫn khó bỏ qua khi đến chợ Campuchia là bún Num Bo Chóc. Bún Num Bo Chóc, lạ lẫm từ cái tên đến hương vị, là món ăn không chỉ cầu kì trong cách chế biến mà nguyên liệu còn cực kỳ độc đáo. Thành phần chính làm nên hương vị riêng là mắm bò hóc và ngải bún (một loại củ có hình dáng và màu sắc như củ nghệ). Nồi nước hấp dẫn tỏa hương thơm lừng và bắt mắt trong sắc vàng của ngải bún, củ nghệ, sả…
Đặc biệt hơn là sự góp mặt của trái chúc thơm dịu và nước mắm bò hóc, những nguyên liệu chỉ có trong ẩm thực Campuchia. Tô bún thơm lừng, đa dạng với đủ loại thức ăn bên trong. Miếng thịt cá lóc to tròn được ướp từ trước nên thấm đượm gia vị. Ngon nhất ở món bún này có lẽ là phần rau sống ăn kèm. Ngoài rau muống, bắp chuối, rau thơm, bông súng, bông so đũa còn có cả bông điên điển, một loại rau khó tìm thấy ở Sài Gòn, góp thêm sắc màu cho tô bún thêm tươi ngon “đậm vị”.
Có nhiều hàng bán loại bún này, nhưng nổi tiếng nhất là quán bún “Num Bo Chóc” mang tên Tư Xê nằm ở một góc lớn ngay bên ngã tư lối giữa trung tâm chợ. Đây cũng được xem là quán bún “Num Bo Chóc” nổi tiếng nhất Sài Gòn. Quán do bà Tư Xê, có chồng là người Campuchia, khởi nghiệp từ lâu, với “bí quyết” gia truyền. Cũng ở quán Tư Xê, thực khách muốn tự tay làm bún Num Bo Chóc cũng có thể tìm mua được những thứ gia vị đặc trưng tại đây như mắm bò hóc, ngải bún và trái chúc (một loại quả đặc trưng, vị như trái chanh).
Một đặc sản ẩm thực khác ở chợ Campuhia là chè. Nơi đây bày bán các món chè với đủ màu sắc hấp dẫn như: Chè hột me, chè bí đỏ, chè thốt nốt, chè trứng... Độc đáo là món chè làm từ những nguyên liệu như sữa tươi, cốt dừa, sầu riêng, thốt nốt, bí đỏ, lòng đỏ trứng… Hương vị sầu riêng hòa với vị béo của sữa tươi, nước cốt dừa, mằn mặn của lòng đỏ trứng đã tạo nên nét đặc trưng của các món chè Campuchia. Tiệm chè cô Huội nổi tiếng nhất khu chợ này. Cô Huội, chủ quán cho biết: “Mình đã bán ở đây gần bốn mươi năm nay, nguyên liệu của các món chè ở đây đều phải “nhập” từ
Campuchia về”. Với vị ngọt thanh hòa cùng hương vị thơm béo, chè Campuchia là món tráng miệng quen thuộc của mọi lứa tuổi. Mỗi món chè ở đây có giá từ 15.000 – 20.000 đồng.
Với những nét đặc trưng độc đáo, sự phát triển và giao lưu kinh tế văn hóa, ngày nay, chợ Campuchia không còn chỉ là chợ cho người gốc xứ chùa tháp, mà đã trở thành nơi mua sắm thưởng thức của người Việt và cả khách du lịch thập phương tại Sài Gòn.