Đến nay, đã 430 năm, tục kết chạ giữa 2 làng Kim Thượng và Châu Lỗ vẫn được giữ gìn, tình huynh đệ keo sơn bền chặt, thủy chung son sắt, thiêng liêng cao cả.
Ngày 18/2, Lễ kỷ niệm 430 năm kết nghĩa giữa làng Kim Thượng, xã Kim Lũ (Sóc Sơn, TP Hà Nội) với làng Châu Lỗ, xã Mai Đình (Hiệp Hòa, Bắc Giang) được tổ chức long trọng tại Đình làng Kim Thượng, xã Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội).
Cụ Ngô Sỹ Nhiều (82 tuổi) làng Kim Thượng cho hay, 2 làng kết nghĩa làm anh em. Tình huynh đệ của hai bên được thực hiện bằng những quy ước theo nghi lễ của tục kết chạ hết. 430 năm qua, các quy ước này vẫn được duy trì với những nét văn hóa độc đáo, trong đó có quy ước trai, gái hai làng không được lấy nhau.
Người dân làng hai làng coi nhau như anh em ruột, họ quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, thực hiện đúng quy ước “sinh tử bất ly, hoạn nạn tương cứu".
Đại diện các cụ cao niên của hai làng trao nhận lễ vật. |
Cụ Ngô Sỹ Nhiều viện dẫn, năm 1964, dân Kim Thượng đã sang đắp đập giúp dân Châu Lỗ, con đập dài 600m, với khối lượng hơn 4.000m3 đất, để tạo vùng giữ nước tưới cho hơn 100 mẫu lúa và hoa màu, chuyển hơn 40 mẫu cấy 1 vụ thành cấy 2 vụ lúa. Khi con đập ấy hoàn thành được mang tên “Đập Kim Châu”. Năm 1993, hai làng cùng giúp nhau xây hai xong đường làng dài rộng. Cả hai bên đều lấy tên là đường “Kim Châu”.
Nhấn mạnh một số đặc điểm nổi bật của tình huynh đệ của 2 làng Kim Thượng và Châu Lỗ, cụ Ngô Sỹ Nhiều cho biết: Thứ nhất, hai dân kết nghĩa từ lâu đời (1594) bắt nguồn từ tình cảm chân thành và sâu nặng.
Thứ hai, khi tổ chức kết nghĩa huynh đệ, 2 làng đã xây dựng 5 điều quy ước. Trải qua 430 năm, các quy ước này vẫn được thực hiện tự giác, nghiêm túc và luôn giữ đúng qua các triều đại lịch sử.
Cụ thể là: Nam từ 15 tuổi trở lên mới được gánh góp việc của 2 dân; Chỉ giao dịch việc công không giao dịch việc tư nhân; dân hai làng không được kết hôn với nhau; giúp đỡ nhau vô tư, không hoàn lại, không suy bì tính toán thiệt hơn; người đến cư trú phải từ 3 đời trở lên, được dân đồng ý mới được gánh vác việc của 2 dân; giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống dân sinh, xây dựng quê hương, tu sửa tôn tạo đình đền, chùa của hai làng rất nhiệt tình và vô tư; mới cư trú phải được 3 đời, toàn dân nhất trí mới được gánh vác, ngồi tiếp "dân Anh".
Ngoài ra, một trong những nét độc đáo trong tục kết chạ của hai làng Kim Thượng và Châu Lỗ là, quan hệ hai dân bình đẳng, tôn trọng và đều gọi nhau là nghĩa huynh: "Anh" và xưng “Em”; không phân biệt tuổi tác, hơn kém, giai cấp, chức vụ.
Bắt nguồn từ “Ngưu tinh”
Theo các cụ cao niên của hai bên, cuộc kết nghĩa huynh đệ của 2 làng Kim Thượng - Châu Lỗ được bắt nguồn từ sự tích “Ngưu tinh” và đi phu Cao - Lạng.
Sau khi vua Lê lên ngôi chính diện, xuống chiếu đại xá thuế cho muôn dân, khắp nơi mở hội ăn mừng chiến thắng và được mùa lúa mới, phong đăng hòa cốc.
Cụ Trần Văn Lâu kể lại, hưởng ứng hội vui chung đêm ngày 11/9, dân làng Kim Thượng ngả trâu để hôm sau làm lễ tế thần. Một con trâu trắng đem ra chờ giờ khởi sự, bỗng trâu lồng lên đứt chạc bỏ chạy, dân làng chia nhau đi tìm.
Hôm sau dân làng Châu Lỗ làm lễ tế thần tại đền làng thì thấy một con trâu trắng từ đâu chạy đến nằm phục ngoài bãi cỏ trước cửa đền. Nghĩ rằng điềm lạ do các đấng thần linh xui khiến; từ đó mệnh danh điềm ấy với cái tên kính trọng là “Ngưu tinh”, nghĩa là ngôi sao trên trời ứng điềm vào con trâu ấy để có một sợi dây vô hình bắt đầu làm nên mối tình thiện cảm giữa 2 dân Kim Lũ và Châu Lỗ.
Người dân Kim Thượng nô nức trẩy hội. |
Sự tích đi phu Cao Lạng
Đầu năm Giáp Ngọ (1594), tình cờ người dân hai làng đều đi phu, đắp đền thành nhà Mạc ở Lạng Sơn. Hàng vạn người dân phải đi phu Cao Lạng, lao động cực nhọc, khổ sai đói rét. Hai dân Kim Thượng và Châu Lỗ cùng chung cảnh phận ấy. Họ đã bên nhau, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi.
“Đoàn kết bênh vực bảo vệ những lúc bị bọn cai phu đánh đập. Nhiệt tình cùng làm giúp nhau thay phần cho người trong đoàn bị ốm. Sự “tương thân, tương ái” của 2 đoàn như anh em ruột trong nhà” – cụ Ngô Sỹ Nhiều bày tỏ và cho biết, từ chuyện “Ngưu tinh” đến tình cảm những ngày “đi phu Cao Lạng” đã dẫn đến cuộc tình kết nghĩa huynh đệ hai dân.
Đúng ngày 12/9/1594 (âm lịch) buổi lễ kết nghĩa huynh đệ hai dân được tổ chức long trọng tại đền làng Châu Lỗ và thông qua văn bản kết nghĩa, với 5 điều quy ước đã nói trên.
Dưới đây là một số hình ảnh của Lễ hội:
Được tham gia phục vụ lễ hội là vinh dự của các cụ và trai đinh của hai làng. |
Rước kiệu về Đình làng Kim Thượng. |
Các chương trình, hoạt động được tổ chức tại quần thể di tích Đình làng Kim Thượng. |
Hai bên thực hiện các nghi lễ tại Đình làng Kim Thượng. |
Hát quan họ trên ao Đình Kim Thượng. |
Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm làng có tục kết chạ. Tục kết chạ thể hiện một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của cha ông xưa. Xã hội có nhiều thay đổi, nhiều làng đã lên phố nhưng người dân vẫn có ý thức lưu giữ nét đẹp xưa.