Tăng nhanh số lượng
Số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giảm 18,4% và lao động giảm tới 23,1% so với thời điểm 1/1/2012. Bình quân giai đoạn 2012 - 2017 mỗi năm giảm 4% về số DN và 5,1% về số lao động. “Điều này cho thấy chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại các DNNN đã có tiến triển, nhưng quá trình thực hiện còn khá chậm” - ông Nguyễn Bích Lâm (Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê) đã đánh giá, khi công bố kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng phân tích: “Số DN FDI tăng tới 54% và lao động tăng tới 62,8% so với thời điểm 1/1/2012; bình quân năm giai đoạn 2012 - 2017, số DN FDI tăng 9% và lao động tăng 10,2%, cao hơn 2 lần so với DNNN. Số DN ngoài Nhà nước tại thời điểm 1/1/2017 tăng 52,3% và lao động tăng 27,9%, cao hơn DNNN nhưng thấp hơn DN FDI; bình quân năm giai đoạn 2012 - 2017 số DN ngoài Nhà nước tăng 8,8% và lao động tăng 5%. Kết quả này cho thấy, DN FDI thu hút nhiều lao động nhất trong 5 năm qua góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động”.
Một điểm đáng chú ý là số lượng đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tôn giáo tiếp tục tăng, tập trung ở khu vực dịch vụ, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
“Số lượng đơn vị và lao động trong khu vực kinh tế tăng nhanh hơn khu vực hành chính, sự nghiệp thể hiện xu hướng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - ông Nguyễn Bích Lâm nêu - “DN có tốc độ tăng cao nhất cả về số lượng đơn vị và lao động, với gần 517,9 nghìn DN đang tồn tại, tăng 176,3 nghìn DN - tăng 51,6% so với năm 2012. Khối DN thu hút hơn 14 triệu lao động, tăng 28,2% (tương đương 3,1 triệu người) so với năm 2012”.
Trong khi đó, đơn vị hành chính, sự nghiệp phát triển theo hướng tăng nhanh khu vực sự nghiệp. So với năm 2012, số đơn vị hành chính, sự nghiệp tăng 2,3% và lao động tăng 11,3%. Trong khi, các đơn vị hành chính tăng nhẹ với 0,1% về số lượng và 5,8% về lao động thì các đơn vị sự nghiệp tăng khá hơn với mức tăng 2,4% về số đơn vị và 14,7% về lao động.
Nếu xét theo vùng kinh tế thì vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn là nơi tập trung đông nhất số đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp với trên 1,5 triệu đơn vị và thu hút 8,04 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 26,4% về số đơn vị và 29,9% về lao động. Tiếp đến, vùng Đông Nam Bộ chiếm tỷ trọng 19,4% về số đơn vị và 27,9% về lao động. Vùng Đông Nam Bộ có quy mô lớn nhất cả nước về số DN với 216,2 nghìn DN, chiếm 41,7% tổng số DN trên cả nước, thu hút 5,3 triệu lao động, chiếm 37,7%.
Độ tuổi và trình độ chuyên môn được nâng lên
Đáng chú ý là trình độ lao động đang làm việc trong các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp và tôn giáo tại thời điểm 1/7/2017 đã có sự thay đổi tích cực. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo giảm từ 34,7% (năm 2012) xuống còn 29,7% (năm 2017), tỷ lệ lao động được đào tạo từ sơ cấp trở lên đều tăng hơn so với năm 2012. Trong đó, tỷ lệ lao động có trình độ đại học tăng từ 17,9% (năm 2012) lên 18,4% (năm 2017); tương tự tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng tăng từ 4,9% lên 6,7%; tỷ lệ lao động có trình độ trung cấp tăng từ 9,7% lên 10,7% và tỷ lệ lao động có trình độ sơ cấp tăng từ 6,8% lên 8,8%.
Khu vực hành chính, sự nghiệp: Tỷ lệ lao động có trình độ đại học là 49,7%, trên đại học 7,2%, cao hơn so với năm 2012 (năm 2012 trình độ đại học chiếm 43,1%, trên đại học 4,9%). Khu vực DN, các ngành có lao động ở trình độ đại học và trên đại học chiếm trên 50% gồm: Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin truyền thông, giáo dục và đào tạo, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ… Điều này phản ánh thực tế về nhu cầu lao động có trình độ cao ở các ngành này.
Trong các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, tỷ lệ lao động chưa được đào tạo còn khá cao, chiếm 59,9% tổng số lao động của khu vực này và tỷ lệ này cũng đã giảm hơn so với các kỳ tổng điều tra trước đây (năm 2012 chiếm 67,2%, năm 2007 chiếm 85%).
“Theo nhóm tuổi, lực lượng lao động từ 31 đến 45 tuổi chiếm tỷ trọng cao nhất với 42,7%, nhóm từ 30 tuổi trở xuống chiếm 35,2%. Trong khu vực DN, lao động chiếm tỷ trọng lớn nhất ở nhóm từ 16 đến 30 tuổi với 47,7%, đơn vị hành chính, sự nghiệp nhóm lao động có độ tuổi 31 - 45 tuổi chiếm tỷ trọng cao nhất với 49,8%” - kết quả Tổng điều tra kinh tế chỉ rõ.
Lao động của khu vực hợp tác xã và cá thể tập trung chủ yếu ở nhóm từ 31 đến 45 tuổi. Số lao động có độ tuổi trên 60 chiếm 2,8%, tăng hơn so với mức 0,5% của kỳ tổng điều tra 2012, chủ yếu làm việc ở các cơ sở tôn giáo và một số ở các cơ sở SXKD cá thể và hợp tác xã.
Trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi Luật DN ra đời năm 2000, cùng với chủ trương, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng phát triển bình đẳng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN ngoài Nhà nước, đặc biệt các DN vừa và nhỏ, DN FDI phát triển nhanh và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu hút nhiều lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.
Công nghiệp và xây dựng tiếp tục thu hút nhiều lao động, tạo ra lợi nhuận và đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước. Khu vực dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ lệ cao nhất về số DN, vốn và doanh thu, đồng thời là khu vực đang phát triển nhanh hơn các khu vực còn lại. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện có quy mô nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của khu vực này và có tỷ lệ đóng góp ngày càng giảm so với khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ. Chuyển dịch cơ cấu DN ngành công nghiệp theo trình độ công nghệ.
“Khi đề cập đến những mong muốn của DN từ Chính phủ, các cơ quan Nhà nước, nhằm hỗ trợ các DN khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại, thì có tới 84,6% DN mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, 69,4% DN muốn được hỗ trợ cung cấp và hướng dẫn chi tiết thông tin về hiệp định, 55,3% DN muốn có được thông tin về thị trường nước ngoài từ Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước, 48,9% DN muốn có thông tin về thị trường trong nước” - ông Nguyễn Bích Lâm cho biết - “Để nắm bắt các cơ hội từ hội nhập thì dự định DN mong muốn theo đuổi nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm chiếm 75,1%, mở rộng sản xuất chiếm 69,2% và tìm kiếm thị trường mới 62,1%. Tiếp đến là thay đổi nâng cấp công nghệ chiếm 43,9%. Tăng vốn và đào tạo, đào tạo lại lao động chiếm lần lượt là 32,9% và 31,9%”.n