(GD&TĐ) - Đã thành thói quen, cứ mỗi dịp Tết về là nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước lại tăng cao, với tâm lý “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, khi mà hàng hoá tồn kho vẫn cao ngất ngưởng, người dân ngày càng tiết kiệm chi tiêu, các doanh nghiệp xem ra lại sốt sắng làm “nóng” thị trường Tết hơn là nhu cầu thực.
Chưa tết, đã lo tồn kho... hàng Tết
Tết Quý Tỵ 2013 này, dự đoán sức mua chỉ tăng khoảng 5 - 10%, có lẽ là mức tăng dự báo thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Thống kê về tình hình chuẩn bị hàng hoá Tết của Bộ Công Thương từ các địa phương và các doanh nghiệp lớn cho thấy lượng hàng chuẩn bị đã giảm đáng kể so với thông lệ. Các doanh nghiệp chỉ tập trung vào những mặt hàng thiết yếu với giá cả phù hợp, đồng thời kết hợp luôn việc bán hàng Tết với đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi kích cầu để tranh thủ giải phóng hàng tồn kho; liên kết với chính quyền địa phương đẩy mạnh chương trình bán hàng bình ổn giá, đưa hàng về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để “phục vụ tại chỗ”, nghĩa là người bán phải tìm đến người mua chứ không phải người mua đi tìm người bán như trước nữa.
Tâm lý chọn phương án an toàn, không kỳ vọng vào “chiếc đũa thần” tiêu dùng Tết có vẻ bao trùm lên cả những nhà phân phối, bán lẻ có tên tuổi. Trong khi nhà sản xuất đang cắt giảm đầu tư thì các doanh nghiệp bán lẻ lại đẩy mạnh triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng sớm cho dịp Tết, đồng thời, đẩy mạnh cung cấp ra thị trường các sản phẩm mang nhãn hàng riêng, rẻ hơn từ 10 - 30% so với các hàng hóa cùng loại. Đến thời điểm này, những nhà bán lẻ lớn như Sài Gòn Co.op, Big C, Hapro... đã hoàn tất công tác chuẩn bị phục vụ dịp Tết, với công bố mức chuẩn bị cũng chỉ... tương đương năm 2012, và không lấy đích nhắm là Tết mà chủ yếu hướng vào phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân, trong đó chú trọng hơn một chút vào hàng hoá thiết yếu của những ngày Tết như thực phẩm, bánh kẹo và đồ uống. Thậm chí kể từ đầu tháng 1 năm 2013 tới nay, hầu hết các nhà bán lẻ tên tuổi cũng đã công bố những chương trình giảm giá ở hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ nay đến Tết Nguyên đán, với mục tiêu duy nhất là kích cầu tiêu dùng để tránh tồn kho.
Người dân có nhiều lựa chọn hơn trong việc mua sắm hàng tiêu dùng dịp Tết này |
Tại các siêu thị là như vậy. Còn trong các chợ truyền thống, dự báo cũng sẽ không có việc “sốt giá” và “sốt hàng” phục vụ Tết, do sự khó khăn của nền kinh tế, lại cộng thêm việc các chợ truyền thống còn phải “cạnh tranh” với các điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ Tết do các địa phương phối hợp với doanh nghiệp triển khai để đưa hàng giá rẻ đến tay người dân. Chỉ có một điểm sáng được ghi nhận ở hệ thống chợ truyền thống năm nay là sự vắng bóng dần của hàng hoá Trung Quốc hay hàng hoá không rõ nguồn gốc. Người dân đã có nhiều lựa chọn hơn trong việc mua sắm hàng hóa Tết với các mặt hàng phong phú, phù hợp với mọi khả năng chi trả của từng cá nhân, phần lớn do chương trình bán hàng bình ổn giá tại các địa phương và các chương trình khuyến mãi kích cầu của doanh nghiệp
Bớt đi mối lo hàng giả, hàng kém chất lượng
Như đã nói, thời điểm trước, trong và sau mỗi dịp Tết Nguyên đán cổ truyền đồng thời cũng là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tung hoàng trên thị trường tiêu dùng. Trước thềm Tết Nguyên đán năm nay đã ghi nhận những chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ cũng như sự quyết tâm của các cơ quan chức năng, các địa phương trong kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Để bảo đảm các điều kiện cho mọi người dân trong cả nước được đón Tết truyền thống của dân tộc trong không khí phấn khởi, vui tươi, an toàn và tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các kế hoạch bảo đảm nguồn hàng, cung ứng hàng hóa để trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ đáp ứng đủ, kịp thời mọi nhu cầu hàng hóa của nhân dân, bảo đảm bình ổn thị trường và giá cả, không để thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, chất đốt, lương thực, thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả) và các mặt hàng khác phục vụ nhu cầu Tết. Trong đó, chú trọng việc cung ứng hàng hóa đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo, những khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp; tăng cường quản lý giá, thanh tra, kiểm tra việc chấp hàng các quy định về giá và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.
An toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những mối quan tâm lớn trong những ngày Tết cổ truyền. Ngay từ những ngày cuối tháng 12 năm 2012, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thành lập nhiều đoàn thanh, kiểm tra các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vào dịp Tết Nguyên đán như bánh kẹo, hoa quả, rượu bia, nước giải khát, thịt và các sản phẩm làm từ thịt. Các đoàn kiểm tra có nhiệm vụ thực hiện rà soát kiểm tra kĩ những nơi cung cấp thực phẩm số lượng lớn như chợ đầu mối, siêu thị... tại nhiều thành phố lớn trong cả nước. Đặc biệt, theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 25/12/2012 các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng. Nhiều sai phạm trước kia mức phạt chỉ 50.000-100.000 đồng, nay tăng lên 3-5 triệu đồng. Mức xử phạt cao nhất là 100 triệu đồng. Cùng với đó, cơ sở kinh doanh thực phẩm mất an toàn sẽ bị phạt tiền gấp 7 lần giá trị hàng hóa. Đây cũng có thể coi là một trong những biện pháp mạnh tay rất cần thiết của cơ quan chức năng để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân, nhất là trong dịp Tết cổ truyền này.
Thu Ba