Doanh nghiệp nhỏ “chết mòn” vì Covid-19

GD&TĐ - Từ Tết Nguyên đán đến nay, Việt Nam đã 2 lần đối mặt Covid-19 bùng phát. Việc gián đoạn sản xuất, kinh doanh đẩy không ít doanh nghiệp (DN) nhỏ, người buôn bán lẻ vào cảnh “sống mòn”.

Quán Karaoke Nice trên đường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM tiếp tục đóng cửa phòng dịch khiến chủ đầu tư điêu đứng.
Quán Karaoke Nice trên đường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM tiếp tục đóng cửa phòng dịch khiến chủ đầu tư điêu đứng.

Chính sách có nhưng khó tiếp cận

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh ở nước ta gần 2 năm. Các DN, người kinh doanh cũng đã quen và chủ động chuyển đổi và thích ứng với bối cảnh.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, để duy trì chỉ số gia tăng kinh tế và GDP hàng năm không quá thấp thì Chính phủ không thể không đồng hành.

Thực tế, sau khi TPHCM yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh karaoke, gym, nhà hàng tiệc cưới, massage, xông hơi, sân khấu, rạp phim... nhiều đơn vị kinh doanh đã phá sản vì không thể chịu đựng thêm.

Chị Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ chuỗi Karaoke Anh Đào (quận Thủ Đức) cho biết: Từ Tết đến nay chị đã phải gồng mình chịu lỗ gần 5 tỉ đồng. Giờ lại phải tiếp tục đóng cửa phòng chống dịch chưa biết đến khi nào mới có thể hoạt động trở lại. Chị đã trả mặt bằng vì không thể xoay và vay thêm tiền để duy trì hoạt động.

“Dù chủ nhà có giảm 30% giá thuê mặt bằng, cũng như sẵn sàng thu tiền nhà chậm nhưng với tình hình như hiện nay thì rất khó để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh. Mỗi tháng riêng chi phí mặt bằng đã ngốn 510 triệu đồng, chưa kể tiền điện, tiền nước, nhân viên…

Hiện tôi cũng đã dò hỏi và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 0% từ gói 16.000 tỉ đồng của Chính phủ nhưng nghe giám đốc tài chính báo về là rất khó để đáp ứng tiêu chí vay. Không còn nguồn lực để cầm cự, nhà cửa cũng đã cầm cố ngân hàng rồi nên dù có tiếc đến đứt ruột cũng phải buông bỏ vì không thể gắng gượng nữa” - chị Đào nói.

Để hỗ trợ DN, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ. Đó là gia hạn miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các DN, cá nhân chịu thiệt hại… Tuy nhiên, phần lớn các DN kiến nghị cần cải thiện hơn nữa hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính.

Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội mới chỉ giải ngân được gần 43 tỉ đồng để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động. Cụ thể, đến cuối tháng 4/2021 đã có 11 DN trả hết nợ cho gói tín dụng này. Hiện dư nợ của chương trình còn khoảng 39 tỉ đồng với 234 DN đang vay.

Như vậy, tính trong tổng số vốn của chương trình là 16.000 tỉ đồng cho DN vay để trả lương ngừng việc cho người lao động do tác động của đại dịch Covid-19, số tiền cho vay chỉ chiếm 0,27%. Đây là con số mà theo nhiều chuyên gia kinh tế cho thấy sự khó khăn của DN nhỏ lớn đến thế nào.

Ông Nguyễn Thế Trung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Trung, Quận 9 (chuyên kinh doanh xuất khẩu gỗ) cho biết bị kẹt dòng tiền từ sau Tết đến nay. Nhưng DN của ông không thể tiếp cận gói vay 16.000 tỉ của Chính phủ vì có dính khoản vay. Ông đã chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần nhưng gần 3 tháng vẫn không được duyệt.

Đánh gục sự gắng gượng của doanh nghiệp

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 cả nước có 101.000 DN phải rút lui khỏi thị trường. Trong đó, 46.592 đơn vị đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng hơn 62% so với năm 2019.

Ông Đỗ Trùng Dương - Chủ tịch HĐQT Vicky Group nói: “DN nhỏ hụt hơi là vì họ đã gần như vạn kiệt nguồn lực dự phòng khi tình hình sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng suốt 2 năm qua. Khi tình hình dịch Covid-19 vừa ổn ổn trước Tết, họ đã dốc trọn những nguồn lực dự trữ còn lại để đầu tư nhằm mục tiêu vực dậy.

Tuy nhiên, việc 2 đợt dịch liên tiếp ngay sau Tết đến thời điểm này gần như đánh gục mọi cố gắng gượng dậy của DN. Vì vậy, hơn lúc nào hết trong bối cảnh hiện nay các DN cần sự hỗ trợ từ Chính phủ”.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI nhìn nhận, đại dịch tác động rất tiêu cực đến DN. 87,2% DN được khảo sát cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”.

Chỉ 11% DN cho rằng họ “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.

“Tỉ lệ DN chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực có xu hướng giảm khi số năm hoạt động của DN gia tăng. Song vẫn có tới 84% DN tư nhân và 85% DN FDI có trên 20 năm hoạt động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực.

Mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các DN FDI lớn nhất ở nhóm DN quy mô nhỏ, với 89,3% cho biết chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực.

Với khối DN FDI ở quy mô lớn là nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn thứ 2, với con số 88%. Tỉ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực của nhóm quy mô vừa và quy mô siêu nhỏ thấp hơn một chút, lần lượt ở mức 87,3% và 87,2%.

Nhóm DN tư nhân quy mô siêu nhỏ có tỷ lệ cho biết chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn, hoàn toàn tiêu cực là cao nhất, với con số 87,7%. Các nhóm DN còn lại có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực thấp hơn một chút, ở mức 86,1%” - ông Tuấn Anh nói.

DN và người kinh doanh nhỏ lẻ gặp nhiều tổn thất và chịu nhiều ảnh hưởng nhất vì dịch Covid-19 (tiềm lực tài chính yếu), nhưng các chính sách hỗ trợ nguồn lực cho họ từ Chính phủ (đã có) không tới được khiến không ít DN đang “chết mòn” và tiến tới phá sản.

Theo ông Đậu Tuấn Anh, nguyên nhân khiến DN khó khăn tiếp cận chính sách này là do có quá nhiều điều kiện khắt khe. Cụ thể, để được vay vốn ưu đãi của gói này, DN phải đáp ứng một trong những điều kiện là doanh thu quý I/2021 giảm 20% trở lên so với quý IV/2020, hoặc doanh thu quý liền kề khi xét vay giảm 20% so với quý cùng kỳ năm…

Ông Nguyễn Bá Thước - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Hưng Thước, TP Thủ Đức nhiều lần tiếp cận nguồn tín dụng lãi vay 0% từ gói tín dụng 16.000 tỉ đồng. Ông cho biết, DN gặp khó khăn về nguồn vốn sản xuất và trả lương cho người lao động từ quý II/2020.

Nhưng khi tiếp cận nguốn vốn trên thì bị rớt vì không đáp ứng được các tiêu chí mà chương trình đưa ra. Vì vậy, DN buộc phải xoay hướng khác bằng các nguồn vay khác từ ngân hàng và tổ chức tín dụng. Nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp mà DN vẫn không thể tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ thì cũng sẽ khó có thể trụ vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.