Doanh nghiệp miễn phí dữ liệu, trao hàng nghìn máy tính bảng đến tay học sinh

GD&TĐ - Đại dịch covid-19 khiến cho ngành giáo dục kích hoạt chương trình học online. Thế nhưng nhiều học sinh vùng cao, học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có sóng Internet, dụng cụ để học.

Doanh nghiệp miễn phí dữ liệu, trao hàng nghìn máy tính bảng đến tay học sinh

Hàng nghìn máy tính bảng được trao đến tay học sinh

Hưởng ứng chương trình chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động, Tập đoàn VNPT cam kết hỗ trợ 37.000 máy tính bảng để giúp học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 triển khai học trực tuyến, bảo đảm không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”.

Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức trao 5.656 máy tính bảng tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tập đoàn VNPT cũng đã trao 2.687 máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Long An.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn VNPT – Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Tập đoàn VNPT cam kết ủng hộ 37.000 máy tính bảng với giá trị gần 100 tỉ đồng do 37.000 cán bộ, công nhân viên đóng góp và 37.000 sim VinaPhone 4G.

Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm,  Long An là một trong những tỉnh đầu tiên được trao tặng 2.687 máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua chương trình “Sóng và máy tính cho em”, chúng tôi mong muốn lan tỏa tinh thần nhân ái của dân tộc và truyền thống nghĩa tình của ngành, thể hiện tinh thần vì cộng đồng.

Đồng thời truyền thêm năng lượng tích cực trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19; thu hẹp khoảng cách số giữa vùng sâu, vùng xa với thành thị; giữa các học sinh có hoàn cảnh khó khăn với các học sinh may mắn hơn; hướng đến việc VNPT đẩy nhanh phủ sóng di động đến các điểm chưa có kết nối Internet di động, hỗ trợ chính sách dạy và học trực tuyến cho các địa phương bị ảnh hưởng dịch Covid-19”.

Tập đoàn VNPT cũng đã tặng kèm theo mỗi máy tính bảng một sim Vinaphone miễn phí dữ liệu (data) 4GB/ngày trong 3 tháng sử dụng, hết thời gian 3 tháng gia hạn sử dụng mức cước 50.000 đồng/30 ngày.

Cũng hưởng ứng chương trình “sóng và máy tính cho em”, Tập đoàn Công nghệ CMC trao 400 máy tính (số máy tính trao thuộc số máy tính đơn vị đăng ký ủng hộ đợt 1);

Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Pacific Construction Group) trao tặng 100 máy tính bảng và gần 20.000 khẩu trang y tế.

Trao máy tính cho em. Ảnh Sở GDĐT Hà Nội
Trao máy tính cho em. Ảnh Sở GDĐT Hà Nội

Khoảng 7,35 triệu học sinh cả nước đang học trực tuyến

Trước đó, Theo tổng hợp của Bộ Giáo dục và đào tạo, đến thời điểm ngày 12/9, cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (một số tỉnh chỉ học trực tuyến một số vùng, có tỉnh không giản cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến), với số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh. Số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Theo  Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động gồm ba cấu phần: là có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình; là có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; là có giá cước phù hợp cho các máy tính này.

Đây là một chương trình lớn của mọi ngành, mọi cấp và mọi người, mọi doanh nghiệp dành cho ngành giáo dục, dành cho các em, dành cho tương lai của chúng ta. Giá trị của nó lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Có sóng cho em, có Internet cho em thì không chỉ là nỗ lực của nhà mạng, mà còn là sự chung tay của chính quyền các cấp, của người dân trong việc tạo điều kiện cho nhà mạng phát triển hạ tầng, xây dựng các trạm phát sóng.

“Một chiếc máy tính bảng cũ có thể bị chúng ta bỏ quên ở đâu đó, nhưng lại có thể giúp thay đổi cuộc đời của một em học sinh, giúp em đi học những ngày giãn cách, giúp em tiếp cận kho tri thức nhân loại, giúp các em lớn lên với đầy đủ tri thức để cống hiến lại cho cuộc đời. Chương trình này kêu gọi mọi người dân Việt Nam, ai có máy tính cũ, ai có máy tính mới hãy giúp các em.

Chương trình cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc hỗ trợ, người nhiều người ít, nhưng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng, với con cháu mình, với tương lai đất nước mình. Đất nước Việt Nam, người dân Việt Nam chính là cái nôi, là mảnh đất nuôi dưỡng các doanh nghiệp. Chăm lo cho mảnh đất ấy cũng chính là chăm lo cho chính mình trong dài hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.