Cầu nhiều, cung ít
Liên tiếp trong các phiên giao dịch của những tháng đầu năm 2016 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp và nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng trên địa bàn đã gửi đăng ký thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động.
Tuy nhiên, phần lớn lao động đến sàn giao dịch có trình độ đại học, cao đẳng đòi hỏi tìm vị trí văn phòng, nhân viên kế toán với mức lương cao. Trong khi đó, nhu cầu của nhiều doanh nghiệp tìm lao động phổ thông để gia công các đơn hàng xuất khẩu lại không thể tuyển được.
Ông Nguyễn Toàn Phong – Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết: “Có đến hơn 90% vị trí việc làm mà doanh nghiệp cần tuyển dụng từ đầu năm đến giờ chỉ đòi hỏi lao động có trình độ phổ thông, trong khi đó lao động trình độ này đến trung tâm tìm việc lại ít dẫn đến tỷ lệ giao dịch thành công thấp”.
Từ đầu năm đến nay, nhiều cơ sở sản xuất lớn, nhỏ thuộc nhiều lĩnh vực thường xuyên thông báo tuyển lao động. Doanh nghiệp nhỏ thì có nhu cầu tuyển dụng vài chục, doanh nghiệp lớn lên đến hàng trăm người, song công tác tuyển dụng gặp không ít khó khăn do khan hiếm lao động.
Bà Đặng Nhật Thu - Quản lý nhân sự một công ty chuyên gia công hàng xuất khẩu tại khu công nghiệp Thăng Long cho biết, đầu năm công ty thiếu hụt khoảng 20 - 25% lao động. Nguyên nhân do công ty đang trong quá trình mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất. Nhưng việc thiếu hụt lao động chủ yếu là do một lượng lớn lao động sau Tết nghỉ luôn không báo lý do, cũng không thể liên lạc được...
Theo ông Phong, thực tế việc thiếu hụt lao động đầu năm là đến hẹn lại lên, và chỉ diễn ra tạm thời từ sau Tết Nguyên đán đến hết quý I. Đây là tình trạng không chỉ diễn ra ở các công ty, xí nghiệp lớn, mà tại các xưởng nhỏ cũng gặp khó khăn gấp bội.
Theo dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động sau kỳ nghỉ Tết Bính Thân sẽ cao hơn năm ngoái khoảng 30%. Điều đáng lưu ý, năm nay nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp chủ yếu vẫn là lao động phổ thông (chiếm tới gần 90%), đặc biệt đối với các ngành: Da giầy, dệt may, sản xuất hàng điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí, gò hàn...
Cần có chính sách “giữ chân” lao động
Mặc dù sức ép về việc làm khá lớn, nhưng số lao động phổ thông không thích làm những công việc ổn định tại các doanh nghiệp, công ty, khu công nghiệp cũng đang có xu hướng gia tăng.
Theo ông Nguyễn Toàn Phong, có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này như mặt bằng lương tối thiểu thấp không theo kịp những cơn “bão giá” tại các thành phố lớn, đa số các địa phương đều có khu công nghiệp – khu chế xuất nên nhiều lao động có xu hướng về quê làm việc.
Bởi cùng một mức thu nhập như nhau cho cùng một công việc thì chắc chắn người lao động sẽ dạt về các tỉnh lân cận nơi chi phí sinh hoạt rẻ hơn nhiều so với khu vực đô thị.
Hơn nữa, do quy định về lương tối thiểu quá thấp dẫn đến thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống nên người lao động “chê” việc. Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số lao động nhập cư sẵn sàng nghỉ việc tại các nhà máy, xí nghiệp để chọn công việc dịch vụ tự do được trả lương cao.
Đơn cử như: Làm việc trong các ngành dịch vụ, xây dựng, một lao động phổ thông làm việc phụ hồ, thợ xây… thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày, sáng làm chiều lấy tiền tươi. Các chủ thầu cũng chẳng ràng buộc gì về “kỷ luật lao động” cả, thích thì làm, bận việc thì nghỉ. Còn vào làm tại các doanh nghiệp, nhà máy hay xí nghiệp... lương chỉ từ 3 - 4 triệu, lại ràng buộc đủ thứ nên người lao động rất ngại. Đã vậy, các quyền lợi cho người lao động lại không được đảm bảo, công việc cũng rất bấp bênh...
“Những doanh nghiệp được coi là có mức lương cao, thì nay, với đà tăng giá thu nhập của người lao động cũng chỉ còn ở mức trung bình. Trong khi đó, người lao động phổ thông luôn làm việc trong tình trạng “đứng núi này, trông núi nọ”. Chỉ cần các doanh nghiệp khác tăng thêm quyền lợi, tăng mức thu nhập và điều kiện ăn ở, đi lại là họ sẵn sàng “nhảy” việc” – ông Phong cho biết.