Doanh nghiệp loay hoay với hóa đơn điện tử

GD&TĐ - Đầu năm 2018, hóa đơn điện tử được triển khai đồng loạt đối với tất cả các doanh nghiệp. Dù đã thực hiện được 3 tháng nay, nhưng vẫn còn nhiều bất cập khiến không ít doanh nghiệp loay hoay không tìm ra phương án khắc phục khi nảy sinh tình huống.

Doanh nghiệp loay hoay với hóa đơn điện tử

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp không biết giải quyết thế nào khi gặp phải vướng mắc dùng hóa đơn điện tử để xác thực hàng hóa đi trên đường ra sao mới là đúng quy định...

Bất cập cần tháo gỡ

Khi sử dụng hóa đơn điện tử sẽ mang đến những tiện lợi trước mắt, nhưng có nhiều tình huống phát sinh khiến cho các doanh nghiệp thấy khá nhiều bất tiện. Đặc biệt là đối với ngành nghề chuyên về vận chuyển.

Khi vận chuyển hàng hóa phải có hóa đơn để trình cơ quan chức năng kiểm tra trên đường. Như vậy, khi dùng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp lấy hóa đơn nào để xuất trình? Đó là chưa kể các chi phí xác nhận, photo các hóa đơn chứng từ khi đối tác yêu cầu hóa đơn giấy rất mất thời gian.

Một số doanh nghiệp bán lẻ “than trời” cũng vì bất tiện của loại hóa đơn điện tử, bởi thông thường khi hàng hóa chuyển giao quyền sử dụng thì mới xuất hóa đơn.

Nhưng hiện nay, không ít doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa cho người dân, nếu xuất hóa đơn điện tử họ có băn khoăn là hàng hóa đi bằng cách nào? Bởi lẽ hàng đang đi trên đường, chưa có chuyển giao quyền sử dụng, mà chuyển đi như vậy thì sử dụng hình thức như thế nào là hợp lệ?

Hay không ít trường hợp doanh nghiệp khi giao hàng cho khách thì phải xuất hóa đơn điện tử ở văn phòng. Nhưng khi đến thì khách hàng từ chối nhận hàng và tất nhiên là hóa đơn đã xuất ra sẽ không có người nhận.

Như vậy, với trường hợp này thì các doanh nghiệp sẽ phải xử lý như thế nào để hợp thức hóa hóa đơn điện tử đã xuất ra?..

Lý giải về thắc mắc trên, một chuyên gia trong ngành thuế cho rằng, hóa đơn điện tử là hóa đơn được truyền bằng phương thức điện tử, là căn cứ pháp lý để hạch toán, kê khai khấu trừ tính vào chi phí.

Còn hóa đơn chuyển đổi ra giấy, các doanh nghiệp cần xem kỹ Thông tư 32/2011/TT-BTC hướng dẫn các trường hợp chuyển đổi ra giấy để chứng minh hàng hóa đi trên đường.

Nhất là khi vận chuyển hàng hóa đi trên đường cần các thủ tục để chứng minh, bên bán sẽ thực hiện chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để làm chứng từ đi đường...

Cần lộ trình cho doanh nghiệp làm quen

Được biết, Chính phủ đã đề ra lộ trình đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% và đến năm 2020 có 90% hàng hóa được mua bán (lưu thông) bằng hóa đơn điện tử.

Đặc biệt, đầu tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Bộ Tài chính tập trung xây dựng Nghị định về hoá đơn, chứng từ điện tử để cơ bản thực hiện trong năm 2018 đối với toàn bộ nền kinh tế.

Đồng thời, nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, kết nối thông tin để quản lý doanh thu bán lẻ của các hộ kinh doanh, thí điểm thực hiện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2018.

Một thống kê cuối năm 2017 cho thấy hiện đã có hơn 622.000 doanh nghiệp, đạt 99,64% thực hiện kê khai thuế điện tử. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp một số vướng mắc trong quá trình đi đường, phải in hóa đơn điện tử cho khách hàng ra sao.

Hiện nay, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn là hóa đơn điện tử tuy cần thiết nhưng để 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện trong thời gian sớm không phải chuyện đơn giản. Nhất là những trường hợp các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, đứng tên là người già không biết sử dụng vi tính hoặc đối với vùng sâu, vùng xa, không có mạng Internet, hoặc mạng rất yếu thì quản lý hóa đơn điện tử như thế nào?

Vì thế, giới chuyên gia cho rằng ngành thuế trước mắt nên kiểm soát bằng hóa đơn điện tử với số doanh nghiệp lớn đang chiếm 80% nguồn thu. Còn với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn chỉ chiếm 20% nguồn thu) nên đặt ra lộ trình để họ làm quen và có điều kiện áp dụng theo.

Việc áp dụng sử dụng hóa đơn điện tử đại trà đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Mặc dù có nhiều lợi ích khi sử  dụng hình thức hóa đơn này, nhưng những bất cập được các doanh nghiệp đưa ra cũng là điều mà các cơ quan chức năng cần xem xét để có hướng giải quyết cho hợp lý, giúp việc sử  dụng hóa đơn điện tử trở thành một giải pháp tốt nhất  cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời kỳ hiện đại 4.0 này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ