Doanh nghiệp "chinh phục" thử thách từ RCEP

GD&TĐ - Doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó phát triển nếu không chủ động nâng cao nhận thức, thói quen tìm hiểu thị hiếu và quy định của các thị trường RCEP.

Các doanh nghiệp không nên nghĩ rằng, thị trường RCEP "dễ tính".
Các doanh nghiệp không nên nghĩ rằng, thị trường RCEP "dễ tính".

Hoặc, không điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp, gắn với đề xuất hỗ trợ. 

Yếu tố tác động nền kinh tế

Ngày 19/4, Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Thông tin Tuyên truyền ASEAN tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền ASEAN với chủ đề “Tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết”.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là: Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc. Hiệp định được ký kết vào ngày 15/11/2020. Hiệp định có hiệu lực đầu năm nay, sau khi đủ 6 nước ASEAN và 3 đối tác ngoài ASEAN hoàn tất quá trình phê chuẩn nội bộ.

Việt Nam có mối quan hệ thương mại - đầu tư đặc biệt lớn với các nước thành viên ký kết RCEP. Những đối tác thuộc tốp đầu các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như nguồn nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam đều có mặt trong khu vực này.

Trong so sánh với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của ASEAN và ASEAN với các đối tác, Hiệp định RCEP có phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa mạnh và/hoặc có tiêu chuẩn cao hơn ở nhiều khía cạnh. Do đó, việc thực thi RCEP được dự báo có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Văn kiện Hiệp định bao gồm 20 Chương, 4 Phụ lục, với hàng nghìn trang cam kết. Việc tìm hiểu, tận dụng được cơ hội từ các cam kết này là thách thức lớn với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, RCEP là hiệp định đầu tiên ASEAN đóng vai trò điều phối trong đàm phán.

Theo ông Dương, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước những kịch bản trái chiều về hợp tác thương mại và đầu tư. Trong bối cảnh Covid-19, có nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, y tế. Điều đó đòi hỏi nhiều nền kinh tế phải đưa ra biện pháp bảo đảm sức khỏe, nhưng tác động hạn chế đến thương mại.

“ASEAN tạo sân chơi cho các đối tác hợp tác với nhau. RCEP có ý nghĩa rất quan trọng. Các nền kinh tế có sức tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Gắn Việt Nam vào sân chơi như vậy giúp hòa nhịp vào đà tăng trưởng”, ông Nguyễn Anh Dương nhận định.

Theo chuyên gia này, không chỉ Việt Nam, các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế có xuất khẩu đang muốn tìm kiếm không gian cho hàng hóa. Nhất là thị trường bên ngoài trong quá trình phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.

Có thể thấy một sự nhất quán trong các cơ hội, kế hoạch phục hồi là tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Với RCEP, những tác động tới kinh tế Việt Nam không phải giờ mới cân nhắc, mà đã được đánh giá từ năm 2013 - 2014, khi mới đàm phán gia nhập hiệp định.

Đến nay, dù còn nhiều đánh giá khác nhau về tác động, nhưng đây là thị trường lớn với 30% dân số thế giới, chiếm 30% GDP. Quan trọng nhất là thị trường được dự báo phục hồi nhanh sau đại dịch.

Cơ hội để doanh nghiệp “nâng tầm”

Chia sẻ về cơ hội từ RCEP đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, hiệp định này có thể giúp gia tăng xuất khẩu và thu nhập quốc gia.

RCEP có tác động tạo thương mại, chứ không chỉ là chuyển hướng thương mại. RCEP đặt cho quá trình hội nhập và hợp tác khu vực sang chương mới. Gia tăng đầu vào có chất lượng cho tiêu dùng và sản xuất xuất khẩu.

Song song đó, RCEP cũng mang lại những thách thức cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Dương, thách thức tích cực sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng tầm.

Đồng thời, khiến nền kinh tế có mức độ tự chủ, độc lập trong quá trình hội nhập, cũng như phát huy khả năng thích ứng với những quy định ở thị trường RCEP.

Song, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó phát triển nếu không chủ động nâng cao nhận thức, thói quen tìm hiểu thị hiếu và quy định của các thị trường RCEP, đặc biệt là nếu chỉ duy trì cách làm tiểu ngạch, thiếu gắn kết…

Doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó nếu không điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp, gắn với đề xuất hỗ trợ. Hoặc, không chủ động kiến nghị, tháo gỡ những bất cập chính sách.

“Doanh nghiệp cần không tách rời RCEP với các FTA khác trong chiến lược kinh doanh. Xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xuất khẩu (đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật).

Để đạt được điều này, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực từ từ, theo dõi xu hướng về các biện pháp phi thuế quan ở các thị trường RCEP. Đồng thời, không nên nghĩ rằng, các thị trường RCEP ‘dễ tính’”, ông Dương khuyến cáo.

Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, trong quá trình chuyển đổi, các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội và tích luỹ từ những FTA “tiêu chuẩn thấp” khác như ASEAN+FTA. Tận dụng hiệu quả nguồn vốn và chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đồng thời, tận dụng cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Trong khi đó, thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào địa bàn chỉ là điều kiện cần. Thực tế, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy trong bối cảnh mới lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa… Đồng thời, cần chủ động hưởng lợi.

Trong khi đó, hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò là đầu mối cung cấp thông tin, kết nối doanh nghiệp. Đồng thời, là đầu mối tham vấn doanh nghiệp.

Triển khai chất lượng hoạt động phổ biến, tuyên truyền giúp doanh nghiệp thích ứng, chuyển đổi và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.