Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group - doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính, cho hay vừa nhận được nhiều cuộc gọi điện của phía đối tác Mỹ thông báo về việc hoãn thuế đối ứng trong vòng 90 ngày. "Hàng hóa được xuất khẩu với mức thuế bình thường. Chúng tôi phấn khởi lắm”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, trước đây, các mặt hàng rau quả Việt Nam xuất sang Mỹ thường chịu mức thuế từ 0-5%. Những ngày trước đây, theo yêu cầu của phía đối tác, doanh nghiệp đã phải đẩy nhanh các lô hàng xuất khẩu sang Mỹ để tránh thuế 10% trước ngày 5/4.
"Lúc đầu, đối tác ở Mỹ đã giảm khoảng 40% đơn hàng để cầm chừng, thăm dò thị nhưng nay đơn hàng đã được nối lại, đi đúng theo hợp đồng thỏa thuận từ trước", ông Tùng nói thêm.
Tuy nhiên, để sẵn sàng ứng phó trong bối cảnh mới, Vina T&T Group đang mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Trung Đông...
Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food), cho hay, việc Mỹ hoãn thuế đối ứng 90 ngày là tín hiệu tích cực với doanh nghiệp.
"GC Food không bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều từ chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ nhưng có bị ảnh hưởng gián tiếp bởi nhiều khách hàng mua sản phẩm của GC Food và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU…", ông Thứ nói.
Theo Chủ tịch GC Food, mục tiêu năm 2025 xuất khẩu vào thị trường Mỹ của doanh nghiệp là 1,5 - 2,5 triệu USD.
"Tranh thủ trong 90 ngày hoãn thuế, chúng tôi tích cực đàm phán với đối tác để đẩy nhanh tiến độ giao hàng. Mức thuế 10% vẫn nằm trong khả năng chịu đựng, không ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản phẩm. Với các mặt hàng sử dụng nguyên liệu nội địa như thạch dừa, nha đam… GC Food vẫn duy trì được sức cạnh tranh khi xuất khẩu sang Mỹ", ông Thứ cho biết.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty May mặc Dony, cho hay, ngay khi có thông tin Mỹ sẽ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam trong đó có lĩnh vực dệt may, Dony gần như không làm được gì và dự định sẽ đề ra những kế hoạch dài hạn.
Thế nhưng sáng 10/4, khi Mỹ thông báo tạm hoãn kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày và giảm mức thuế này xuống còn 10%, công ty ngay lập tức bắt tay để thực hiện kế hoạch ngắn hạn.
“Chúng tôi vừa có đối tác từ Mỹ đã ký hợp đồng nhưng chưa đặt cọc. Sau khi có thông tin tạm hoãn kế hoạch áp thuế, tình hình đã sáng sủa hơn. Chúng tôi đang bắt tay làm đơn hàng này cho đối tác”, ông Quang Anh hào hứng.
Cũng theo vị giám đốc này, công ty đang tận dụng thời gian “vàng” trong 3 tháng tới để cấp tốc sản xuất, sao cho kịp giao hàng trước 90 ngày khi Mỹ có những công bố mới.
“Như đơn hàng Mỹ vừa ký này, Dony phải giao vào tháng 7, thời gian vận chuyển trên biển mất khoảng 1,5 tháng. Nghĩa là chúng tôi chỉ có 1,5 tháng để làm hàng, lô hàng này phải hoàn thành vào cuối tháng 5”, ông Quang Anh phân tích.

Để kịp sản xuất, Dony tuyển thêm lao động thời vụ, chia sẻ đơn hàng với đối tác gia công, đề nghị đơn vị cung cấp nguyên vật liệu đẩy nhanh tiến độ.
Với những đơn hàng không gấp, công ty tiến hành đàm phán với khách hàng xin lùi thời gian giao hàng chậm hơn đôi chút…
“Đa số các đơn hàng của Dony, khách hàng đều chịu mọi chi phí nên chúng tôi chủ động để giảm ít nhất những thiệt hại cho họ”, ông Quang Anh chia sẻ thêm.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, động thái mới của Mỹ khiến các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu trong nước rất phấn khởi. Việt Nam có nhiều thuận lợi về môi trường, xã hội, các chính sách; doanh nghiệp đầu tư công nghệ quản lý tương đối hiện đại... Đây là lợi thế mang tính cạnh tranh cho dệt may Việt Nam.
“Doanh dệt may mong muốn Nhà nước hỗ trợ để họ tiếp tục chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cải tiến đầu tư thiết bị. Doanh nghiệp cũng nên chú ý quản lý xuất nhập khẩu với các nước cho chặt chẽ, đừng để lợi dụng những thuận lợi của Việt Nam mà vi phạm các quy định về quan hệ thương mại có khi xảy ra những điều không tốt”, ông Hồng lưu ý.